tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dệt may Việt Nam chỉ cần 10 năm

  • Cập nhật : 15/01/2016

(Tin kinh te)

Chỉ với riêng thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản, TPP sẽ mang thêm gần 15 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may cho tới năm 2025. Hơn thế nữa, với xu thế, tốc độ đầu tư hiện nay, chỉ cần khoảng 10 năm là ngành dệt có thể đáp ứng được đến 60% nhu cầu của ngành may xuất khẩu.

det may viet nam chi can 10 nam

Dệt may Việt Nam chỉ cần 10 năm


Cùng với da giày, dệt may đang là ngành kinh tế xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, thu dụng đến trên 3 triệu lao động. Với những ưu đãi thuế quan trong TPP, dệt may có thể dành thêm nhiều thị phần nhập khẩu từ tay Trung Quốc-nhà xuất khẩu số 1 hàng dệt may, da giày vào thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2014 đạt 24,7 tỉ USD, trong đó vào Hoa Kỳ 9,8 tỉ và vào Nhật bản 2,7 tỉ. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng khả năng phần xuất khẩu tăng thêm nhờ tác động của TPP vào năm 2025 (với dự kiến TPP có hiệu lực vào đầu năm 2018) sẽ là khoảng 13 tỉ tại thị trường Hoa Kỳ và khoảng 1,8 tỉ vào thị trường Nhật Bản. Chỉ với riêng hai thị trường này, TPP sẽ mang thêm gần 15 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may, tạo công ăn việc làm thêm cho ít nhất 1 triệu lao động nữa.

Kế đó, đầu tư nước ngoài (FDI) tăng vọt nhờ tác động của TPP cũng sẽ là một đòn bẩy giúp kinh tế phát triển. Riêng đối với dệt may và da giày, TPP sẽ thúc đẩy nhanh đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ, vốn là điểm yếu hiện nay khi mà ngành này đang phải nhập khẩu đến trên 65% nguyên phụ liệu. Trên cở sở đó, Việt Nam có thể thoả mãn yêu cầu về qui chế xuất xứ cho việc chế biến hàng xuất khẩu, để hưởng mức thuế suất bằng 0 vào thị trường Hoa kỳ (thay thế cho mức thuế nhập khẩu hàng dệt may trung bình hiện nay là 17,8%).

Hiện nay tuy còn trong quá trình hoàn tất và chưa có hiệu lực, nhưng TPP cũng đã là động lực thu hút khá nhiều dự án đầu tư vào ngành dệt Việt Nam có giá trị đến trên 1 tỉ USD như: dự án mở rộng Global Dying ( Hàn quốc), dự án Sợi dệt TexHong ( Hong kong), dự án dệt kim Kam Hing ( Hong Kong), dự án dệt kim Pacific ( Hong Kong), dự án dệt thoi Younger ( Trung quốc), dự án vải sợi màu Lu-Thai ( Thailand-TQ), dự án TAL Hong kong, dự án HyosungKorea…

Nhờ vào tác động của TPP, công nghiệp sản xuất nguyên liệu xơ, sợi, vải của Việt Nam sẽ phát triển cân đối hơn so với với ngành may mặc. Ngành dệt may sẽ phát triển vững chắc khi vừa tăng được kim ngạch xuất khẩu lại vừa tăng được tỉ lệ nội địa hoá.

Các ngành chế biến xuất khẩu khác như da giày, túi xách, chế biến đồ gỗ, thuỷ sản, nông sản… cũng sẽ phát triển tương tự ở nhiều mức độ khác nhau.

Hơn nữa, việc hội nhập sâu hơn vào các nền kinh tế tiên tiến thông qua TPP chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận và nhanh chóng cải tiến hệ thống pháp luật cũng như hệ thống quản lý thủ tục hành chính, tạo điều kiện vững chắc cho việc phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người dân.

Thị trường trong và ngoài nước được mở rộng sẽ làm doanh nghiệp phát triển nhanh hơn và là động lực để kinh tế phát triển. Theo ước tính của nhiều chuyên gia thì TPP có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng thêm 14,2% sau 5 năm có hiệu lực.

Thế nhưng các chuyên gia cũng lo ngại TPP cũng đem đến khá nhiều thách thức cho doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt nam.

Trước hết là gia tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa do Việt Nam cũng phải giảm thuế đối ứng. Các nhóm hàng nông sản, thực phẩm, điện tử, cơ khí và dịch vụ phải chịu sự cạnh tranh với sản phẩm các nước có nền khoa học kỹ thuật và năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên nhiều nhà quản lý lại cho rằng bước đầu có thể có khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam khá năng động sẽ giành lại khả năng cạnh tranh sau khi có nỗ lực cải tiến.

Kế đó có thể Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu do nguồn thu thuế trên hàng nhập khẩu giảm. Nhưng về lâu dài khi sản xuất kinh doanh phát triển thì nguồn thu từ VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ chẳng những bù đắp được mà còn làm cho tổng thu tăng lên.

Một thách thức khác, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do việc thực thi theo yêu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các qui định cao về vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, hồ sơ chứng từ xuất nhập khẩu… Việc doanh nghiệp chuyển đổi từ phương thức hoạt động còn khá lạc hậu hiện nay để phù hợp với yêu cầu mới sẽ có khó khăn. Tuy nhiên đây cũng lại là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập nhanh hơn với phương thức quản trị tiên tiến của thế giới.

Một thách thức nữa là các nước đàm phán, đặc biệt là Hoa kỳ có yêu cầu cao về môi trường cạnh tranh lao động và nghiệp đoàn lao động mà những vấn đề này còn khá mới mẽ với Việt Nam.

Vấn đề quan ngại cuối cùng là liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan không trước những yêu cầu cao về qui tắc xuất xứ của hàng hoá để được hưởng ưu đãi. Không phải tất cả doanh nghiệp trong giai đoạn ban đầu đều có thể hưởng lợi ngay từ quy định này. Trong ngành dệt may, có thể chỉ có khoảng 30% đơn hàng xuất khẩu sang Hoa kỳ là đáp ứng được yêu cầu này trong giai đoạn ban đầu.

Nhưng như đã phân tích ở trên, qui chế xuất xứ từ sợi của hàng dệt may chính là động lực để đầu tư và làm ngành dệt Việt Nam tăng trưởng nhanh. Với xu thế, tốc độ đầu tư hiện nay, chỉ cần khoảng 10 năm là ngành dệt có thể đáp ứng được đến 60% nhu cầu của ngành may xuất khẩu.

Tham gia TPP hiện nay cũng như tham gia vào WTO trước đây. Đến nay, đã có thể khẳng định rằng WTO đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, còn những thách thức thì các doanh nghiệp cũng đang dần vượt qua. Tin chắc rằng đối với TPP cũng sẽ tương tự như vậy.


Theo TS Lê Quốc Ân
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Dệt May Việt Nam
Chinhphu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục