tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Điện than hay điện gió?

  • Cập nhật : 11/05/2017

Các chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo sẽ là trụ cột mới trong chiến lược của các quốc gia vì giá ngày càng rẻ.

dien than hay dien gio?

Điện than hay điện gió?

Tuy nhiên, để có thể phát triển nguồn điện tái tạo ở VN với một tỷ trọng lớn nhằm đảm bảo được nhu cầu tăng trưởng điện mà không gây hệ lụy cho môi trường vẫn là bài toán khó.

Điện gió ngày càng rẻ

Ông Andres Isaza, Phó chủ tịch GE Renewable Energy (Mỹ) cho hay, trong 10 năm tới, khoảng 56% tăng trưởng điện toàn cầu đến từ các nguồn tái tạo. Tỷ lệ này sẽ lên 60% trong 20 năm tới. Theo ông Andres Isaza, với công nghệ mới, chi phí ngày càng rẻ, thậm chí ở nhiều nước đã rẻ ngang các nguồn năng lượng truyền thống như điện than. "VN cũng đã thành công với năng lượng tái tạo là thủy điện. Nhưng từ giờ sẽ là điện gió. VN có thể phát triển 5.000 - 6.000 MW điện gió nếu giải quyết được thách thức là đưa ra các chính sách ưu đãi ban đầu, như chăm sóc đứa trẻ lúc mới sinh ra vậy", đại diện GE nói thêm.

Ông Tobias Cossen, Trưởng dự án Hỗ trợ mở rộng điện gió (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại VN) cho biết thêm, ngoài các chi phí thường tính, điện than còn có các chi phí ngoại biên như chi phí để làm sạch môi trường, y tế vì ô nhiễm - những chi phí vô hình thường bị gạt ra ngoài khi tính giá thành sản xuất điện than. “Theo một nghiên cứu của Mỹ, tổng chi phí ngoại biên trung bình 18 cent/kWh. Cộng với giá bán điện than hiện tại của VN là 7 cent thì chi phí của nó lên đến 25 cent. Còn chúng tôi kỳ vọng Chính phủ VN mua điện gió với giá chỉ 10,4 cent", ông nói.

Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), VN đã có nhiều chính sách ưu tiên năng lượng tái tạo song việc phát triển nguồn này là để bổ sung nguồn điện chứ không nhằm thay thế các nguồn truyền thống. "Để làm ra được nguồn điện tái tạo dự phòng thì tiêu tốn khoảng hàng chục tỉ USD, nhưng trong trường hợp không có nắng, gió thì nguồn thay thế rất khó nên quan điểm của chúng tôi là làm sao vừa phát triển được năng lượng tái tạo mà vẫn kích thích được các nguồn khác", ông Thực nói.

Ưu tiên hợp lý

Ông Anders Maltesen, Giám đốc GE Power services khu vực châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận xu thế phi cacbon hóa đang trở nên phổ biến song trước mắt giá điện tái tạo sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. "Muốn phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. VN cần lựa chọn trên cơ sở tính toán ưu tiên toàn bộ quốc gia", ông Maltasen chia sẻ. Ông cho rằng, Chính phủ bên cạnh phát triển năng lượng tái tạo, vẫn cần đầu tư các nhà máy điện than công nghệ mới, đạt hiệu suất cao hơn từ 3 - 5% so với các nhà máy hiện tại thì sẽ tiết kiệm được hơn 10 tỉ USD trong vòng 20 năm tới mà vẫn đảm bảo được vấn đề giảm phát thải cacbon.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết trước mắt, VN vẫn phải nỗ lực khai thác năng lượng sơ cấp như thủy điện, nhiệt điện dùng than nội địa… song song với việc đưa công nghệ hiệu suất cao vào các dự án điện than, điện khí sắp xây dựng.

Theo ông Massimo Gallizioli, Giám đốc kinh doanh GE Steam Power Systems khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là phát triển cân bằng các nguồn điện. Ông cho hay, trên thực tế, dù điện than đang giảm đi nhưng vẫn là nguồn năng lượng quan trọng khi hiện chiếm khoảng 40% công suất toàn thế giới và nó được lựa chọn vì giá rẻ, tính ổn định cao.

"Hiện mỗi năm tăng trưởng điện của thế giới vào khoảng 300.000 MW thì 12% là điện than và 95% là ở các nước châu Á. Như nhà máy Manjung4 (1.000 MW) của Malaysia vừa được chúng tôi vừa bàn giao cho công ty điện lực nước sử dụng công nghệ siêu tới hạn với lượng phát thải thấp hơn 10% mức trung bình của thế giới và đạt các tiêu chuẩn về môi trường của Ngân hàng thế giới", ông dẫn chứng.

Bà Nguyễn Thị Hằng (Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh) lưu ý rằng, đối với những dự án điện than bắt buộc phát triển thì cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp tài chính, công nghệ để tránh những rủi ro về môi trường do nguồn tài chính dễ tiếp cận mang lại.

Nguồn: EVN

Trở về

Bài cùng chuyên mục