Dệt may được xem là một trong những ngành hưởng lợi nhất khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Cơ khí nội vẫn “chầu rìa“
- Cập nhật : 12/08/2015
(Tin kinh te)
Từng kỳ vọng rất nhiều về “đầu ra” cho sản phẩm nội sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 494/ CT-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2010 (Chỉ thị 494/ CT-TTg) về việc tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu, nhưng 5 năm qua, nhiều DN tại Bình Dương phải ngậm ngùi” vì hàng nội bị phân biệt đối xử so với hàng ngoại.
Theo Bộ Công thương, tâm lý sính ngoại của một số đơn vị và các chế tài trong việc thực hiện Chỉ thị 494 còn thấp dẫn đến tình trạng một số DN trong nước sản xuất dù xuất khẩu rất mạnh, có uy tín trong khu vực nhưng vẫn bị làm khó trên sân nhà.
Tư nhân dùng, đầu tư công từ chối
Ông Trần Thành Trọng – TGĐ Cty CP Sáng Ban Mai (TX Bến Cát, Bình Dương) cho biết, DN của tôi là đơn vị sản xuất thành công tổ máy phát điện công suất 2.500 kVA (loại máy có công suất lớn nhất hiện nay) lắp đặt tại Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương và xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới, có cả công ty con tại nước ngoài nhưng khi về thị trường trong nước vẫn bị phân biệt đối xử.
Trong khi sản phẩm tổ phát điện của Công ty có công nghệ tương đương với các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Hoa Kỳ… lại có giá bán rẻ hơn 15 – 40%, nhưng phần lớn chỉ “vào” được những công trình tư nhân, còn những dự án có vốn đầu tư công thì gần như “bó tay” chỉ vì lý do “hàng nội”.
Mang tâm trạng bức xúc như các DN trên, ông Đinh Văn Thành – TGĐ Công ty Polyco (TX Dĩ An, Bình Dương) cho biết, DN nhiều lần không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm nhập ngoại dù hồ sơ mời thầu có ghi rõ ưu tiên sử dụng hàng Việt.
“Khi tham gia đấu thầu, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn còn buộc chúng tôi nhập khẩu sản phẩm máy móc, thiết bị từ các nước EU hoặc G7 mới được. Chúng tôi hoàn toàn có khả năng đáp ứng việc đó nhưng không muốn, vì như thế sẽ mãi mãi là nhà phân phối cho nước ngoài” – ông Thành chia sẻ.
Cần có chế tài mạnh
Theo ông Trần Thành Trọng, luật pháp hiện hành đã có quy định nghiêm cấm phân biệt nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong đấu thầu. Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật Đấu thầu cũng quy định rõ cần có ưu tiên đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Thế nhưng hàng loạt chủ đầu tư vẫn có sự đối xử, phân biệt với sản phẩm sản xuất trong nước để cố tình loại bỏ sản phẩm nội, ưu đãi hàng nhập ngoại. Như vậy là làm trái luật đấu thầu.
Được biết, mới đây Cty CP Sáng Ban Mai đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số dự án có vốn đầu tư công đã cố tình làm trái Luật Đấu thầu, trong đó có nội dung không cho các sản phẩm do các DN sản xuất trong nước được tham gia vào đấu thầu. Bên cạnh đó, đơn vị này cùng hàng loạt DN khác kiến nghị cần có chế tài mạnh đối với các trường hợp cố ý làm trái với luật đấu thầu, gây khó khăn cho DN Việt Nam ngay trên sân nội.
Tại Hội thảo – Triển lãm máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được do Bộ Công thương tổ chức tại TP HCM mới đây, bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bên có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 494. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định, chế tài cụ thể về việc không ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được.
Theo bà Thoa, cần gỡ quy định phải nhập khẩu “nguyên chiếc” trong các hồ sơ mời thầu để tiếp tục ủng hộ, khuyến khích DN Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghệ, sản xuất máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.