Theo số liệu thống kê của Bloomberg, đã có ít nhất 16 người bị bắt giữ, điều tra hoặc phải ngừng làm việc để hỗ trợ cơ quan điều tra. Nỗi sợ hãi đang bao trùm các công ty tài chính cũng như các chiến lược đầu tư của họ.
2 mặt của seed money
- Cập nhật : 06/06/2016
Tiền mồi hay hạt giống?
Có thể gọi seed money là “tiền mồi” hoặc tiền “hạt giống” và trong một chừng mực nào đó mỗi cách gọi lại có ý nghĩa riêng. Tiền mồi làm cho người khác liên tưởng đến… việc dụ dỗ và nghe có phần hơi tiêu cực. Khi QĐT mới thành lập, chưa có nhiều người tin tưởng bỏ tiền vào nên phải có một lượng tiền nhất định để “làm tin”. Thường sau khi có tiền bên ngoài tham gia quỹ, seed money sẽ rút dần và có lẽ vì vậy nó được gọi là tiền mồi. Tuy nhiên, tiền hạt giống lại hàm ý tươi sáng hơn. Trong quy trình thành lập QĐT, seed money gần như là yếu tố bắt buộc phải có. Việc NĐT chưa có niềm tin vào một quỹ mới toanh cũng là bình thường, cho dù quỹ đó được quản lý bởi một đơn vị có uy tín đi nữa.
Seed money có thể tạo ra quy mô ảo, nghĩa là số tiền của quỹ nhìn thì có vẻ lớn, nhưng thực ra là tiền nội bộ và thực tế vốn bỏ vào không nhiều như vậy. Nhưng theo chia sẻ của một số người làm trong ngành QLQ, xét về hiệu quả cũng như mục tiêu kêu gọi được vốn, NĐT có thể yên tâm rằng dù tiền mồi hay tiền thật suất sinh lời cũng như nhau.
Trong trường hợp nếu có một số NĐT (có thể là thân quen) bỏ tiền vào, QĐT vẫn phải có seed money. Lý do rất đơn giản: Quỹ phải có độ lớn nhất định đủ để xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý. Chẳng hạn, với số tiền thấp hơn 50 tỷ đồng, QĐT sẽ khó lòng có được một danh mục cân đối, vừa đảm bảo khả năng sinh lời đồng thời cũng hạn chế rủi ro. Thực tế, 50 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 triệu USD) là số tiền quá nhỏ cho một quỹ. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH QLQ SSI (SSIAM), cho biết: “Trước khi đưa bất kỳ sản phẩm nào ra thị trường, chúng tôi phải bán được cho nội bộ. Người trong nhà sử dụng, tin tưởng khách hàng mới tin tưởng được. Việc bán sản phẩm nội bộ không nhằm mục tiêu “chạy doanh số”, mà hướng đến việc có thể nghiên cứu, phản biện để sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn nhằm tiếp cận với thị trường”.
Góc nhìn của ông Nguyễn Duy Hưng có sự tương đồng với mục tiêu của seed money, đó là giúp quỹ tạo lập được một thành tích (track record) nhất định, liên quan đến triết lý, khả năng đầu tư, hiệu quả sinh lời… sau đó mới tính đến chuyện gọi vốn bên ngoài. Thực tế, đây cũng là giai đoạn rất căng thẳng của quỹ vì seed money thường có quy mô không lớn, trong khi quỹ phải nỗ lực để gặt hái những kết quả ấn tượng, đồng thời phải tiếp cận với NĐT có khả năng bỏ tiền vào quỹ. Trong hoạt động của các công ty start up (khởi nghiệp) có thuật ngữ seed capital (vốn hạt giống), cũng tương tự seed money. Seed capital là tiền của những người sáng lập công ty, dự án bỏ vào để vận hành mô hình kinh doanh và sau một thời gian mới tính đến chuyện gọi vốn mạo hiểm.
Rủi ro cao, sức ép lớn
Điểm giống nhau giữa seed capital và seed money chính là yếu tố mạo hiểm, được ăn cả ngã về không. Bởi lẽ, nếu “tiền của mình” mà quản lý, sinh lời không tốt, làm sao có thể cầm tiền người khác đầu tư hiệu quả được. Như vậy, một QĐT với seed money sinh lời kém, ngoài việc những người bỏ tiền thiệt hại về mặt tài chính, đội ngũ quản lý cũng bị mất uy tín và khó có tương lai phát triển.
Hơn nửa thập niên trước, một CTQLQ vào loại có tiếng công bố thành lập QĐT với triết lý bắt kịp xu hướng của thị trường bằng những mô hình phân tích, đánh giá theo kiểu thời thượng của thế giới. Nghe hoành tráng như vậy, nhưng sau khi xuất hiện thành tích của quỹ này bèo bọt tới mức chẳng ai chú ý đến, còn tác giả của mô hình đầu tư thời thượng cũng mất dạng. Nhiều khả năng, tiền tham gia quỹ này mới chỉ dừng lại ở seed money chứ chưa có tiền đến từ đại chúng, dù vậy những người lập quỹ xem như cũng mất cả chì lẫn chài, vừa mất tiền vừa mất tiếng.
Rủi ro cao nhưng song hành cũng có thể là lợi nhuận lớn. Trong trường hợp quỹ vận hành bằng seed money cho thấy hiệu quả, việc thu hút được một số vốn bên ngoài ngay lập tức cũng có thể xuất hiện. Những người bỏ vốn (có thể là nhỏ) cũng xem như một khoản thử nghiệm của mình. Quỹ 50 tỷ đồng có thể thu hút được số vốn vài triệu đồng/người. Nếu hiệu quả sinh lời khả quan, số tiền này sẽ nhanh chóng tăng lên. Dù xét về tổng thể, số tiền này không phải lớn, tuy nhiên quỹ cũng đã có thành quả là có NĐT quan tâm và bỏ vốn. Nếu thị trường bước vào một sóng tăng thuận lợi, số lượng người tham gia sẽ tăng nhanh chóng và trong số này khả năng sẽ xuất hiện những NĐT có nguồn vốn mạnh.
Đến đây, dường như có sự tương đồng giữa seed money với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng thực tế không phải vậy. Xét về quy mô, vốn đầu tư mạo hiểm phần nhiều đến từ các tổ chức, quy mô lớn và mục tiêu giải ngân ít nhiều đã định hình (dù chỉ ở giai đoạn đầu). Trong khi đó, seed money lại có thể đến từ những cá nhân, cũng có tổ chức, nhưng lại liên quan chặt chẽ với những thành viên thành lập quỹ và được triển khai từ đầu. Nên đôi khi seed money có độ rủi ro cao hơn cả vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án start up.
Thoạt nhìn, giai đoạn quỹ gọi được vốn bên ngoài, seed money rút dần có thể quỹ sẽ dễ thở hơn đôi chút, nhưng thực tế lại không như vậy. Khi quy mô vốn tăng lên, quỹ cũng phải liên tục điều chỉnh để có những giải pháp như phân bổ danh mục thế nào, tìm CP nào để đầu tư. Nói cách khác, khi chỉ có seed money quỹ có thể nhìn ra rất nhiều CP đáng để đầu tư, nhưng lại thiếu tiền, đến khi có tiền việc tìm CP nào để giải ngân lại trở thành áp lực.
Theo Sài Gòn Đầu Tư