Với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho dây chuyền giết mổ công nghiệp nhưng Nhà máy thực phẩm D & F đã phải tạm đóng cửa vì trong suốt 2 năm, dây chuyền chỉ đạt 5 – 10% công suất.
Công nghiệp ethanol: Chưa thành hình đã 'chết yểu'
- Cập nhật : 19/05/2016
(Cong nghiep)
Đa phần các dự án sản xuất nhiên liệu sinh hoc - ethanol đều gặp bế tắc, nếu không dang dở bỏ hoang thì cũng đóng cửa vô thời hạn. Ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học mới khởi động, chưa kịp thành hình đã 'chết yểu'.
Sản xuất ra không bán nổi
Giải thích về thất bại sớm, một lý do các DN đưa ra là lộ trình sử dụngxăng E5 gặp nhiều trục trặc.
“Theo lộ trình, xăng E5 sẽ bán đại trà trên cả nước từ cuối 2015. Tuy nhiên, từ 2013 đến nay, ngoài 7 địa phương thực hiện thí điểm, chỉ mới có thêm Quảng Nam tiêu thụ xăng E5 nên đầu ra gặp khó khăn”, ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Công ty CP Sinh học dầu khí Miền Trung (Nhà máy bio-ethanol Dung Quất) giải thích.
Theo tính toán, nếu 7 nhà máy ethanol hoạt động hết công suất sẽ cho ra khoảng 500 triệu lít cồn nhiên liệu, từ đó có thể pha được khoảng 10 tỉ lít xăng E5 hoặc khoảng 5 tỉ lít xăng E10. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 7 nhà máy ethanol, chỉ có hai nhà máy có khả năng cung cấp ethanol biến tính (E100) dùng để phối trộn xăng E5 là bio-ethanol Dung Quất và ethanol Tùng Lâm.
Tuy vậy, Nhà máy bio-ethanol Dung Quất từ khi đi vào hoạt động chỉ sản xuất 10% công suất. Đến tháng 9/2015 thì ngừng do liên tục thua lỗ. Còn nhà máy ethanol Tùng Lâm dù có hoạt động nhưng không có hiệu quả.
Các đơn vị mua ethanol để trộn xăng E5 như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm E5. Công suất thiết kế của các trạm trộn thuộc 3 đơn vị này là hơn 2,2 triệu tấn xăng E5/năm nhưng hết tháng 8/2015 mới cho ra hơn 162.000 tấn xăng E5.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ 7/2014 Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã bán xăng E5 bằng đường bộ cho khách hàng. Thế nhưng sản phẩm E5 trong nước lại cao hơn xăng E5 nhập khẩu.
BSR cho rằng, do chính sách thuế có lợi cho nhập khẩu mà không khuyến khích sản xuất trong nước nên đơn vị này khó tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là lý mà giai đoạn từ 7/2014 đến 11/2014 BSR lỗ 278 đồng/lít. Còn công ty mẹ PVOil, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đối với mặt hàng xăng E5 lỗ 15,5 tỉ đồng, tương đương lỗ 295 đồng/lít.
Ưu đãi nhiều vẫn chưa đủ?
Tình hình trên khiến đầu 2015 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đã kiến nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu xăng E5 để tạo điều kiện tiêu thụ xăng E5 trong nước. Sau đó, thuế này đã nâng lên và hiện duy trì mức 20%.
Đầu 2015, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học kêu thiếu sắn lát sản xuất ethanol và đề nghị tăng thuế xuất khẩu sắn lát từ 0% lên 5%. Sau đó, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhưng vấp phải phản ứng của các DN xuất khẩu sắn nên thời hạn thi hành mức thuế này bị lùi lại.
Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 thấp hơn từ 120-150 đồng/lít so với xăng thông thường và thuế bảo vệ môi trường với xăng E10 thấp hơn từ 270-300 đồng/lít.
Từ 1/1/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 cũng thấp hơn so với xăng khoáng 213 đồng/lít và xăng E10 thấp hơn xăng khoáng là 319 đồng/lít. Bên cạnh đó, hiện nay nếu như xăng thông thường phải trích quỹ bình ổn 200 đồng/lít thì xăng E5 không phải trích quỹ bình ổn giá.
Tất cả những yếu tố kể trên đã giúp xăng E5 có giá bán thấp hơn xăng truyền thống. Nhưng theo các DN, mức chênh lệch thấp hơn khoảng 500 đồng với xăng Ron92 là không đủ. Các DN sản xuất ethanol vẫn kêu ca khó khăn. Lý do là xăng E5 được bán song song với xăng khoáng R92 chứ không được dùng như sản phẩm thay thế hoàn toàn xăng khoáng R92 nên lượng xăng E5 tiêu thụ khó tăng mạnh.
Đầu 2016, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đến 1/6/2016, 8 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh có 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán xăng E5 và 100% xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, đến ngày 1/6/2016 tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành điều này khó thực thi vì: “Nếu DN nào không muốn bán xăng E5 trên toàn hệ thống phân phối của họ thì chắc cũng khó phạt vì không có chế tài. Mặt khác, các nhà máy ethanol dừng hoạt động gần hết nên không đủ nguyên liệu phối trộn xăng E5. DN càng có lý do để hoãn việc tiêu thụ xăng E5”.
Trong khi các DN liên tục kêu ca thì các chuyên gia lại có một quan điểm khác. Ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết: Vấn đề nằm ở công nghệ sản xuất ethanol. Trước hết là việc chọn nguyên liệu. Braxin làm ethanol hoàn toàn từ mía. Các nước tiên tiến khác làm từ gỗ, hoặc phế thải nông nghiệp, rơm rạ, mùn cưa.
“Việt Nam lại chọn sắn làm nguyên liệu sản xuất ethanol – một loại lương thực. Sắn củ tươi là nguyên liệu cho sản xuất tinh bột sắn, rồi làm mì chính hoặc đường gluco. Cho nên giá mua sắn rất cao. Vì vậy, khi sản xuất ethanol từ sắn thì giá thành rất cao”, ông Lạng cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Lạng, công nghệ chiết xuất, trưng cất tạo ra ethanol của các nhà máy ở Việt Nam chưa phải là tốt nên chưa tạo ra được cồn sinh học để phối trộn xăng sinh học, mà chỉ tạo ra cồn cho thực phẩm. Vì vậy cho nên hầu hết các nhà máy ethanol hiện nay không thành công và 7 nhà máy đóng cửa gần hết.
“Nguyên nhân chính là chọn công nghệ và nguyên liệu làm ethanol không chuẩn”, ông Lạng nhận định.
PGS.TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho rằng, không dễ làm nhiên liệu sinh học. Malaysia, Indonesia đã từng có kế hoạch làm nhiên liệu sinh học từ dầu dừa nhưng rồi đều bỏ hết, không làm được. Chỉ có Thái Lan là thành công vì họ tính toán được đầu ra, thị trường.
PGS.TS Đỗ Đức Định cũng cho rằng, cách đầu tư các nhà máy ethanol Việt Nam theo kiểu “phong trào”, giống như trong nhiều ngành công nghiệp nặng khác. “Các nhà đầu tư đã không hình dung được thị trường. Cứ nghĩ thị trường cần tất cả những cái làm ra thì thị trường không có nhu cầu”, PGS.TS Đỗ Đức Định nói