Việc xác định đầu tư cho năng lượng sạch là mục tiêu hàng đầu trong chính sách, chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.
Đi sau nhiều nước, giá bán cao hơn, lối đi nào cho công nghiệp ô tô Việt Nam?
- Cập nhật : 20/05/2017
So với Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là nước đi sau và có giá bán ô tô thậm chí cao gấp 2 lần. Trong khi tỷ lệ nội địa hoá xe con tại Việt Nam mới đạt 7-10%, tỷ lệ nội địa hoá của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%...
Giá bán ô tô Việt Nam cao gấp 2 lần Thái Lan, Indonesia
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương liên quan đến công tác thực hiện quy hoạch phát triển ngành ô tô cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây.
Báo cáo dẫn chứng, năm 2015, lần đầu tiên sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với năm 2014 đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Ngành ô tô đã đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu.
Tính đến năm 2016, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, trong đó 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra những hạn chế của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như phần lớn vẫn ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Thậm chí, giá bán xe vẫn ở mức cao với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
“Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe ở mức cao là do thuế và phí, đồng thời các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn”, Bộ Công Thương nêu các nguyên nhân.
Hiện, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt bình quân khoảng 7-10% trong khi tỷ lệ nội địa hoá của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%. “Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực”, báo cáo cho hay.
Lý giải thực trạng tỷ lệ nội địa hoá đạt thấp, báo cáo cho biết, Việt Nam là nước đi sau trong khu vực so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Chuỗi sản xuất ngành ô tô do các Tập đoàn đa quốc gia chi phối. Họ quyết định hoàn toàn việc nghiên cứu - phát triển, địa điểm sản xuất, phương thức bán hàng... Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các Tập đoàn ô tô lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ... đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có qui mô rất lớn trong khu vực ASEAN.
Báo cáo cũng cho biết, công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất, vì vậy các Tập đoàn không có các dự án đầu tư qui mô lớn ở Việt Nam do qui mô thị trường quá nhỏ, bằng 1/10 Thái Lan, 1/5 Indonessia.
Lối đi nào cho ô tô Việt Nam?
Trước những hạn chế đã được chỉ ra, Bộ Công Thương nêu ra hàng loạt các biện pháp cụ thể như đánh giá lại thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, điều chỉnh các chính sách thuế, thị trường, hình thành hệ thống nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành.
Nghiên cứu, áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia trong khu vực ASEAN cụ thể như Thái Lan, Indonesia chiếm số lượng lớn. Trong tháng 4, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu với số lượng gần 2.000 xe, Indonesia đứng thứ 2 với 1.572 xe.
Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp tư nhân trong nước như CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), Tập đoàn Thành Công đã triển khai một số dự án có quy mô lớn tại Quảng Nam, Ninh Bình hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các nước ASEAN và khu vực lân cận.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho biết, các dòng xe do 2 doanh nghiệp vừa sản xuất, lắp ráp chưa có cơ sở sản xuất lớn ở khu vực ASEAN là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa, hướng tới mục tiêu nội địa hoá 40% đến năm 2020-2021 để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% trong khu vực ASEAN.
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy các dự án này sớm đi vào hoạt động, đồng thời với việc hình thành phát triển, hệ thống nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng nội địa”, báo cáo của Bộ Công Thương cho hay.
NGUYỄN THẢO
Theo Bizlive.vn