Hai yếu tố cơ bản làm động lực cho sự tăng trưởng của thị trường là các yếu tố của nền kinh tế vĩ mô được cải thiện tốt hơn trước và dòng vốn nước ngoài được kỳ vọng sẽ trở lại Việt nam.
Quỹ ngoại lạc quan về chứng khoán Việt Nam
- Cập nhật : 12/08/2015
(Chung khoan)
Chúng tôi tiếp tục mua cổ phiếu ở Việt Nam vì nền kinh tế đang phát đi những số liệu khả quan và ở thời điểm này giá cổ phiếu đang rẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ duy trì xu hướng tăng điểm mạnh nhất Đông Nam Á khi kế hoạch nới trần sở hữu (room) và sự khởi sắc của nền kinh tế tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài - hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của một số công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 11%, trong khi chỉ số MSCI Southeast Asia Index của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á sụt 12%. Tương quan giữa hai chỉ số này vì thế tăng lênh mức cao nhất trong 5 năm với ưu thế nghiêng về VN-Index.
Mặc dù vậy, giá cổ phiếu của Việt Nam hiện vẫn rẻ hơn 18% so với giá cổ phiếu trong khu vực. Từ đầu năm tính đến ngày 6/8, khối ngoại đã mua ròng 223,1 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tiến tới năm mua ròng thứ 10 liên tục.
Trong khi giá hàng hóa cơ bản và triển vọng Mỹ tăng lãi suất đã khiến nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực từ Indonesia tới Thái Lan suy giảm, thì các nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thị trường sơ khai (frontier market) vẫn tiếp tục lạc quan về triển vọng của thị trường Việt Nam, nơi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất trong 2 năm và Chính phủ chuẩn bị nâng “room” cho khối ngoại ở một số ngành nhất định từ 49% lên 100%.
“Nhìn chung, chúng tôi rất lạc quan về thị trường Việt Nam”, ông Thomas Hugger, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital có trụ sở ở Hồng Kông, cho biết. “Chúng tôi tiếp tục mua cổ phiếu Việt Nam vì nền kinh tế đang phát đi những số liệu khả quan và ở thời điểm này giá cổ phiếu đang rẻ”.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% cho năm 2015, từ mức tăng trưởng khoảng 6% đạt được trong năm ngoái. Tốc độ lạm phát ở dưới mức 1% trong 5 tháng đầu năm nay, giảm từ mức đỉnh vào tháng 8/2004.
Hệ số giá/thu nhập (P/E) của thị trường Việt Nam hiện ở mức 12 lần, so với mức 14,7 lần của các cổ phiếu trong chỉ số MSCI Southeast Asia.
Cơ quan chức năng của Việt Nam xem đầu tư nước ngoài như một trong những nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi mà khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trên sàn Tp.HCM mới chỉ bằng 1/10 so với thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực là Singapore.
Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tuyên bố mục tiêu đưa Việt Nam tiến lên địa vị thị trường chứng khoán mới nổi (emerging market) từ thị trường sơ khai như hiện nay theo phân loại của MSCI Inc..
“Việc nâng trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là một sự kiện có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam”, ông James Bannan, nhà quản lý quỹ Frontier Markets Fund có “tổng hành dinh” ở Thụy Điển, nhận xét. “Bước đi quan trọng tiếp theo trong việc mở cửa thị trường là Chính phủ Việt Nam bán ra cổ phần ở nhiều công ty niêm yết. Các chính phủ hiếm khi là người sở hữu tốt của doanh nghiệp”.
Ông Bannan cho biết đang tiếp tục mua vào cổ phiếu Việt Nam và ưa thích cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên công ty tư vấn Project Asia Research & Consulting Pte. có trụ sở ở Singapore lo ngại rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi với quy trình phức tạp khi các công ty muốn xin nâng “room”, trong khi việc Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần hoặc sở hữu chéo đồng nghĩa với việc quyền của các nhà đầu tư nhỏ bị hạn chế.
“Cải cách đang diễn ra với tốc độ chậm chạp và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại cải cách có thể bị đảo ngược nếu nền kinh tế hoặc thị trường đi xuống”, ông Attila Vajda, Giám đốc điều hành của Project Asia Research, nhận xét.
Mặc dù vậy, các bước đi của Chính phủ Việt Nam nhằm mở cửa khu vực kinh tế Nhà nước, cùng với dân số trẻ và giá nhân công rẻ của Việt Nam, là những nhân tố đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán sơ khai hấp dẫn nhất hiện nay-theo ông Shamoon Tariq, nhà quuanr lý quỹ Tundra Fonder có trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển.
Việc nới “room” cho khối ngoại là “một bước tiến gần hơn tới một cơ chế thị trường mở mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn”, ông Tariq nói. Nhà quản lý quỹ này cũng cho biết đang tiếp tục mua vào cổ phiếu Việt Nam.
“Thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ đáng kể”, ông Tariq nhận định.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)