Chính quyền Bắc Kinh không chỉ không thực hiện được mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu mà còn đang làm tình hình tồi tệ hơn.
Ám ảnh bởi Trung Quốc, sắc đỏ bao trùm chứng khoán toàn cầu
- Cập nhật : 07/01/2016
(Kinh te)
Chỉ số MSCI All-Country World Index đã giảm tổng cộng 3,3% sau 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, qua đó đánh dấu khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2000.
Chứng khoán toàn cầu đang tiếp tục có khởi đầu năm mới tệ nhất kể từ năm 2000 với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 250 điểm. Nguyên nhân là do động thái bất ngờ giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại mới về sức khỏe kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số MSCI All-Country World Index giảm 1,2% và đã giảm tổng cộng 3,3% sau 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, qua đó đánh dấu khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2000.
Trên TTCK Mỹ, S&P 500 giảm 1,3%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 6/10 trong khi Dow Jones giảm 252 điểm và đã giảm tổng cộng 3% kể từ đầu năm đến nay.
Cổ phiếu của các thị trường mới nổi cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2009. Chỉ số MSCI Emerging Markets giảm 1,1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Các chỉ số chính của TTCK Hồng Kông, Đài Loan và Saudi Arabia đều giảm ít nhất 1%.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index chạm mốc cao nhất từ trước đến nay, mặc dù chỉ số này đã giảm điểm sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy chính sách tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. 3 tuần trước, tất cả 10 thành viên có quyền biểu quyết của Ủy ban thị trường mở đều quyết định tăng lãi suất cơ bản liên bang 0,25%, chấm dứt thời kỳ lãi suất gần 0 đã kéo dài gần 1 thập kỷ.
Yên Nhật cũng tăng giá mạnh với mức tăng 0,5%, lên 118,25 yên đổi 1 USD – mạnh nhất kể từ ngày 15/10. Đồng tiền này cũng tăng giá hơn 1% so với nhân dân tệ, lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Ngược lại, tiền tệ mới nổi mất giá mạnh. Đồng Ruble của Nga giảm giá mạnh nhất, lập kỷ lục mới sau khi giá dầu lao dốc càng khiến cơn bán tháo tài sản rủi ro dâng cao.
Giá dầu thô biển Bắc chạm đáy thấp nhất kể từ năm 2004, trong khi dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ xuống dưới 34 USD/thùng. Nguyên nhân là vì nguồn cung tăng cao kỷ lục.
Vàng tăng giá ngày thứ 4 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất trong gần 3 tháng.
Theo Benjamin Dunn, Chủ tịch của công ty tư vẫn Alpha Theory Advisors, dường như thị trường đang lặp lại những động thái tương tự như hồi tháng 8. Nhà đầu tư đang được khẳng định rằng kinh tế Trung Quốc tệ như mọi người vẫn nghĩ. Thêm vào đó sự lạc quan của nhà đầu tư đã biến mất”.
Động thái chấp nhận đồng nội tệ yếu hơn cho thấy Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và điều này làm sống lại nỗi lo lắng hồi tháng 8, khi chứng khoán Mỹ có đợt điều chỉnh lần đầu tiên trong 4 năm.
Ngoài ra bản báo cáo mới được World Bank công bố trong đó tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ mức 3,3% hồi tháng 6 xuống chỉ còn 2,9% và cảnh báo về sức khỏe của các nền kinh tế mới nổi cũng khiến tâm trạng của nhà đầu tư thêm u ám.