Số liệu việc làm khả quan của Mỹ là chìa khóa mở cánh cửa cuối cùng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng này. Tuy nhiên, câu hỏi hiện nay là Fed có tăng lãi suất nhanh hay không.
Giá dầu giảm chỉ còn 20 USD/thùng trong năm 2016?
- Cập nhật : 02/12/2015
(Thi tuong)
Đối với nước Nga, sẽ là một “thảm họa” nếu giá dầu giảm về mức 30 USD/thùng - hãng tin Bloomberg nhận định.
Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến do Bloomberg thực hiện mới đây, 63% chuyên gia được hỏi tin rằng mức giá dầu như vậy sẽ đẩy nền kinh tế Nga chìm sâu vào suy thoái tới mức đe dọa hệ thống tài chính nước này.
Kết quả khảo sát cho thấy, giá dầu giảm sâu hơn là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Nga trong năm 2016, bên cạnh những rủi ro khác như căng thẳng địa chính trị, bất ổn trong hệ thống ngân hàng và tỷ giá đồng Rúp.
“Nếu giá dầu giảm sâu hơn và giữ ở mức thấp trong thời gian dài, nguy cơ mất ổn định ngân sách và tài chính Nga sẽ tăng mạnh”, nhà phân tích Sergei Narkevich thuộc ngân hàng PAO Promsvyazbank ở Moscow nhận định.
Trong vòng một năm qua, giá dầu giảm 37% đã buộc Nga phải có những điều chỉnh như cắt giảm chi tiêu để thích nghi. Trong trường hợp giá dầu tiếp tục giảm, những bước điều chỉnh chính sách tiếp theo chắc chắn là điều mà Nga không thể tránh khỏi.
Giá dầu Brent tại thị trường London thời gian gần đây giữ quanh mức 45 USD/thùng, nhưng mùa đông ấm hơn bình thường của năm nay có thể đẩy nhu cầu dầu để sưởi ấm suy giảm, từ đó kéo giá dầu giảm sâu hơn. Theo dự báo mà ngân hàng Goldman Sachs đưa ra vào hôm 18/11, giá dầu có thể giảm tới mức 20 USD/thùng trong năm 2016.
Áp lực giảm đối với giá dầu hiện nay vẫn đang rất lớn do lượng tồn kho dầu của Mỹ gần cao kỷ lục và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai thác vượt hạn ngạch sản lượng. Theo dự báo, trong cuộc họp khối vào ngày 4/12 tại Vienna, Áo, OPEC sẽ quyết định duy trì sản lượng hiện tại để bảo vệ thị phần.
Giá dầu thấp hoặc giảm sâu hơn sẽ vẫn là “rủi ro chính đối với nền kinh tế Nga, bất chấp sự điều chỉnh để thích nghi trong năm 2015”, ông Andreas Schawabe, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Raiffeisen Bank International ở Vienna, nhận xét. “Với rủi ro như vậy, đồng Rúp có thể mất giá thêm, lạm phát tăng cao hơn, và ngân sách đối diện thách thức mới”.
Trong vòng 1 năm qua, đồng Rúp Nga đã mất giá khoảng 32% so với đồng USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh thứ ba trong số các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, sau đồng Real của Brazil và đồng Peso của Columbia.
Triển vọng kinh tế Nga năm 2016 càng thêm ngổn ngang thách thức bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tuần trước. Ngoài những bất ổn ở Trung Đông, Nga còn tiếp tục đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Theo dự báo mà ngân hàng Goldman Sachs đưa ra vào hôm 18/11, giá dầu có thể giảm tới mức 20 USD/thùng trong năm 2016- Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc quan hệ giữa Nga với phương Tây bớt lạnh giá hơn sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào Paris và chiếc máy bay chở khách của Nga ở Ai Cập đã làm dấy lên những hy vọng về việc Mỹ và châu Âu sẽ sớm nới lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, 56% chuyên gia được khảo sát tin Nga sẽ được Liên minh châu Âu (EU) nới trừng phạt trong 12 tháng tới, tăng từ mức 34% trong cuộc khảo sát hồi tháng 8. Có 20% chuyên gia được hỏi ý kiến nói Mỹ sẽ nới lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong năm 2016, so với chỉ 3% cách đây 3 tháng.
“Chỉ thoát lệnh trừng phạt thì kinh tế Nga mới tăng trưởng trở lại được”, ông Wolf-Fabian Hungerland, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg Bank ở Hamburg, Đức, nhận định. Mặc dù vậy, ông Hungerland cho rằng, cơ hội hiếm hoi hiện nay cho sự “tan băng” quan hệ Nga-phương Tây có thể không được tranh thủ, dẫn tới lệnh trừng phạt Nga kéo dài.
Phát biểu hôm 25/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Maxim Oreshkin nói nước này đã học được cách sống chung với mức giá dầu 40 USD/thùng và việc giá dầu giảm sâu hơn đồng nghĩa với tình hình sẽ xấu đi. Nhưng ông Oreshkin cho rằng đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra.
Theo một kịch bản xấu mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đưa ra mới đây, với giá dầu ở dưới mức 40 USD/thùng trong thời gian từ 2016-2018, kinh tế Nga sẽ suy giảm 5% trong năm tới, đồng thời lạm phát và nguy cơ mất ổn định tài chính sẽ gia tăng. Trong trường hợp giá dầu ở mức 50 USD/thùng trong 3 năm tới, kinh tế Nga có thể giảm 1% trong năm 2016.
Cũng theo dự báo của CBR, GDP của Nga sẽ giảm 3,9-4,4% trong năm nay.
“Giá dầu xuống thấp hơn và các dòng vốn chảy đi sẽ gia tăng sức ép đối với nền kinh tế đang ốm yếu của Nga. Một thách thức khác là nợ xấu trong các ngân hàng Nga tiếp tục tăng lên và ngân quỹ quốc gia hao dần”, ông Nerijus Maciulis, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Swedbank AB ở Vilnius, Lithuania, nhận xét.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)