Từ nay đến trước thềm ĐHCĐ 2016 được dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp xin mở room và đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Chứng khoán 'trượt chân'
- Cập nhật : 21/08/2015
(Tin kinh te)
Trưa 21/8, giữa lúc thị trường đang quay cuồng trong cơn bán tháo, lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Chứng khoán vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Ông cho rằng cú giảm giá này không thực...
Lý giải về diễn biến tại thời điểm đó, lãnh đạo này cho rằng nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng thái quá bởi các tin đồn, tỷ giá biến động, thị trường thế giới... "Thị trường sẽ dần điều chỉnh, bằng chứng là mức rớt giá càng về cuối phiên sáng đã chậm dần", vị này nhận định.
Thái độ điềm tĩnh này có thể được lý giải bởi chứng khoán Việt Nam đã quá quen với những cú trượt chân, ngay cả khi cú trượt sáng nay có lúc lên tới 24,38 điểm - con số đáng kể nhất kể từ vụ "giàn khoan" hơn một năm về trước.Động thái để thị trường tự điều chỉnh phần nào cho thấy tác dụng khi sau một thời gian ngắn chếnh choáng đầu buổi chiều, sàn TP HCM đã khép lại phiên giao dịch với mức giảm chỉ hơn 10 điểm của VN-Index và VN30, trong khi thanh khoản lên cao nhất trong vòng 3 tuần qua (gần 2.900 tỷ đồng). Tương tự, sàn Hà Nội còn giảm điểm ít hơn phiên trước, trong khi khối lượng giao dịch tăng gấp rưỡi.
Lực đỡ chính giúp thị trường không trượt dài hôm nay chủ yếu đến từ động thái mua bắt đáy vào nửa sau phiên giao dịch. Trước đó, rất nhiều cổ phiếu bị bán mạnh, giảm giá hết biên độ... Trên các diễn đàn chứng khoán vào cuối buổi sáng, không ít nhà đầu tư, dù biết thị trường vừa đón nhận nhiều tin xấu, cũng hoang mang trước lực bán rất mạnh.
Lý giải những gì đã diễn ra trong suốt phiên sáng, bên cạnh những lý do như tin xấu, tin đồn... đa số nhận định của các tổ chức môi giới cũng như giới chuyên gia đều xoay quanh hiện tượng giải chấp. Theo đó, hệ thống của các công ty chứng khoán tự động bán ra cổ phiếu mà khách hàng cầm cố cho các khoản vay đầu tư trước đây, khi giá xuống tới một vùng nhất định.
Giải thích này có cơ sở từ những diễn biến trên thị trường khi ngoài các cổ phiếu chịu ảnh hưởng của tin xấu, phần lớn các mã bị bán mạnh thuộc về họ dầu khí và chứng khoán đầu cơ. Nhóm này luôn có vị trí "ưu tiên" trong danh sách bán tự động khi mà 9 phiên trước đó, Vn-Index đã giảm tổng cộng gần 50 điểm, từ vùng 615 điểm. Riêng trong phiên hôm nay, chỉ số này đã mất hơn 10 điểm chỉ sau 15 phút khớp lệnh liên tục.
Bên cạnh nguyên nhân giải chấp, một lý do khác được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhắc tới khi cho rằng đợt giảm giá này không phản ánh đúng tình hình thị trường là việc nhà đầu tư chịu tác động cùng lúc của nhiều tin xấu, gồm cả tin thực lẫn tin đồn.
Cụ thể, ngay trước giờ mở cửa của chứng khoán Việt Nam, thị trường thế giới đã chìm trong sắc đỏ. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones mất 2,06%, S&P 500 cũng rớt 2,11%. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) mất 2,35%, Hangseng Index (Hong Kong, Trung Quốc) mất 2,32%.
Bản tin của Công ty chứng khoán FPTS bổ sung thêm một số lý do như ngày 20/8, Ngân hàng Nhà nước thông báo đình chỉ lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á, giá dầu tiếp tục giảm... Bên cạnh đó, việc các quỹ ETF nước ngoài đều đang ở trạng thái discount (thị giá tháp hơn giá trị sổ sách) nên lo ngại về việc các quỹ này bán ra tăng lên. Trên thực tế, khối ngoại cũng bán ròng hơn 320 tỷ đồng cổ phiếu trên 2 sàn trong phiên hôm nay.
Còn theo Trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán Tân Việt - Nguyễn Minh Hưng, bên cạnh những lý do nêu trên, tin đồn về việc lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn bị điều tra đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ lo ngại, chọn phương án an toàn là xả hàng thay vì nắm giữ để tránh rủi ro ngắn hạn.
Việc biên độ tỷ giá USD được nâng từ 2% lên 3% sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ cũng chưa xoa dịu hết những lo ngại xoay quanh vấn đề tỷ giá. Các yếu tố này được ông Hưng nhận định là luân phiên nhau tác động đến chứng khoán từ đầu tuần đến nay, khiến cho tâm lý bất an đè nặng toàn thị trường.
Trao đổi với VnExpress, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng phiên lao dốc của chứng khoán Việt Nam ngày hôm nay không khác những phiên giảm điểm mạnh kể từ năm 2007 mà các nhà đầu tư từng chứng kiến. Tuy nhiên, khi đi tìm nguyên nhân, không nên lúc nào cũng dồn tất cả vào tác động của yếu tố ngoại lai. Thay vào đó, điểm mấu chốt chính là nội lực, sức đề kháng của chứng khoán Việt Nam còn yếu.
"Bản chất của thị trường là khi nóng VN-Index không quá 600 điểm hay khi nguội có thể dưới 500 điểm. Tuy nhiên, ít ai chịu chấp nhận sự thật này. Đây là lý do đỉnh 630-640 điểm không duy trì được lâu và ngưỡng dưới 550-600 liên tục dao động", ông Hiển nói.
Chuyên gia này nhận định, chứng khoán Việt Nam chưa hoạt động theo cơ chế thị trường hoàn hảo. Do đó, những phản ứng rất mạnh (cả lúc thị trường tốt lẫn xấu) đối với tình hình thực tế, có khi phi logic vẫn thường hay xảy ra. Mặt khác, nhà đầu tư vẫn chưa có công cụ phái sinh để chống đỡ trong những phiên lao dốc, cộng thêm tâm lý bầy đàn còn nặng nề có thể đẩy tình trạng bán tháo, xả hàng trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được giới phân tích chứng khoán nhắc tới là việc giải chấp mạnh tay đã phần nào cho thấy hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán tăng mạnh khi thị trường tăng nóng đầu năm. Đây từng là mấu chốt gây ra nhiều rủi ro đối với thị trong quá khứ. Thống kê tại 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường trong 6 tháng đầu năm cho thấy mức tăng dư nợ lên tới gần 2.000 tỷ đồng (tăng khoảng 17%). Hoạt động này cũng đóng góp khoảng một phần ba doanh thu của một số công ty chứng khoán lớn trong khoảng thời gian này.