Hàng loạt ma trận bẫy tiền vẫn tiếp tục được giăng ra trước mặt các đội tàu biển Việt Nam.
Cách mạng số đang làm thay đổi công nghiệp truyền thống ra sao?
- Cập nhật : 12/07/2017
Bất kỳ công ty công nghiệp nào, nếu muốn vẫn còn tồn tại trong 20 năm nữa, đều phải ra sức phát triển công nghệ và năng lực kỹ thuật số.
Hành lang Đông Bắc của Amtrak là tuyến đường sắt bận rộn nhất ở Bắc Mỹ và cũng là con đường bị lời ra tiếng vào nhiều nhất. Độ đáng tin cậy của nó chỉ bằng mức trung bình của mạng lưới đường sắt thuộc sở hữu chính phủ (1/5 con tàu của Amtrak chạy rất trễ vào năm ngoái), nhưng bởi vì tuyến đường sắt này kết nối các trung tâm quyền lực chính trị và tài chính của Mỹ nên nó cũng bị than phiền nhiều nhất khi dịch vụ quá chậm chạp.
Tuy nhiên, các kỹ sư của Amtrak đang nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ một số công nghệ tân tiến nhất thế giới, giúp tránh được những lần trì hoãn như thế. Siemens, tập đoàn công nghiệp Đức, đang phát triển cái gọi là “Internet of Things (IoT) công nghiệp”, nhằm dự đoán các vấn đề trước khi chúng xảy ra. Đây là khái niệm chỉ các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, kết nối với Internet và tạo nên một mạng lưới các thiết bị thông minh phục vụ trong ngành công nghiệp.
Bằng cách phân tích dữ liệu từ 900 cảm biến gắn trên mỗi đầu xe lửa, Siemens có thể biết rõ tại sao tình trạng hỏng hóc thiết bị lại xảy ra và đề xuất các giải pháp can thiệp nhằm ngăn cản điều tương tự xảy ra trong tương lai. Các trường hợp trì hoãn đã giảm 33% trong năm 2016 so với năm 2015. “Họ có thể giới thiệu một giải pháp thay đổi thậm chí trước khi chúng tôi để ý thấy xảy ra vấn đề”, Rick Shults, Giám đốc dự án Amtrak cho các đầu xe lửa Siemens, nói.
Công việc mà Siemens làm cho Amtrak là sự tiên phong trong một cuộc cách mạng hứa hẹn mang đến sự thay đổi triệt để cho các ngành trong đó có ngành sản xuất và năng lượng cũng như vận tải. Chi phí cảm biến giảm mạnh, thông tin liên lạc, lưu trữ dữ liệu và phân tích đã khiến cho mọi việc đều trở thành có thể. Đó là việc ghi nhận và xử lý lượng thông tin khổng lồ về các hệ thống từ xe lửa cho đến nhà máy lọc dầu, turbine gió.
Việc phân tích nhiệt độ, áp suất, độ rung, chuyển động và dòng điện... có thể được sử dụng để ngăn tình trạng hỏng hóc máy móc, nâng cao hoạt động bảo dưỡng, cải thiện hiệu suất hoạt động của thiết bị và thậm chí có thể làm thay đổi cách các sản phẩm được thiết kế và sản xuất ra. Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, đến năm 2020, các doanh nghiệp sẽ chi ra khoảng 250 tỉ euro mỗi năm vào IoT; trong đó phân nửa đến từ các ngành sản xuất, vận tải và dịch vụ công ích.
“Đó là cơ hội rất lớn cho tất cả các công ty công nghiệp. Mức độ kết nối máy móc và phân tích dữ liệu là con đường đưa năng suất nâng lên một tầm cao mới”, Bill Ruh, Giám đốc Kỹ thuật số của General Electric (GE), nhận xét. Cùng với công nghệ robot tiên tiến và in 3D, thì IoT là một trong những công nghệ dự kiến sẽ lột xác ngành sản xuất trong vài thập niên tới. “Tôi không nói rằng nó có thể thay đổi mà là sẽ thay đổi, bằng cách này hay cách khác”, Roland Busch, Giám đốc Công nghệ của Siemens, nhận xét. Ông khẳng định: “Sẽ có người thắng và người thua trong cuộc cách mạng này”.
Bất kỳ công ty công nghiệp nào, nếu muốn vẫn còn tồn tại trong 20 năm nữa, đều đang ra sức phát triển công nghệ và năng lực kỹ thuật số của riêng mình, thông thường qua con đường thâu tóm. GE, chẳng hạn, vào năm ngoái đã mua lại 4 công ty để củng cố bộ phận kỹ thuật số của mình. Tháng 6 vừa qua, Honeywell (Mỹ) đã mua lại một công ty Israeli gọi là Nextnine để tăng cường bộ phận an ninh mạng - một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các công ty công nghiệp. Siemens cũng đã bỏ ra 15 tỉ USD vào các công ty phần mềm Mỹ kể từ năm 2007 và hiện có 21.000 kỹ sư phần mềm.
Trong khi đó, Bosch (Đức) cho biết Tập đoàn hiện có hơn 20.000 kỹ sư phần mềm, 4.000 trong số đó chỉ mỗi tập trung vào mảng IoT. GE có 14.000 kỹ sư phần mềm và dự kiến tuyển dụng thêm 6.000 nhân viên kỹ thuật và nhân viên hỗ trợ cho các cơ sở hoạt động trong mảng kỹ thuật số. Nhiều doanh nghiệp đã có nền tảng kỹ thuật số của riêng mình, như GE có Predix, Siemens có MindSphere, Schneider Electric (Pháp) có EcoStruxure, ABB (Thụy Sĩ) có ABB Ability...
Tại GE, Jeff Immelt cũng đặt cược sự nghiệp của mình vào mục tiêu gọi là đưa GE trở thành một công ty công nghiệp số, kết hợp các sản phẩm với công nghệ thông tin. Khi ông bắt đầu chuyến đi tạm biệt GE cùng với người kế vị John Flannery vào cuối tháng 6, nơi đầu tiên họ ghé chính là trụ sở bộ phận kỹ thuật số của Tập đoàn tại California, Mỹ (tháng 6 vừa qua, Immelt tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí CEO của GE).
Thị trường đầy tiềm năng mà các công ty đang theo đuổi hiện trên đà tăng trưởng rất nhanh. Năm ngoái có 2,4 tỉ thiết bị được kết nối trong lĩnh vực công nghiệp và năm nay sẽ có 3,1 tỉ thiết bị được kết nối, theo Gartner. Đến năm 2020, hãng nghiên cứu này dự đoán con số sẽ tăng lên gấp đôi lên tới 7,6 tỉ thiết bị. Tuy nhiên, giống như những con tàu chậm chạp của Amtrak, tương lai xán lạn của ngành công nghiệp số sẽ đến trễ hơn so với kỳ vọng của một số người. Theo Venkat Alturi, đối tác cấp cao tại McKinsey, tiềm năng thị trường là có thực, nhưng các công ty công nghiệp lại chậm trong việc khai thác nó vì nhiều lý do khác nhau.
Một lý do là các doanh nghiệp cần phải thay đổi cơ cấu tổ chức một cách triệt để, để có thể hưởng lợi từ các công nghệ mới. Một trở ngại khác là có quá nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau trong khi chưa có các tiêu chuẩn ngành. Hơn nữa, bởi làm việc với máy móc đắt đỏ và có thể gây nguy hiểm, các công ty công nghiệp cũng thận trong trong việc phó thác các quyết định quan trọng cho những người bên ngoài. “Các khách hàng rất ngại rủi ro. Nếu làm gì sai, bạn có thể gây nguy hại cho người khác”, Guido Jouret, Giám đốc Kỹ thuật số của ABB, nhận xét. Các khách hàng tiềm năng cũng rất e dè đối với vấn đề kiểm soát những dữ liệu mà tiết lộ cách thức hoạt động bên trong công ty họ.
Gehring, một công ty Đức chuyên sản xuất máy móc mài nhẵn bề mặt kim loại, là một trong số những doanh nghiệp sử dụng nền tảng kỹ thuật số MindSphere của Siemens. Wolfram Lohse, Giám đốc Công nghệ của Gehring, cho rằng các hãng xe hơi mà là khách hàng của Công ty rất cẩn thận về cách Gehring sử dụng dữ liệu sản xuất. Cũng theo Lohse, Gehring đã hưởng lợi từ công nghệ mới này và đang hy vọng sẽ hưởng được nhiều lợi ích hơn, trong đó có việc gia tăng năng suất máy móc. Nhưng ông nói thêm: “Tôi phải thừa nhận rằng tất cả vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa ở mức độ sử dụng thương mại”.
Bên cạnh đó, đây là trong một thị trường đầy thách thức và chật chội với các đối thủ đã có mặt từ lâu như IBM, SAP, Microsoft, Intel hay Cisco. Đó là chưa kể các đối thủ mới lúc nào cũng xuất hiện. Tính đến năm ngoái, có hơn 360 doanh nghiệp cung cấp các nền tảng IoT, theo công ty nghiên cứu IOT Analytics. Chắc chắn kiếm ra tiền trong môi trường này không hề dễ dàng. GE cho biết mảng kỹ thuật số dự kiến mãi đến năm 2019 - 2020 mới có thể bắt đầu đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Tập đoàn.
Đàm Hoa
Theo Nhipcaudautu.vn