Nhiều chuyên gia nhận định, Thái Lan có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm phát triển phần mềm ô tô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thung lũng Silicon Việt Nam: Cơ hội và thách thức
- Cập nhật : 20/08/2015
(Tin kinh te)
Khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, nhưng có phát triển được hay không phụ thuộc vào việc giải quyết được các thách thức đặt ra và tận dụng cơ hội đang có trong bức tranh toàn cảnh.
Khởi nghiệp công nghệ không phải là hiện tượng mới ở Việt Nam. Theo tạp chí Tech in Asia, Việt Nam đã có những tay chơi công nghệ từ sớm như FPT vào thập niên 1980 và sự ra đời của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ IDG Việt Nam vào đầu những năm 2000.
Những ví dụ trong mốc thời gian gần hơn có thể kể đến như VNG, hiện đã trở thành ông lớn trong lĩnh vực game trực tuyến và mạng xã hội ở Việt Nam; và NCT, một trong những công ty nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam với lượng tài khoản hoạt động vào khoảng 10 triệu mỗi tháng, được định giá vào khoảng 20 triệu USD.
Việt Nam đã chứng kiến số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ bùng phát theo xu hướng của thế giới trong năm 2014 và tiếp diễn trong năm 2015. Đặc biệt, bên cạnh một bộ phận các công ty khởi nghiệp lớn trên thế giới cũng đã có những bước đi xâm nhập thị trường Việt Nam, thì ở chiều ngược lại, các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng mở rộng thị trường tới các quốc gia khác và cạnh tranh với những công ty nước ngoài.
Điển hình là Peace Soft, công ty thương mại điện tử tiên phong ở Việt Nam, đã hiện diện tại Malaysia từ năm 2014. Vào tháng 5/ 2015, Peace Soft đã phối hợp với WeShop Global Group của Singapore và Interpark Group của Hàn Quốc cho ra mắt nền tảng mua sắm trực tuyến xuyên quốc gia với tên gọi weshop.com.vn , cho phép người tiêu dùng Việt Nam có thể mua sắm các loại hàng hóa ở các quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc…
Một ví dụ nổi bật khác chính là Flappy Bird, ứng dụng game di động tạo cơn sốt toàn cầu vào năm 2014. Vào giai đoạn đỉnh cao, Flappy Bird là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store của Apple, khoảng 2 – 3 triệu lượt tải và 50.000 USD doanh thu mỗi ngày.
Nhưng điều đặc biệt ở chỗ, Flappy Bird đã đánh thức tinh thần doanh nhân và truyền cảm hứng cho hàng loạt các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực game di động nói riêng.
Kéo theo đó là lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 18,1% GDP Việt Nam trong năm 2014, các công ty khởi nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ để ứng dụng các phương thức sản xuất và thành tựu khoa học kỹ thuật để cải tiến nông nghiệp.
Cơ hội
Hệ sinh thái khởi nghiệp vừa ươm mầm ở Việt Nam cung cấp rất nhiều cơ hội và tiềm năng.
Đầu tiên phải kể đến chính là thị trường. Chỉ tính riêng trong thị trường nội địa, với dân số vào khoảng 90,5 triệu người, Việt Nam là quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo thông tin từ Tập đoàn Tư vấn Boston.
Sự chuyển đổi về kinh tế được đánh giá ở mức phi thường, thu nhập bình quân đầu người tăng 350% trong khoảng thời gian 1990 và 2010. GDP tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm và được dự báo là một trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Những yếu tố trên chính là động lực mở rông thị trường tiêu dùng đi kèm với khả năng chi tiêu tăng đáng kể, vốn là đầu kéo tăng trưởng trong nước và trong khu vực.
Hơn nữa, các công ty ở Việt Nam cũng gia tăng sự hiện diện của mình trong chuỗi liên kết thương mại với nhiều quốc gia. Trong thật kỷ vừa qua, Việt nam đã trở thành điểm đến nổi tiếng trong lĩnh vực gia công phần mềm, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử, nhà sản xuất nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực dệt may và da giày.
Triển vọng thương mại còn được kỳ vọng sẽ được cải thiện và tiến xa hơn nữa một khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP được thông qua. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Thủ tướng Anh cũng bày tỏ mong muốn hai nước tận dụng và mở rộng hơn nữa khả năng giao thương đầy tiềm năng.
Yếu tố thứ hai chính là lực lượng lao động. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với 23% dân ở độ tuổi 0 – 14 và 62,6% dân trong độ tuổi 15 – 54, theo kết quả thống kê vào tháng 6/ 2015 của tổ chức CIA World Factbook.
Người dân ở đây cũng xem tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai. Lợi thế cạnh tranh khác chính là chi phí lao động còn thấp khi so với các quốc gia gia công khác như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước có nhiều kinh nghiệm nhưng hiện đang phải đối diện thực trạng gia tăng chi phí nhân công trong suốt nhiều năm.
Cơ cấu dân số trẻ và chi phí lao động rẻ chính là thị trường tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp khai thác trong hiện tại và tương lai.
Yếu tố cuối cùng chính là chính sách hỗ trợ của chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị tiên phong có nhiều sáng kiến hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa số lượng các công ty khởi nghiệp trong nước.
Đầu tiên phải kể đến chính là dự án “Thung lũng Silicon Việt Nam” được công bố vào ngày 4 tháng 6 năm 2013, với số tiền quỹ khởi điểm ở mức 400.000 USD. Đây là dự án được kỳ vọng “tác động trực tiếp tới sự hình thành các Công ty khởi nghiệp và xây dựng được một Thung lũng Silicon dành cho các công ty Khởi nghiệp ở Việt Nam”.
“Mục tiêu của Dự án là tìm kiếm nhằm tạo ra hệ sinhh thái phát kiến công nghệ và thương mại hóa ở Việt Nam – bằng cách kết hợp tinh thần doanh nhân Việt và bản chất sáng tạo gắn liền với thực tiễn mà thung lũng Silicon ở Mỹ đã tạo ra dành cho các công ty khởi nghiệp như tư vấn, tăng tốc, quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu tư”.
Một sáng kiến khác của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phối hợp với Ngân hàng Thế giới, là dự án bồi dưỡng đổi mới thông qua nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST) được triển khai từ ngày 31/05/2013 đến ngày 30/06/2019 với tổng kinh phí 110 triệu USD.
Đề án được thiết lập "để hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) tại Việt Nam bằng việc thiết kế và triển khai thí điểm các chính sách STI, tăng cường hiệu quả của các nghiên cứu, phát triển các chương trình hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo".
Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ đến từ các nguồn lực trong nước và nước ngoài dành cho các giai đoạn khởi nghiệp khác nhau như: quỹ tăng tốc, quỹ ươm mầm, quỹ đầu tư vốn giai đoạn A và B, cho thuê không gian làm việc chia sẻ, hỗ trợ từ doanh nghiệp lớn, sự kiện, cộng đồng và truyền thông.
Sơ đồ bên dưới cung cấp bức tranh mô phỏng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều cơ hội, cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức.
Đầu tiên phải kể đến chính là nạn quan liêu. Theo báo cáo xếp hạng mức độ thuận lợi dành cho doanh nghiệp trên 189 nền kinh tế thế giới do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2015, Việt Nam được xếp hạng 78.
Trong khi đó, các quốc gia và đặc khu khác như Singapore, Hong Kong, Malaysia và Thái Lan được xếp hạng theo thứ tự liệt kê: hạng 1, hạng 3, hạng 18 và hạng 26.
Quan trọng hơn, Việt Nam được xếp hạng 125 cho chỉ tiêu mức độ dễ dàng để bắt đầu kinh doanh, điều đó có nghĩa chúng ta có môi trường khởi nghiệp thuộc nhóm phức tạp và khó khăn nhất thế giới. Bên cạnh vấn đề quan liêu, mỗi doanh nghiệp cần phải hoàn thành khoảng 10 bước thủ tục (tùy thuộc ngành nghề) tốn rất nhiều thời gian để có thể đưa doanh nghiệp bắt đầu vận hành.
Thứ 2, bên cạnh vấn đề thủ tục phức tạp, Việt Nam còn xếp nhóm 2 trong danh sách các quốc gia bị phàn nàn nhiều nhất về vấn đề tham nhũng, được đánh giá 3 điểm theo thang điểm từ 1 đến 6 điểm, đặc biệt trong khu vực đầu tư công. Theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng chính là tử huyệt trong việc thu hút các nguồn lực từ khu vực tư nhân.
Qua đó có thể thấy, để cải thiện mức độ tăng trưởng các công ty khởi nghiệp và tăng trưởng của nền kinh tế thì cải cách là nhu cầu bức thiết, đòi hỏi chính phủ phải quyết tâm trong việc cải cách thủ tục và chống tham nhũng.
Thách thức thứ hai đến từ chất lượng nhân lực. Theo điều tra từ Học viện toàn cầu McKinsey trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010, 2/3 tăng trưởng GDP của Việt Nam đến từ việc chuyển dịch cơ cấu ngành và gia tăng lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh dựa trên sản xuất giản đơn, mặc dù cần thiết trong giai đoạn đầu chuyển đổi kinh tế, nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ. Cũng giống như nền kinh tế Liên Xô trong thập niên 1970 và 1980, thặng dư lao đông sẽ cạn kiệt ở một thời điểm nào đó và việc duy trì tăng trưởng dựa trên động lực đó sẽ đạt mức tới hạn.
Nếu không phát triển chuyên sâu thì rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững hàng năm trong khoảng 7 – 8% từ đây đến năm 2020 do Chính phủ đặt ra. Thực tế, các dự án nhằm giải quyết vấn đề này là bước phát triển quan trọng trong bối cảnh chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cải thiện chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai, đặc biệt để thích nghi và sáng tạo những sản phẩm công nghệ cao, phương pháp sản xuất tiên tiến, là bước đi quan trọng cần được thực hiện quyết liệt.
Về thực trạng chất lượng lao động, Việt Nam đang được nhìn nhận là chưa có nhiều động thái có thể thay đổi được tình hình. Đặc biệt, trong báo cáo được công bố vào tháng 5/2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO, năng suất lao động Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn 15 lần so với Singapore, bằng 1/5 Malaysia và bằng 2/5 Thái Lan.
Theo một báo cáo khác vào cuối năm 2014 của Ngân hàng Thế giới, chất lượng lao động Việt Nam xếp hạng 11 trong tổng số 12 quốc gia ASIAN, với số điểm 3,79 trên thang điểm 10.
Theo như trích dẫn từng được đăng trên Cnet của Phạm Khoa, giáo viên dạy lập trình tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Những gì bạn học ở trường không áp dụng được trong đời thực”, các lớp học luôn tập trung về lý thuyết thay vì thực hành.
Vì vậy, chính phủ và các doanh nghiệp nên tập trung nhiều hơn nữa vào các sáng kiến về giáo dục và huấn luyện ở cả hai mặt chất lượng và số lượng, cải thiện hiệu suất cơ quan hành chính và tăng cường đầu tư để hiệu suất lao động dần bắt kịp các quốc gia khác.
Một vấn đề khác của lao động Việt Nam chính là mức độ gia tăng chảy máu chất xám. Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân vấn đề nằm ở “nạn quan liêu, thủ tục hành chính phức tạp và điều kiện làm việc nghèo nàn làm nản lòng lượng lớn lao động bậc cao được đào tạo từ cao đẳng trở lên”.
Thực tế, theo báo cáo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài vào tháng 1 vừa qua, có 4,5 triệu người Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có 400.000 người có trình độ cử nhân trở lên. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1.000 người trở về Việt Nam làm việc. Mặc dù từ năm 2004, đã có nhiều cố gắng nhằm đảo ngược tình trạng này như cung cấp chế độ đãi ngộ lương bổng tốt hơn.
Tuy nhiên, để giải quyết hiện tượng đáng báo động này đòi hỏi nhiều hơn sáng kiến tái cơ cấu thể chế thay vì chỉ lương. Lương bổng không phải luôn là yếu tố duy nhất tác động tới quyết định chọn việc của người lao động.
Thách thức thứ 3 chính là từ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Những yếu tố này dường như là động lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn tài trợ cho chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính phủ cần nỗ lực ổn định và cải thiện các yếu tố này và môi trường kinh doanh để khuyến khích các công ty khởi nghiệp ra đời và có cơ chế tài trợ cho họ. Mặc dù chưa đến ngưỡng báo động, nhưng một vài yếu tố kinh tế cơ bản của Việt Nam đã suy yếu, điển hình tình trạng gia tăng nợ công và bất bình đẳng.
Báo cáo trong tháng 7 vừa qua của Ngân hàng Thế giới ước tính tổng số nợ công của Việt nam đã chạm mức 110 tỷ USD vào năm 2014, chiếm 59,6% GDP, tăng từ mức 50% GDP vào năm 2011.
Trong khi đó, Bộ tài chính dự tính mức nợ công có thể chạm mức 65% GDP, mức trần cho phép của Quốc hội, vào cuối năm 2017 trước khi kết quả tái cấu trúc tài chính có hiệu lực dẫn đến tỷ lệ nợ/ GDP giảm. Với kết cục cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn còn mù mờ, ảnh hưởng nặng nề từ mức nợ công cao là bài học quan trọng cho các quốc gia khác tránh vết xe đổ.
Mặc dù Việt Nam còn cách ngưỡng nguy hiểm khá xa trước khi lâm vào tình trạng như Hy Lạp, nhưng việc để mức nợ công vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ tạo tình trạng nguy hiểm gây khó khăn và đau đớn về sau, chi phí nợ sẽ đặt gánh nặng lên vai ngân sách và doanh nghiệp.
Điều cuối cùng cũng rất đáng để nhắc tới. Với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cũng như các quỹ đầu tư ở các quốc gia khác gia tăng xâm nhập, vấn đề vốn khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng dễ giải quyết.
Tuy nhiên, việc đảm bảo và thúc đẩy chất lượng các công ty khởi nghiệp bằng đào tạo, tổ chức các cuộc thi, hội đàm và hội thảo chẳng hạn, là cực kỳ quan trọng để tránh những tình huống Singpaore đang gặp phải vào thời điểm này đó là cộng đồng khởi nghiệp Singapore đang “khan hiếm tài năng sáng tạo” mặc dù nguồn hỗ trợ có đầy đủ.
Lời kết
Trong khi đa phần nguồn lực tập trung vào các công ty khởi nghiệp ở Thái Lan, Indonesia và gần đây là Singapore, bức tranh khởi nghiệp ở Việt Nam đã trở nên sôi động hơn. Mặc dù còn yếu kém về số lượng, năng lực và chất lượng, nhưng nó cho thấy đây là thị trường tiềm năng to lớn cho các doanh nhân và nhà đầu tư để phát triển hệ sinh thái.
Như một kết cục tất yếu, sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút các nguồn lực của các quốc gia trong khu vực, khả năng tăng lãi suất của các nước phát triển như Mỹ đã thu hút đáng kể các nguồn vốn nhưng cần sự hợp tác, nỗ lực nhiều hơn nữa từ cả khu vực công và tư nhân để giải quyết các thách thức trong khi tối đa hóa cơ hội.
Điều này sẽ thúc đẩy các công ty khởi nghiệp và đem lại lợi ích như sáng tạo và đổi mới, dẫn dắt Việt Nam đi tiếp con đường tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.