Phiên phục hồi ngày 19/1 sau khởi đầu u ám của thị trường chứng khoán 2016 khiến nhà đầu tư phân vân nên giải ngân lúc này hay đứng ngoài chờ cơ hội mới.
Bao giờ thị trường chứng khoán Việt mới “chịu lớn”?
- Cập nhật : 09/05/2016
(Tin kinh te)
Đến khi nào nền kinh tế thực sự phát triển bền vững thì thị trường chứng khoán mới có cơ sở để tăng trưởng mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Áp lực vẫn còn lớn
Các thị trường chứng khoán trong khu vực như Philippines, Thai Lan, Indonesia hay Malaysia…đã từng trải qua những cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhưng rồi nhanh chóng lấy lại sự mất mát và tiếp tục đi lên. Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ thời điểm suy thoái vẫn chưa thể tăng trở lại mức giá cũ.
Thị trường các nước trong khu vực dù trải qua khủng hoảng nhưng nhanh chóng tăng trở lại, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. (Nguồn : tradingeconomics)
Thị trường chứng khoán được đánh giá là hàn thử biểu của nền kinh tế, do vậy, khi thị trường chứng khoán xập xình cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam thể hiện sự mất phương hướng.
Nền kinh tế Việt Nam bị đánh giá là có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng không bền vững. Tăng trưởng GDP nếu nhìn vào thực chất thì tiềm ẩn nhiều rủi ro vì các yếu tố cấu thành như đầu tư công không hiệu quả, nhập siêu…Chạy đua tăng trưởng tạo nên hệ quả nợ xấu gia tăng mạnh trong nhiều năm qua, mà đến nay vẫn chưa giải quyết được tận gốc.
Đến quý 1/2016, GDP cả nước chỉ tăng 5,46%, giảm mạnh so với mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái, riêng ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 2,69%. Nhiều chuyên gia đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, lạm phát có khả năng tăng cao trong năm nay.
Lãi suất và tỷ giá chỉ ổn định dựa theo những chính sách nhất thời mà chưa giải quyết được bài toán căn cơ của một nền kinh tế luôn có dấu hiệu khan tiền. Tỷ giá thì chịu áp lực tăng giá cao. Chỉ dừng tăng khi chính phủ dùng các biện pháp mang hành chính để ngăn chặn mà không thực sự giải quyết được vấn đề về cung cầu. Điều này theo nhiều chuyên gia đánh giá là không chỉ làm khó thêm cho doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ mà còn gây ảnh hướng xấu đến một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiều năm qua, với sự thiếu sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là nổi ám ảnh của bộ 3 “lạm phát, tỷ giá và lãi suất” luôn biến động khó lường, tạo nên sự quan ngại đối với các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước khi nghiên cứu về việc đầu tư vào Việt Nam.
Một thực tế là tín dụng, cung tiền tăng trưởng mạnh trong nhiều năm nhưng dòng tiền thì luôn khan hiếm. Điều này được các chuyên gia lý giải là dòng vốn đi vào các khu vực có vòng quay vốn chậm, như đầu tư công thiếu hiệu quả và đầu cơ bất động sản…
Lãi suất vẫn đang là bài toán đau đầu nhất hiện nay. Thực tế lãi suất của VN những năm gần đây luôn cao. Theo một nhà quản lý quỹ thì lãi suất vừa có tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác khi lãi suất cao còn làm giảm dòng vốn đi vào đầu tư.
Có thể thấy, Philippines với lãi suất bình quân khoảng 4% trong từ 2010 đến 2016. Thái Lan chỉ ở xấp xỉ trên 2,4%, Malaysia chỉ 3%. Trong khi đó lãi suất bình quân ở Việt Nam ở mức xấp xỉ 7,5% và đã có thời điểm lãi suất huy động đã tăng lên trên 2 con số, đặc biệt là trong thời điểm 2011-2012 lên đến 15% khiến lãi suất cho vay cao ngất ngưởng. Trải qua giai đoạn này, có chủ doanh nghiệp đã từng nhận xét kinh doanh mà đi vay giống như làm “mọi” cho ngân hàng, rủi ro so với lợi nhuận kiếm được là không cân xứng.
Thiếu "chất"
Một vấn đề để thu hút dòng vốn ngoại đó là chất lượng hàng hóa để hấp thụ dòng tiền. Một nhà quản lý quỹ tại Việt Nam từng nhận xét “thị trường thiếu các mã chứng khoán tốt. Có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động ì ạch niêm yết trên sàn, còn số doanh nghiệp tư nhân phát triển nổi bật thì lại thiếu”.
Nếu nhìn vào những doanh nghiệp lớn đang niêm yết tại thị trường VN thì vẫn chưa cho thấy sự hấp dẫn. Bằng chứng là trong rổ VN30 gồm 30 công ty được chọn lựa theo các yếu tố vốn hóa, thanh khoản cao nhất cũng chỉ có số ít doanh nghiệp sáng tạo, có sản phẩm đột phá, đủ sức vươn tầm ra khu vực khi cạnh tranh ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, một bộ phận lớn các doanh nghiệp có nền tảng tốt lại là những doanh nghiệp quá thận trọng trong chiến lược phát triển. Họ hạn chế huy động nguồn vốn tối đa để giảm tác động xấu lên giá cổ phiếu do e ngại rủi ro về lãi suất, lạm phát…tinh thần khởi nghiệp của chính những người đang ăn nên làm ra cũng không thực sự mạnh mẽ, sự cầu toàn chiếm đa số. Chính điều đó làm cho yếu tố thanh khoản của cổ phiếu thấp. Giá trị cổ phiếu niêm yết không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân vì sao 1 cổ phiếu có giá trị thấp nhưng cổ tức thì gấp mấy lần thị giá.
Một điểm khác, đó chính là việc các doanh nghiệp hậu IPO không thực hiện niêm yết ngay cũng tạo ra nhiều e ngại của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, cái họ cần là những ràng buộc về sự minh bạch thông tin mà một doanh nghiệp không niêm yết không có được.
Chờ cách từ Chính phủ mới…
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhận định cho rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ cải thiện dưới sự điều hành của Chính phủ mới. Những cam kết mới được đưa ra theo hướng hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển là một trong những hành động cho thấy sự quyết tâm xoay trục của chính phủ vào kinh tế tư nhân.
Về hoạt động ngành ngân hàng, ngoài việc sử lý yếu kém trong hoạt động cho vay tại các NHTM thì việc chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được ưu tiên, theo dõi chặt chẽ tín dụng bất động sản, hướng tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội của chính phủ đã được nhiều sự đồng tình từ phía dư luận.
Với tình hình lãi suất được duy trì ở mức thấp tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc...thậm chí là Thái Lan là cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ các quốc gia này.
Hiện tại, dòng vốn gián tiếp nước ngoài phần lớn đang trong giai đoạn quan sát. Việc chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cả về số lượng và chất lượng, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp để tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào phát triển thị trường này cũng cũng được giới đầu tư đánh giá cao. Một chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng hiện nay là minh bạch, nếu thị trường tăng tính minh bạch thì sẽ thu hút được dòng vốn dài hạn nhiều hơn.
Báo cáo mới nhất của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), số lượng nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán trong giai đoạn từ tháng 1 đến hết tháng 4 năm nay đã tăng 140% so với cùng kỳ năm 2015, cao nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ năm 2010.
Credit Suisse đánh giá sau một thời kỳ kinh tế bất ổn, trong đó lạm phát lên đến mức 2 con số, Việt Nam đã bắt đầu hồi phục trở lại và một lần nữa thu hút sự hứng thú của giới đầu tư bằng tốc độ tăng trưởng nhanh và một cam kết mới về cải cách.
Một số quỹ đầu tư cũng cho biết đang có kế hoạch mua thêm cổ phiếu trong năm nay do đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục và các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với nhận định đó, đối tượng mà các quỹ này nhắm đến là cổ phiếu của các công ty tiêu dùng, công nghiệp và xây dựng ở Việt Nam.
Một sự kiện cũng đang được nhà đầu tư chờ đón là việc Tổng thống Mỹ Obama sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 5 này, mở ra một cơ hội nữa cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Hiện tại, áp lực vẫn đang đè nén lên thị trường chứng khoán Việt do nền kinh tế đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý những vấn đề tồn đọng trước đây. Đến khi nào nền kinh tế thực sự phát triển bền vững thì thị trường chứng khoán mới có cơ sở để tăng trưởng bền vững, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Tuy vậy, nếu nhìn theo góc độ tích cực hơn, với việc nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho thị trường tăng trưởng. Điểm mấu chốt là việc liệu các cam kết của chính phủ nhằm đưa nền kinh tế đi vào giai đoạn phát triển bền vững có được thực hiện đúng như những gì đã đưa ra hay không. Nhà đầu tư ngoại vẫn sẽ không ngừng quan sát, và đó sẽ là yếu tố quyết định thị trường có đủ sức thoát ra khỏi cái tiếng ‘không chịu lớn”.
Huy Nguyên
(Theo Người Đồng Hành)