Các tập đoàn như Alibaba, Tencent và Didi Chuxing đang ngày càng hiện diện nhiều hơn tại Đông Nam Á, nơi có cộng đồng Hoa kiều đông nhất thế giới.
Postmates đã sẵn sàng cho cuộc chiến với các gã khổng lồ công nghệ?
- Cập nhật : 20/08/2015
(Tin kinh te)
Dù chỉ ra đời mới được 3 năm nhưng Postmates đã đặt ra cho mình một mục tiêu đầy tham vọng: sẽ là Uber trong lĩnh vực hàng hóa.
Được sáng lập bởi nhà khởi nghiệp Đức, Bastian Lehmann, với nhiều tham vọng lớn, dịch vụ giao nhận theo yêu cầu Postmates chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các gã khổng lồ công nghệ như Uber và Amazon.
Khi giờ cao điểm ở San Francisco chỉ mới bắt đầu thì chiếc iPhone của Lehmann nhận được một tin nhắn nhờ giao chiếc bánh hamburger từ nhà hàng thức nhanh gần đó đến một địa điểm ở trung tâm thành phố. Dù anh mới đăng nhập vào Postmates chỉ trước đó có vài phút nhưng thuật toán của ứng dụng này cho biết anh là người gần vị trí giao nhận nhất và vì vậy có thể thực hiện công việc đó nhanh nhất đồng thời kiếm được nhiều tiền công nhất. 25 phút sau, ứng dụng đó thông báo cho Lehmann biết rằng anh đã kiếm được 5,80 USD và 4 USD tiền “boa”.
Đó là một bữa ăn khá đắt cho khách hàng nhưng Postmates vẫn tin rằng có nhiều người sẵn sàng móc hầu bao của mình để đổi lại sự tiết kiệm về thời gian, hiệu quả và lịch sự thông qua chiếc smartphone của mình. Và Lehmann chỉ là một trong số 10.000 “nhân viên” giao nhận của Postmates đang hoạt động ở hàng chục thành phố của Mỹ. Họ giao mọi thứ, từ hàng tạp hóa, bánh pizza cho đến aspirin và thậm chí là một chiếc iPad mới được mua, tất cả chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Ứng dụng này cho phép khách hàng dõi theo được vị trí chính xác của người giao hàng và biết được việc đó sẽ mất bao lâu.
Dù chỉ ra đời mới được 3 năm nhưng Postmates đã đặt ra cho mình một mục tiêu đầy tham vọng: sẽ là Uber trong lĩnh vực hàng hóa. Cũng giống như các tài xế của Uber, những người giao nhận của Postmates không phải là nhân viên mà là “những nhà thầu độc lập”. Bất kì ai có xe đạp, xe hơi, xe tải hay xe gắn máy đều cũng có thể đăng ký tham gia.
Lehmann thường chỉ đăng nhập vào ứng dụng này mỗi tuần một lần, chủ yếu là để kiểm tra xem nó có đang vận hành suôn sẻ hay không. Nhà sáng lập kiêm CEO này hiện chỉ mới 37 tuổi và lớn lên ở Bielefeld và Munich. Ở thời điểm hiện tại, dường như anh đang dành phần thắng và sắp sửa biến giấc mơ thời trẻ con của mình thành hiện thực ngay tại thung lũng Silicon.
Thay đổi cuộc chơi
Postmates hiện nhận được 70.000 đơn đặt hàng mỗi tuần. Có mặt ở 26 thành phố lớn, công ty này đã huy động được 60 triệu USD đầu tư và hiện là mạng lưới vận chuyển lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Uber và Lyft. Chỉ cách đây vài tuần, Starbucks cho biết là họ sẽ hợp tác với Postmates để khách hàng của họ giờ đây có thể có được một ly latte được giao ngay tại cửa nhà mình.
Sự nổi lên của startup này như một hiện tượng khiến cho nhiều công ty tại thung lũng Silicon cho rằng Postmates sẽ sớm gia nhập danh sách những công ty hiếm hoi có thể thay đổi cuộc chơi hoặc tự tạo ra những thị trường hoàn toàn mới như Airbnb và Uber.
Số lượng hàng được giao bởi Postmates (đơn vị tính: triệu)
Tuy nhiên cũng có người lo ngại rằng thời “hoàng kim” của Postmates có thể sẽ sớm kết thúc vì ở thung lũng Silicon, thất bại cũng đến nhanh như thành công vậy. Nơi đây từng chứng kiến không ít những công ty “sớm nở tối tàn” như Groupon, Foursquare và Fab.
Nhưng Lehmann đã sớm nhận ra điều đó. Ngoài việc hiểu rõ tầm quan trọng của việc có được một ý tưởng xuất sắc để có thể khác biệt với những startup còn lại, anh còn rất có tầm nhìn. Anh muốn phát triển một hệ thống logistics khổng lồ cho những khu vực đô thị, giúp tập hợp những nhà bán lẻ lại với nhau, tạo nên một “sức mạnh kết hợp” như Amazon, vì như anh thấy, sức mạnh của Amazon có được là nhờ vào số lượng hàng hóa trong các kho hàng của họ. “Thế thì tại sao không biến cả thành phố thành một kho hàng?” anh đặt câu hỏi.
Tập trung, tập trung và tập trung
Một trong những bước đi chiến lược của Postmates là hợp tác với những nhà bán lẻ hàng đầu. Trước khi hợp tác với Starbucks anh cũng đã nhận được sự đăng ký của một số quản lý khác sau khi tìm hiểu công nghệ và hệ thống logistics của Postmates. Dự án thử nghiệm với Starbucks sẽ được thực hiện ở thành phố Seattle và những nhà điều hành của Postmates hi vọng rằng nó sẽ là chất xúc tác cho những đối tác lớn tương tự khác. Và chính Holger Lüdorf, người từng làm việc cho Foursquare, sẽ phụ trách dự án này.
Từng gặp thất bại với Foursquare dù được kì vọng rất nhiều nên Lüdorf và Lehmann đang bảo đảm rằng các nhân viên của họ sẽ tập trung vào một số việc ưu tiên chính. 'Tập trung, tập trung và tập trung', là khẩu hiệu của Lehmann và Lüdorf cũng tán thành điều này. “Rất dễ lãng phí cả tuần cho những chuyện không đâu vào đâu,” anh nói.
Postmates đang đặt mục tiêu là sẽ có mặt ở 50 thành phố lớn ở Mỹ vào cuối năm nay và sau đó sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới. Mỗi tuần họ nhận thêm hàng trăm nhân viên giao hàng mới. Việc kiếm người đang trở nên ngày càng khó khăn ở nhiều thành phố vì Uber cũng đang tìm thuê đội ngũ sinh viên, người làm việc tự do, nhân viên bán thời gian hoặc những người có xe muốn kiếm thêm chút đỉnh này. Hiện có chưa đến 40% nhân viên giao hàng của Postmates là làm việc toàn thời gian.
Tạo dựng một doanh nghiệp tồn tại lâu dài
Cách đây vài tháng, Postmates và một số startup khác bị một số luật sư về luật lao động kiện vì những chuyện liên quan đến việc thuê các “tài xế” làm nhân viên. Dù cho rằng mình đang cung cấp một mô hình khá công bằng cho những ai muốn tự quyết định giờ giấc và khối lượng công việc nhưng Lehmann cũng biết rằng công ty anh cần phải có một mô hình kinh doanh khác ở châu Âu, vì giờ đây mọi chuyện không hề dễ dàng cho Postmates khi mỗi ngày công ty phải tuyển thêm 40 người giao hàng.
Với tốc độ tăng trưởng như vậy nên Postmates đang lên kế hoạch huy động thêm vốn đầu tư trong vài tháng tới. Trước đây chuyện này với họ là không khó vì tấm séc đầu tiên trị giá 250.000 USD đã được một nhà đầu tư mạo hiểm giao ngay cho công ty chỉ sau có 5 phút nghe Lehmann trình bày về dự án.
Mặc dù tổng cộng đã có 16 nhà đầu tư rót 60 triệu USD vào công ty nhưng theo các nhà phân tích thì Postmates đã quá thận trọng trong việc huy động vốn. Tháng 12 năm ngoái, đối thủ của Postmates là Instacart đã huy động được 220 triệu USD. "Điều đó thật sự làm cho tôi khó chịu, ," Lehmann nói. Hiện anh đang chuẩn bị những điều cần thiết để thuyết phục các nhà đầu tư cho lần huy động vốn sắp tới. “Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có thể huy động được từ 200 đến 300 triệu USD trong vòng một ngày,” Lehmann quả quyết.
Và rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu Lehmann sẽ làm những gì mà nhiều nhà khởi nghiệp khác ở Silicon vẫn thường làm: bán lại công ty khi nó có giá trị cao nhất thay vì tiếp tục mạo hiểm để rồi nhận lấy thất bại vào một ngày nào đó?
"Tôi lớn lên trong nghèo khó vì thế tôi không cần tiền. Những gì tôi thấy hào hứng là tạo dựng một doanh nghiệp có ảnh hưởng lâu dài và tích cực đến xã hội. Đó là điều tôi nghĩ rằng thật sự tuyệt vời,” Lehmann trả lời.