Xử lý trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ...
Chủ tịch HOSE: “Ngành ngân hàng đang gánh nặng cấp vốn cho nền kinh tế, đi lệch vai trò thị trường tiền tệ"
- Cập nhật : 17/02/2016
(Tin kinh te)
Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho rằng thị trường chứng khoán là thị trường vốn rất quan trọng. Với đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam cho thấy ngành ngân hàng đang gánh nặng về cung cấp vốn chủ đạo cho nền kinh tế, đi lệch vai trò thị trường tiền tệ.
Hàng loạt các chính sách mới về cải cách thị trường chứng khoán đã được ban hành năm 2015. Ông có cho rằng đây sẽ là những bước đẩy cho thị trường năm 2016 giữ được sự tăng trưởng như năm 2015?
Năm 2016 sẽ có những bước khó đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn chung, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường từ khối ngân hàng, bất động sản, dầu khí, sản xuất tất cả đều đứng trước thách thức, khó khăn, cố gắng làm sao những doanh nghiệp ngành này trụ vững, duy trì được niêm yết và việc đạt được lợi nhuận như năm 2015 là hết sức khó.
Bên cạnh đó, những chính sách đổi mới thị trường chứng khoán rất tốt nhưng việc ban hành các hướng dẫn còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hiện nay gần như chưa mở room được. Đây là những công cụ quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam, mặc dù Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã mở rất nhiều chính sách mới như: đấu giá cổ phần theo lô, cho mua nắm cổ phần chi phối, IPO các hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2015... nhưng chưa đạt so với kỳ vọng.
Vấn đề chuyển đổi một doanh nghiệp Nhà nước thành công ty đại chúng cần phải có một thời gian. Tất cả những việc Việt Nam đã làm được trong năm 2015 là một tiền đề để tiếp tục triển khai các khung pháp lý và kỳ vọng vào thị trường năm 2016.
Tuy nhiên, nền kinh tế 2016 tiếp tục có những khó khăn và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam có ngân sách luôn bội chi, tỷ lệ nợ công khá cao từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.
Nhưng năm nay, những quyết sách của Chính phủ về cổ phần hóa và thực hiện IPO các doanh nghiệp Nhà nước hay mở room chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn. Vì sắp tới chúng ta sẽ có một cơ cấu Chính phủ mới, dàn lãnh đạo đất nước mới, nhà đầu tư rất kỳ vọng vào những đổi mới của Chính phủ.
Ông có thấy các nhà đầu tư chứng khoán trong nước còn giữ mối quan tâm tới thị trường chứng khoán như trước đây không hay bây giờ họ bắt đầu tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính của họ, thưa ông?
Tôi cho rằng thị trường chứng khoán là thị trường vốn rất quan trọng. Với đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam cho thấy ngành ngân hàng đang gánh nặng về cung cấp vốn chủ đạo cho nền kinh tế, đi lệch vai trò thị trường tiền tệ.
Một số việc ngân hàng đã và đang làm là nhiệm vụ của thị trường vốn chứ không phải của thị trường tiền tệ. Vì thị trường chứng khoán chưa phát triển nên ngân hàng phải làm thay nên rủi ro lớn. Điều này thể hiện ở việc các cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn đang gặp phải những khó khăn như chính bản thân ngành ngân hàng đang gánh chịu (rủi ro trong cho vay, gánh nặng nợ xấu).
Thị trường vốn đang được Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp rất quan tâm. Chúng ta cần phải có nguồn vốn lớn, rẻ, lâu dài để từ đó phát triển kinh tế bền vững và tham gia vào hội nhập kinh tế thế giới thuận lợi hơn.
Thị trường chứng khoán là kênh đầu tư dành cho những người hiểu biết để đầu tư và kiếm tiền nhưng những nhà đầu tư hiểu biết này lại e dè, còn những nhà đầu tư hiện nay phần nhiều là những người lướt sóng, đầu cơ, làm giá. Những nhà đầu cơ này kiếm một năm sẽ không có lời vì họ đóng phí, đóng thuế là hết. Còn nhà đầu tư thực chất sẽ ngày càng được gạn lọc và cổ phiếu sẽ được quan tâm sâu sắc, tích cực hơn.
Vậy ông tin rằng qua những đợt khó khăn của thị trường thì thành phần các nhà đầu tư trên thị trường sẽ được cơ cấu lại, tinh nhuệ hơn, tích cực hơn so với các thế hệ các nhà đầu tư trước đó?
Tôi thấy đúng thế. Ta hãy nhìn vào chỉ số P/E. Nhiều cổ phiếu có chỉ số tài chính quá tốt, làm ăn có lời, cổ tức chia 10% - 20% nhưng giá vẫn thấp, chỉ có 5.000 – 6.000 đồng/cổ phiếu. Đó là vấn đề gì? Hay là ảnh hưởng của đầu cơ? Chúng ta cần phải suy nghĩ.
Tôi cho rằng thị trường sẽ có sự chọn lọc. Thị trường vừa có sự đầu tư vừa có sự đầu cơ nhưng cách đầu tư, cách mua bán cổ phần cổ phiếu sẽ thay đổi.
Ông có nhận thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam tăng lên không?
Vấn đề thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đó là câu chuyện lớn, đó là ở tầm vĩ mô, cơ chế chính sách, độ lớn của thị trường. Chúng ta làm sao nâng hạng được thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài đó là các quỹ, các tổ chức quốc tế lớn khi đầu tư họ phải có sân chơi, có thị trường được công nhận ở mức độ nào đó để tránh rủi ro, có các công cụ đầu tư tương đối đầy đủ. Thí dụ, người ta tham gia bảo hiểm thì phải có tái bảo hiểm để chia sẻ rủi ro.
Từ xưa nay chúng ta cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, nhiều công cụ nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng. Các sản phẩm trên thị trường chưa được đa dạng khiến việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng khó khăn. Vì nhà đầu tư nước ngoài họ phải tìm hiểu và thấy rằng đây là thị trường đủ độ chơi thì họ sẽ xuống tiền, chứ không phải chúng ta cứ kêu gọi, mời chào họ đầu tư là họ vào.
Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài phải là những quỹ đầu tư, những tổ chức đầu tư lớn chi ra hàng trăm triệu USD tới hàng tỷ USD đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, chứ không phải như kiểu họ là người nước ngoài chìa tấm hộ chiếu mua vài ngàn cổ phiếu của doanh nghiệp Việt, những nhà đầu tư này chưa phải là vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển thực sự của thị trường chứng khoán.
Chúng tôi đã đi tiếp xúc nhà đầu tư ngoại tại nhiều nước. Nói chung, chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề phải làm, không phải làm đầu năm nay thì cuối năm sẽ thành công, có thể phải đến năm 2017 mới có kết quả.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy. Họ đầu tư vào những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và thị trường phải có đủ công cụ giúp họ quản trị được rủi ro. Nếu mà thị trường của chúng ta cứ như thế này thì khó mà thu hút thêm các nhà đầu tư một cách nhanh chóng, ào ạt vì chưa đủ các sản phẩm đầu tư mang tính chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Linh Lan
BizLIVE