Rác thải điện điện tử (E-waste) có giá trị lớn hơn nhiều những chiếc điện thoại và laptop bỏ đi. Theo nghiên cứu của công ty Sofies (Anh), cứ mỗi tấn điện thoại di động phế thải chứa một lượng vàng lớn gấp 80 lần so với khai thác trực tiếp từ lòng đất. Điều này cho thấy chiếc smartphone, laptop hay console bạn giữ ở nhà cũng có tiềm năng tái chế vô cùng lớn.
3 đề xuất “hồi sinh” giấc mơ ô tô Việt
- Cập nhật : 14/07/2017
Thông qua việc chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giấc mơ về ô tô Việt có thể không còn xa vời.
Bộ Công Thương vừa đưa ra 3 đề xuất giúp "hồi sinh" ngành ô tô Việt: Tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn để khuyến khích sử dụng xe trong nước; Không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước; Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn lớn và những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.
Dây chuyền lắp ráp, sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công
3 nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Bộ Công Thương vừa đề xuất đang nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, góp phần hồi sinh giấc mơ ô tô Việt.
Ưu đãi lớn cho ô tô nội
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phần nào thở phào, nhẹ nhõm trước đề xuất 3 nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Bộ Công Thương. 3 đề xuất đó là: Tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn để khuyến khích sử dụng xe trong nước; Không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước; Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn lớn và những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.
Quả thật, chưa cần tới thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0% vào năm 2018, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước đã cảm nhận áp lực cạnh tranh khi lượng xe nhập khẩu những tháng đầu năm 2017 liên tục tăng mạnh. Những mẫu xe đình đám được sản xuất, lắp ráp trong nước như: Xtrail của Nissan, CX5 của Mazda, CRV của Honda… đã phải giảm giá đến cả trăm triệu đồng/xe.
Vì thế, có thể nhận định, nếu đề xuất mới của Bộ Công Thương được thông qua sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.
Đa phần các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, đề xuất này là hợp lý, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước để được hưởng ưu đãi từ việc cắt giảm thuế TTĐB. Nếu không có các giải pháp như cắt giảm thuế TTĐB, khi thuế nhập ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% vào đầu năm 2018 thì doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ rất khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin, hiện nay dân số nước ta vào khoảng 95 triệu người, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 vào khoảng 2.200 USD. Nếu ước tính khoảng 10% số dân có điều kiện mua sắm ô tô, tương đương 9,5 triệu người thì rõ ràng Việt Nam cần phải có ngành công nghiệp ô tô. Vì thế, vị lãnh đạo này cho rằng, đề xuất của Bộ Công Thương rất hợp lý, tạo điều kiện tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, cũng như các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô…
Giấc mơ ô tô Việt được “hồi sinh”
Ông Mai Phước Nghê, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cho hay, đề xuất này phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đặc biệt, đề xuất không tính thuế TTĐB đối với linh kiện, phụ tùng… được tạo ra từ trong nước sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa.
Dây chuyền lắp ráp, sản xuất ô tô của Hyundai Thành Công
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Huyndai Thành Công, xu thế phát triển ô tô trên thế giới đều bắt đầu từ việc sản xuất, lắp ráp và bảo vệ thị trường một cách hợp lý. Trong quá trình này, doanh nghiệp trong nước sẽ nhận chuyển giao công nghệ, rồi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng giải pháp phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng, tiến dần đến cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.
Ông Đức cũng cho rằng, hiện nay thuế TTĐB đang chiếm tỷ trọng lớn khiến giá bán ô tô tăng cao. “Nếu được thông qua đề xuất thuế TTĐB đối với phần linh kiện, phụ tùng… được tạo ra từ trong nước là 0%, chúng tôi tin tưởng sẽ có cơ sở về “hồi sinh giấc mơ ô tô Việt”, cũng như tạo động lực, sự yên tâm cho các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong việc đầu tư mở rộng sản xuất...” - ông Đức nói.
Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng của Toyota Việt Nam khẳng định: “Đề xuất của Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, tăng sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam khi thuế nhập về 0% vào đầu năm 2018. Việc miễn thuế TTĐB đối với phần linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước giảm giá thành sản xuất, từ đó giảm được giá bán”.
Cùng với việc Bộ Công Thương đưa ra 3 nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 942 sửa đổi, bổ sung danh mục bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, áp dụng từ 24/5/2017. Đây được xem là một trong những giải pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bởi vậy, đề xuất mới của Bộ Công Thương rất đáng được xem xét, thông qua, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa. Thông qua việc chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giấc mơ về ô tô Việt có thể không còn xa vời./.
Theo Quang Trung - VOV