tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lầm tưởng về thành tích công nghiệp hoá

  • Cập nhật : 22/04/2016

(Tin kinh te)

Phát triển công nghiệp nhưng chỉ tập trung vào xây dựng, khai khoáng.

Không chỉ giậm chân tại chỗ mà còn thụt lùi

Sau 30 năm đổi mới, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP đã tăng khoảng 16%. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, chính con số bề nổi này đã khiến chúng ta lầm tưởng rằng nền kinh tế đang phát triển theo định hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá, có vẻ đang đi rất đúng hướng.

Theo phân tích chi tiết của ông Thiên, công nghiệp chế biến chế tạo (CNCBCT), bộ phận cốt lõi tạo ra sự phát triển bền vững của cả ngành công nghiệp, qua 30 năm chỉ tăng trưởng 1,6%. Đây mới là con số thực chất thể hiện chính xác diện mạo ngành công nghiệp.

Nó cho thấy “cách phát triển của công nghiệp Việt Nam có vấn đề rất nghiêm trọng”, ông Thiên nói thẳng tại Diễn đàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21/4.

chon nganh mui nhon nao cho cong nghiep che bien che tao dang la cau hoi lon

Chọn ngành mũi nhọn nào cho công nghiệp chế biến chế tạo đang là câu hỏi lớn

Theo phân tích của chuyên gia này, đây là con số đáng lo ngại, phản ánh sự thụt lùi cực lớn của ngành CNCBCT nước ta. Bởi trong thời đại công nghệ cao mà lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ ì ạch tăng như vậy, thử hình dung công nghiệp Việt Nam đã giậm chân tại chỗ hay thụt lùi ghê gớm so với thế giới? “Vì chúng ta chỉ phát triển ngành xây dựng, chỉ thích khai khoáng, tập trung gia công, còn lĩnh vực cốt lõi nhất đối với phát triển bền vững thì chúng ta rất yếu”, ông Thiên nói gay gắt.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào sân chơi ở đẳng cấp rất cao của thế giới nhưng ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung lại ở vị thế rất thấp, thì những bất lợi sẽ nhiều hơn lợi thế. Bên cạnh đó, khi nhìn lại các lợi thế trong hội nhập, càng kể ra càng thấy chẳng còn gì: tài nguyên sắp cạn, lao động giá rẻ sắp hết, ngay cả vị trí chiến lược cũng không khai thác được…

Các chuyên gia lý giải, sự ì ạch của cả ngành công nghiệp là do trước đây chúng ta coi DNNN là chủ đạo và luôn ưu tiên nguồn lực cho khối này. Tuy nhiên, hoạt động của các tập đoàn nhà nước rất ít định hướng vào công nghệ, trong khi chủ yếu tập trung vào các ngành khai thác tài nguyên. Do đó, nền tảng phát triển của quốc gia đã có một thời gian dài bị đặt lệch khi tập trung vào khối DNNN. Trong khi đó một số tập đoàn tư nhân tuy lớn được và có thể tạm coi là trụ cột, song định hình cũng chưa rõ ràng.

Do đó, việc cần thiết hiện nay là xác định cho đúng một cấu trúc DN thống nhất để phát triển là khối DN nội địa và khối FDI. Trong khối nội địa phải chỉ rõ DN tư nhân là lực lượng nền tảng. “Để phát triển công nghiệp thì DN tư nhân phải đóng vai trò quyết định, tập đoàn tư nhân là trụ cột”, ông Thiên quả quyết.

Với nền tảng DN tư nhân được đặt ra như vậy, cần xem xét định vị lại những lợi thế cụ thể của Việt Nam trong thời điểm hiện tại và tương lai. Và người tham gia định vị những ưu nhược điểm này chính là các DN. Việc của các nhà hoạch định chính sách là tôn trọng những định vị đó của DN, đặc biệt là DN tư nhân.

Phải quên đi chiến lược quả mít!

TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành CNCBCT ở Việt Nam thuộc nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trung bình hàng năm 13,8% từ 2006-2014, cao hơn tăng trưởng trung bình của GDP. Tuy nhiên ngành này hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của thị trường nội địa.

Do tầm quan trọng của các ngành sản xuất và công nghiệp, ông Hải nhấn mạnh cần nâng cao sức cạnh tranh của các ngành này. DN cần phải là trung tâm trong mô hình phát triển mới. Câu hỏi làm thế nào để đạt mục tiêu này? Chính sách cần phát triển dàn đều hay tập trung vào một số ngành mũi nhọn?

Trước câu hỏi này, nhiều ý kiến can ngăn: Nền công nghiệp không thể tiếp tục dàn đều theo chiến lược “quả mít” với ngành nào cũng được tập trung trở thành mũi nhọn như trước đây. Thay vào đó, qua nhiều thập niên phát triển, đã có một số ngành triển vọng nổi lên với những nền tảng cơ bản để có thể tập trung nguồn lực phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam đề xuất ngành công nghiệp thời trang nói chung, và da giày, túi xách nói riêng có thể trở thành ngành mũi nhọn.

Ông Thuấn lý giải, sau 20 năm phát triển đã đủ thời gian chứng minh cho lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của ngành công nghiệp này trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời chuỗi cung ứng, lực lượng lao động, cán bộ quản lý… đã có nền tảng nhất định. Hiện nay riêng ngành công nghiệp da giày, túi xách có khoảng 700.000 - 800.000 lao động, năng suất lao động bình quân 20.000 USD/người/năm.

Ông Thuấn cho biết thêm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đến năm 2030 được xác định đạt khoảng 7.000 USD. Trong khi đó theo tính toán của Hiệp hội Da giày, khi nào GDP của một quốc gia đạt 12.000-13.000 USD/người thì lợi thế ngành công nghiệp thời trang của quốc gia đó mới bắt đầu giảm đi. Do đó theo ông Thuấn, ngành công nghiệp này vẫn còn thời gian đủ dài để tập trung phát triển, tạo thành chuỗi giá trị.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cũng bày tỏ, các tập đoàn tư nhân lớn luôn sẵn sàng dốc sức để trở thành những trụ cột trong phát triển công nghiệp. Tuy nhiên đây là thời điểm DN rất cần sự hậu thuẫn từ các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Bởi phát triển công nghiệp luôn là lĩnh vực đòi hỏi thời gian dài và đầy rủi ro.

“Có thể nói chưa bao giờ cộng đồng DN cần một điểm tựa từ Chính phủ như bây giờ. Chúng tôi chỉ cần môi trường kinh doanh thông thoáng, không bị cản trở, níu chân bởi các cơ chế hành chính rườm rà”, ông Vũ chốt lại.


Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục