Sau gần 1/4 thế kỷ được bảo hộ, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, tỷ lệ nội địa hoá thấp, quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với giá thành.
Nghị quyết trung ương 5: Xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông sản
- Cập nhật : 17/07/2017
Xây dựng một nền công nghiệp chế biến là nhu cầu bức thiết để giải quyết vấn nạn được mùa mất giá, giải cứu nông sản... của ngành nông nghiệp VN.
Bán đổ bán tháo khi vào vụ
Nhà nông học, TS Nguyễn Quốc Vọng chia sẻ thông tin khi ông thuyết phục một đơn vị ở Úc nhập khẩu quả vải thiều từ VN cách đây 2 năm, giá bán lẻ vải thiều tại siêu thị người Việt ở Úc thời điểm đó là 16 USD/kg đã giảm xuống 6,5 USD/kg vào ngày thứ 3 và được “bán đổ” 3 - 4 USD/kg vào ngày thứ 5 do vải hỏng, thâm đen, úng dập. “Vấn đề ở đây là khâu bảo quản và chế biến. Chúng ta yếu khâu này nên khó nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp khi đưa ra nước ngoài. Đây cũng là thiệt thòi lớn cho nhà nông Việt. Thực tế, công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất, tốn nhiều nhất mà là công nghệ mang lại chất lượng tốt cho sản phẩm, năng suất cao, an toàn và giá rẻ để cung ứng cho nhiều thị trường”, TS Vọng nhận xét và nhấn mạnh, thị trường rau quả của thế giới đạt trên 100 tỉ USD/năm là cực kỳ tiềm năng cho VN vốn có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới.
Chúng ta cần một chiến lược phát triển nền công nghiệp chế biến thực sự chứ không phải câu chuyện liên kết các nhà với nhau
PGS-TSKH Ngô Kế Sương, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới
Thực tế không riêng quả vải của Hưng Yên, nhiều địa phương có một số sản phẩm nông sản chủ lực như củ hành tây, cà rốt, cà chua ở Lâm Đồng; thanh long Bình Thuận, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi); các loại quả khác như xoài, chuối, mãng cầu, mít, măng cụt, cam, quýt, dưa hấu...; nhưng cứ vào mùa vụ chính thường rơi vào tình trạng được mùa mất giá. “Khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch yếu nên nông sản VN luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực”, PGS-TSKH Ngô Kế Sương, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, nhận xét. “Công nghệ chế biến thật ra không khó. Chúng ta không thiếu doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học dám dấn thân để phát triển ngành này tốt hơn, song chúng ta thiếu chính sách phát triển phù hợp, đồng bộ. Chẳng hạn, khi DN dám đầu tư công nghệ như thế, nhà nông phải đồng hành thế nào? Nhà nước phải làm tốt khâu tuyên truyền nâng cao kiến thức cho nhà nông thế nào để cho ra những trái quả an toàn. Chúng ta cần một chiến lược phát triển nền công nghiệp chế biến thực sự chứ không phải câu chuyện liên kết các nhà với nhau”.
Gọi vốn tư nhân
Trong một lần tham quan Trung tâm sáng tạo của Tập đoàn Dupont (Mỹ) tại Thái Lan năm ngoái, chúng tôi được vị giám đốc khu vực châu Á của Dupont cho biết, Dupont lập trung tâm này xuất phát từ chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp chế biến của Thái Lan. Nước này có chiến lược lâu dài với tham vọng trở thành thủ phủ cung ứng giống, sản phẩm nông sản sau chế biến như nước ép rau củ và trái cây, trái cây sấy khô của thị trường châu Á và thế giới. “Chúng tôi trao đổi ý tưởng, hỗ trợ khách hàng và đối tác, chính phủ cũng như các tổ chức khác tại Thái Lan nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, năng lượng, công nghệ tự động… không chỉ tại Thái Lan mà liên quan thị trường trong khu vực. Chúng tôi lập thêm trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Singapore để hỗ trợ thị trường Đông Nam Á trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, công nghệ sinh học và nguyên liệu chế biến”, đại diện Dupont tại châu Á cho biết. Ngân sách để nuôi các trung tâm này là từ tập đoàn với sự hỗ trợ của chính phủ về chính sách thuế, bất động sản...
PGS Ngô Kế Sương cho rằng nếu có chiến lược rõ ràng, ưu đãi phù hợp, VN không thiếu nhà đầu tư tham gia chế biến nông sản. Hiện tại, công nghệ chế biến của VN đang thu hút các tập đoàn nước ngoài là chính, trong khi một số DN trong nước hoàn toàn có khả năng. “Chúng ta có kêu gọi đầu tư làm chế biến, đã có một số DN chế biến trái cây sấy, nước dừa đóng hộp... nhưng còn lẻ tẻ. Chúng ta vẫn phải nhập măng cụt sấy đóng lon, nước ép cam còn nguyên tép cam, nước ép xoài có cơm xoài... từ Thái Lan. Đây là một nghịch lý, trong khi chúng ta cũng có các loại trái cây như họ”, PGS Sương đặt vấn đề và thông tin thêm, việc bảo quản sau thu hoạch của VN hay tư duy kiểu “con nhà nghèo”, tạm bợ và “đại khái”, thiếu trau chuốt, tỉ mỉ nên nông nghiệp VN đi chậm so với các nước phát triển hàng chục năm.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, đầu tư của DN chiếm phần lớn và rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đơn cử tại Nhật, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ chỉ có 20% từ nhà nước, 80% từ các DN tư nhân. VN cũng đã có một số chính sách hỗ trợ DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ngoài ra, DN còn được hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng của quỹ phát triển khoa học công nghệ. Nhưng thực tế có rất ít DN thành lập viện nghiên cứu phục vụ cho chính mình. Lý giải việc này, chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: “Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế có DN làm nông nghiệp nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đến 0% như các quốc gia chủ trương phát triển nông nghiệp như chiến lược lớn? Lãi suất hỗ trợ DN tại các quốc gia phát triển từ 0 - 0,5%/năm, nên vấn đề trả lãi cho ngân hàng không là gánh nặng với DN. Nhưng ở ta thì khác, chi phí vốn luôn cao”. Ông Thành cho rằng cần nghiên cứu gấp phát triển nền công nghiệp chế biến chuyên sâu thì Nghị quyết Trung ương 5 khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nông nghiệp mới có hiệu quả thực sự.
Nguyên Nga
Theo Thanhnien.vn