Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sáng nay đều đi xuống do tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư.
Chứng khoán cuối năm: Đầu tư thế nào?
- Cập nhật : 11/11/2015
(Chung khoan)
Thị trường tiếp tục tăng điểm nhờ sức kéo của nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là bộ tứ VNM-BVH-VCB-VIC. Trước diễn biến đảo chiều liên tục của thị trường, một số nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu băn khoăn nên ứng phó thế nào với dòng tiền ở những tháng cuối năm.
Theo một số nhà phân tích, tuần qua, cùng với sự cải thiện về thanh khoản, NĐT nước ngoài cũng giao dịch cải thiện hơn tuần trước, với giá trị mua ròng trên cả 2 sàn chứng khoán. Đồng thời, tỷ lệ tham gia của khối này trên thị trường cũng cải thiện hơn.
Theo đó, thị trường đang cho thấy các dấu hiệu cải thiện nhẹ về thanh khoản cũng như tâm lý khối ngoại. Đồng thời, sự tích cực vẫn được duy trì tại nhóm cổ phiếu tứ trụ và FPT sẽ là điểm nhấn chính trong giao dịch của thị trường trong tuần này.
Quả vậy, với nhiều yếu tố hỗ trợ, thị trường ghi nhận sự tăng trưởng tốt về điểm số, thanh khoản và giao dịch của NĐT nước ngoài kéo dài từ tháng 10 đến nay.
Đằng sau sự cải thiện đó có thể nhận thấy sự phân hóa rõ nét của dòng tiền, trong đó, giá cổ phiếu được hỗ trợ bởi chính "câu chuyện" riêng của từng doanh nghiệp/nhóm ngành.
Minh chứng rõ nét nhất là sự sôi nổi của dòng tiền ở các cổ phiếu ngành cảng biển, logistics và ô tô khi nhiều doanh nghiệp trong ngành này công bố kết quả kinh doanh quý III có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Tương tự, mức tăng giá tốt của VNM và cả FPT cũng có sự hỗ trợ của thông tin SCIC thoái vốn.
Cộng với các trụ cột như VIC, VCB và BVH, sự mạnh lên của các cổ phiếu này đã giúp VN-Index trụ vững lại trên mốc 600 điểm sau khi sự hứng khởi với kết quả đàm phán TPP hạ nhiệt.
Về vĩ mô, thời gian qua, có ít nhất bốn tổ chức công bố đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Đơn cử theo thống kê của ANZ-Roy Morgan, Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số niềm tin tiêu dùng; điểm số PMI do Markit tổng hợp đánh dấu sự mở rộng trở lại của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 10.
Về tổng thể, Việt Nam cũng tăng ba bậc so với năm 2014 trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới với sự cải thiện đáng kể ở hơn một nửa số chỉ tiêu đánh giá.
Trong khi đó, Tổ chức Đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nhận định TPP sẽ là động lực tăng trưởng lớn về dài hạn cho Việt Nam.
Có lẽ không phải trùng hợp khi các thông tin này được công bố ngay khi đàm phán TPP vừa khép lại. Cộng với các chỉ số P/E và P/B thấp, bức tranh vĩ mô sáng hơn đang làm tăng sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là khi xu hướng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi đảo chiều...
Điều này cho thấy tâm lý tích cực đang dần lấn át sự bi quan trên thị trường vốn quốc tế, đồng thời gợi ý khả năng khối ngoại sẽ duy trì trạng thái mua ròng trong tháng 11 này.
Tuy vậy, thị trường vẫn còn chứa đựng khá nhiều rủi ro, điều này chỉ có thể giảm hơn nếu thị trường giao dịch trong trạng thái xanh đỏ đan xen chứ không phải tăng mạnh liên tiếp nhiều phiên như vừa qua. Đồng thời, thanh khoản cũng phải được duy trì đều đặn hơn.
Trong khi đó, hiện tại, thị trường cũng đang diễn ra khá phức tạp và chưa theo một chu kỳ chuẩn nào mà giới phân tích đưa ra.
Với diễn biến khó đoán hiện tại, đầu tư ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục tận dụng đà tăng của nhóm trụ cột để thực hiện hoạt động chốt lời trong phiên xanh và mua ngắn hạn, thậm chí là giao dịch T+3, trong phiên giảm điểm.
Đồng thời, để đầu tư ổn định, giới phân tích khuyên nên xem xét điểm giao giữa việc chốt lời ngắn hạn và đầu tư dài hạn. Điều này dựa trên diễn biến kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2015 cũng sẽ là sự kiện lớn được theo dõi trong tháng này.
Theo lịch trình, từ 2 - 6/11, Quốc hội sẽ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 2015 và các chỉ tiêu kinh tế lớn của năm 2016 sẽ được biểu quyết vào cuối tháng.
Việc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo (2016 - 2020) có tính chất định hướng đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới.
Trong đó, vấn đề ngân sách, nợ công và cải cách kinh tế sẽ là những nội dung quan trọng được giới đầu tư chú ý.
NĐT có thể kỳ vọng việc thông qua những chỉ tiêu kinh tế lạc quan hơn trong năm 2016 cũng như cam kết hành động của Chính phủ sẽ có tác động tốt đến thị trường để lựa chọn hình thức đầu tư tốt nhất.
Tóm lại, việc khối ngoại trở lại mua ròng và sự cải thiện về tâm lý của nhà đầu tư trong nước cho NĐT có cái nhìn tích cực diễn biến của chỉ số trong tháng này.
Cùng lúc đó, những nhịp diều chỉnh của thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội sẽ là cơ hội để cổ phiếu được trao tay từ những người chốt lời ngắn hạn sang những nhà đầu tư dài hạn...