tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cú trượt dài của thị trường chứng khoán Việt

  • Cập nhật : 24/08/2015

(Tin kinh te)

Cùng với chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán trong nước ngày 24-8 cũng giảm mạnh, VN-Index giảm gần 30 điểm, mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua.

Phiên giao dịch buổi chiều, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc. Lực cầu bắt đáy khá lớn, trong khi áp lực bán tháo còn lớn hơn nhiều lần. Có thời điểm VN-Index mất đến 33 điểm, mức giảm chưa từng có trong vài năm qua.

Chốt lại ngày giao dịch đầu tuần, VN-Index đánh mất tổng cộng 29,37 điểm (-5,28%) chốt tại 526,93 điểm, thấp nhất trong hơn 1 năm. Lực cầu bắt đáy khiến thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, với 174,55 triệu cổ phiếu, trị giá 3.105 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng mã FLC đã có hơn 12 triệu cổ phiếu khớp lệnh, kế đến là SSI với trên 8,25 triệu cổ phiếu và CII hơn 7,8 triệu cổ phiếu. Cả 3 mã chứng khoán này đều giảm kịch sàn với dư bán chiếm áp đảo.

Ngoài ra còn có rất nhiều cổ phiếu khác giảm sàn nhưng vẫn được nhà đầu tư mua vào hàng triệu đơn vị như: BGM, ITA, HPG, FIT, NT2, HAG, CTG, BID, KDC, REE, HAI, DXG, HCM... tổng cộng 130 mã tại sàn HoSE. Rất nhiều trong số này có vai trò dẫn dắt thị trường như HPG, CTG, HAG, BID, REE...

Bất ngờ lớn trên sàn khi mã EIB đảo chiều tăng giá 700 đồng vào những phút cuối khi nhận lệnh mua giá trần với số lượng 300.000 đơn vị.  

Trên sàn Hà Nội, mức giảm thậm chí còn lớn hơn nhiều, HNX-Index mất tới 5,81% giá trị, tương đương 4,51 điểm và chốt phiên ở mức 73,09 điểm. Tại sàn này có 205 mã chứng khoán giảm giá. Giao dịch tại sàn này đạt 70,65 triệu cổ phiếu, trị giá 697,56 tỉ đồng.

Như vậy, tính từ đầu tuần trước đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 5 ngày giảm điểm, chỉ có 1 ngày tăng điểm nhẹ, tổng mức giảm của VN-Index là hơn 62 điểm.

nha dau tu trong nuoc va quoc te deu dang lo lang cho thi truong chung khoan. anh: hoang trieu

Nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều đang lo lắng cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Hoàng Triều

Trước đó, khép lại buổi sáng, VN-Index giảm tới 28,57 điểm (-5,14%), xuống 527,73 điểm. Toàn sàn HoSE có tới 233 mã giảm, trong đó gần 100 mã giảm kịch sàn, chỉ có 17 mã tăng giá.

Sàn Hà Nội, HNX-Index cũng lao dốc 3,54 điểm (-4,57%), xuống 74,06 điểm với 181 mã chúng khoán giảm giá, trong đó 56 mã cổ phiếu giảm sàn, chỉ vỏn vẹn 25 mã tăng.

Toàn bộ 30 cổ phiếu lớn của sàn HoSE đều chìm trong sắc đỏ khiến VN30-Index mất tới 30,92 điểm, 12 mã chứng khoán trong số này giảm kịch sàn như BVH, CSM, FLC, HAG, HSG, HVG, ITA, KBC, MSN, REE, PVT, HHS. Những mã còn lại cũng có mức giảm rất lớn như VCB giảm 2.600 đồng, VNM mất 6.000 đồng mỗi cổ phiếu, HCM giảm 2.500 đồng...

Điểm tích cực duy nhất của thị trường là cùng với áp lực bán tháo thì lực mua cũng cao không kém, giúp thanh khoản thị trường tăng vọt. Theo đó, sàn HoSE có gần 100 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong buổi sáng, trị giá gần 1.670 tỉ đồng. Sàn Hà Nội có 34,97 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trị giá 338,16 tỉ đồng.

Trong số này, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào với trên 9,4 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE.

FLC là mã có tổng khối lượng khớp lớn nhất trên HOSE với 8,3 triệu đơn vị, tiếp đến là CII, SSI, KBC với 4,76 triệu đơn vị, 4,63 triệu đơn vị và 3,96 triệu đơn vị. Còn trên HNX, KLF có thanh khoản tốt nhất, nhưng cũng chỉ được khớp 3,86 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy bên bán vẫn chiếm áp đảo. Sau 2 tuần giảm điểm liên tục, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng thị trường đang xuất hiện những đợt giải chấp do các công ty chứng khoán thực hiện để thu hồi vốn vay của nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán châu Á cùng thời điểm cũng sụt giảm rất mạnh do giới đầu tư lo ngại về những bất ổn kinh tế ở Trung Quốc. Chỉ số Shanghai của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm tới gần 9%, mức giảm chưa từng có; Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) mất 4,8%; Nikkei 225 của Nhật giảm 4,79%...

Các chỉ số thị trường tương lại cũng cho thấy sự sụt giảm rất mạnh như Dow Jones giảm 530 điểm, Nasdaq mất  171 điểm hay S&P 500 sụt 64,84 điểm...

Trước đó, phát biểu trên báo chí, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho rằng thị trường đang bị rung lắc mạnh nhưng sẽ sớm ổn định trở lại trên nền tảng dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ về đích năm nay.

(Theo Báo Lao Động)
Trở về

Bài cùng chuyên mục