Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, mức vốn hóa thị trường chứng khoán hiện đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 34% GDP. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.
Room ngoại trên 65% trong 1 năm liên tục sẽ thành doanh nghiệp FDI?
- Cập nhật : 03/12/2015
(Chung khoan)
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nếu NĐT nước ngoài sở hữu từ 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên sàn liên tục 1 năm trở lên, thì doanh nghiệp đó được coi là NĐT nước ngoài.
Trong báo cáo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2015, Nhóm công tác về thị trường vốn của VBF cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015 cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng đã thể hiện định hướng lớn và sự cởi mở của Chính phủ về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sâu rộng hơn vào các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.
Nghị định đồng thời cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập mới hoặc mua đến 100% các tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam khi đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể.
Tuy nhiên, có 2 trở ngại lớn làm cho Nghị định này không thể thực hiện được.
Một là, hiện nay Chính phủ chưa ban hành danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, và tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể áp dụng đối với những ngành nghề này, và do đó, đã làm vô hiệu hóa phần lớn quy định về tăng sở hữu nước ngoài tại Nghị định 60.
Hai là, Luật đầu tư 2014 quy định không rõ ràng về đối tượng điều chỉnh. Việc quy định không rõ ràng nói trên làm cho các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cả cơ quan chủ quản Việt Nam, cụ thể là Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính còn khó khăn trong quá trình thực hiện.
“Luật Đầu tư 2014, cụ thể là các Điều 23, Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Đầu tư 2014, có áp dụng đối các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty đại chúng niêm yết, đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Nếu câu trả lời là có, toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ngừng hoạt động” – Nhóm công tác VBF khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Luật đầu tư cũ quy định không rõ ràng về việc cần phải có bao nhiêu tỷ lệ phần trăm sở hữu nước ngoài để phân biệt một FIE với doanh nghiệp trong nước. Việc xác định này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủ tục mua đất.
Trong khi đó, Luật đầu tư mới quy định rằng tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có nghĩa là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Ngoài ra, Điều 23 của Luật Đầu tư mới quy định rằng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên thì doanh nghiệp đó sẽ thực hiện thủ tục đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Luật không quy định rõ liệu doanh nghiệp có phần trăm sở hữu nước ngoài dưới 51% thì có được coi là nhà đầu tư trong nước hay không?
Nêu quan điểm của UBCK về những kiến nghị của nhóm công tác VBF, ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCK cho biết, Nghị định 60 cho phép NĐT nước ngoài sở hữu đến 100% vốn điều lệ của các DN Việt Nam. Trong quá trình triển khai quy định này phát sinh vướng mắc là khi nào doanh nghiệp được xác định là NĐT nước ngoài?
Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) trong quá trình soạn thảo và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 118. Văn bản này quy định, khi đầu tư, giao dịch chứng khoán trên TTCK, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở GDCK và quỹ đại chúng chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán về thủ tục đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
“Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn chi tiết và đang gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự kiến ban hành trong tháng 12 này. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nếu NĐT nước ngoài sở hữu từ 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp trên sàn liên tục 1 năm trở lên, thì doanh nghiệp đó được coi là NĐT nước ngoài. Đây là một thay đổi rất quan trọng” – ông Vũ Bằng cho biết.