Có tới 75% DN dệt may làm gia công, cùng yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải có thể khiến cho DN dệt may chỉ tận dụng được khoảng 50% ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Dragon Capital: Dệt may, thủy sản, logistic, hạ tầng được lợi nhiều nhất từ FTA, TPP
- Cập nhật : 08/08/2015
(Tin kinh te)
Các hiệp định FTA được cho là sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế nói chung, và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nhất định.
Việt Nam đã và đang tiến tới ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Những hiệp định này có lợi cho một số ngành nhất định, trong khi lại bất lợi cho một số ngành khác.
Dragon Capital vừa đưa ra một báo cáo phân tích tác động của các hiệp định FTA tới các ngành kinh tế của Việt Nam. Theo báo cáo này, về cơ bản các hiệp định như TPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ tạo ra những lợi ích cực lớn cho toàn nền kinh tế xét về khía cạnh tạo việc làm, hỗ trợ ngành sản xuất do Việt Nam có lợi thế nhân công giá rẻ.
Viện kinh tế toàn cầu Peterson cho rằng, GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ tăng mạnh (khoảng 10,5%) nếu tham gia TPP. Tuy nhiên, việc xác định tác động của các hiệp định FTA đến từng doanh nghiệp cụ thể không phải dễ dàng.
Dragon Capital đã đưa ra đánh giá về tác động của các FTA đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo đánh giá này, ngành được hưởng lợi nhiều nhất là các ngành xuất khẩu mũi nhọn như dệt may, thủy sản. Các ngành được hưởng lợi ít hơn là các ngành dịch vụ nhất định như kinh doanh cảng biển, khu công nghiệp và xây dựng. Trong khi đó, các ngành không được hưởng lợi gồm dược phẩm, ngành thép, xi măng, ngành ô tô và sản xuất lốp xe. Không bị ảnh hưởng bởi các FTA là ngành phân bón, sản xuất nhựa, ngành tài chính, phân phối bán buôn – bán lẻ.
Ngành thủy sản (Thủy sản Hùng Vương - HVG, Vĩnh Hoàn - VHC) được xem là hưởng lợi nhất bởi FTA sẽ không ảnh hưởng đến chi phí đầu vào. Cả HVG và VHC đều nhập khẩu khoảng 30% nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là thức ăn chăn nuôi từ đậu tương của Mỹ, Brazil, Uraguay. Hiện thuế nhập khẩu với loại hàng hóa này đã về 0%.
Về đầu ra, thị trường xuất khẩu chính của cả HVG và VHC đều là Mỹ và EU. Tham gia hiệp định thương mại tự do với EU sẽ mở đường để xóa bỏ thuế đánh vào cá tra của Việt Nam (hiện là 5,5%). Mỹ tuy không áp thuế nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam nhưng đánh thuế chống bán phá giá. TPP có thể sẽ giúp Việt Nam được dỡ bỏ loại thuế này. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất thấp.
Ngành dệt may (Vinatex, Sợi Thế Kỷ (STK), Dệt may Thành Công (TCM) cũng được xem là ngành hưởng lợi nhiều nhất. Hơn 90% hàng dệt may của Việt Nam được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, nhưng hiện thuế nhập khẩu tại các thị trường vẫn khá cao, trung bình tại EU là 12%, Mỹ từ 5,6% đến 19%. Việc tham gia các hiệp định FTA sẽ tạo điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan.
Hiện TPP được đề xuất áp dụng quy tắc về xuất xứ (ROO), theo đó sản phẩm dệt may của Việt Nam chỉ được miễn thuế khi nguyên liệu tự sản xuất hoặc nhập từ một nước cũng tham gia TPP. Đây là điều khoản khá bất lợi nhưng Việt Nam có thể có 5 năm trước khi phải tuân thủ ROO, do đó, trước mắt TPP có lợi cho dệt may.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận hành cảng và logistics (Gemadept – GMD và Viconship - VSC) được hưởng lợi gián tiếp khi dòng chảy thương mại mạnh sẽ kéo theo nhu cầu vận tải và dịch vụ logistics tăng.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp (Kinh Bắc City - KBC và Itaco - ITA) hưởng lợi do làn sóng doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trước thềm các hiệp định FTA.
Ngành xây dựng và CSHT (CTD, CII, HUT, IJC) hưởng lợi do nhu cầu xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng tăng khi Việt Nam tham gia các hiệp định FTA.
Ngành không hưởng lợi có thể kể đến như dược phẩm (DHG, IMP), thực phẩm và đồ uống ((VNM, MSN, and KDC), ngành thép (Hòa Phát Group-HPG, Hoa Sen GroupHSG), ngành ô tô và lốp xe (Danang Rubber - DRC, Casumina - CSM).
Với ngành dược phẩm, khi Việt Nam tham gia các FTA, sức ép cạnh tranh sẽ tăng do thuốc gốc sản xuất từ Mỹ, Nhật Bản và EU sẽ rẻ hơn nhờ được hưởng thuế nhập khẩu 0%, từ 5% hiện tại.
Các ngành không chịu tác động bởi các FTA gồm ngành phân bón ((DPM và DCM), sản xuất nhưa (nhựa Bình Minh – BMP, nhựa Tiền Phong NTP, ngành tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), phân phối bán buôn – bán lẻ (Thế giới Di động - MWG, PET, FPT).