Xung đột Hàn-Triều: Thảm họa với toàn khu vực
(Tin kinh te)
Sau các cuộc đàm phán "maratông" suốt đêm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang đẩy hai miền Triều Tiên đến "miệng hố chiến tranh", cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã nhất trí được về việc tổ chức vòng đàm phán thứ hai.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Min Kyung-wook cho biết cuộc đàm phán cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom trong khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên đã bắt đầu từ 18h30 (16h30 giờ Hà Nội) ngày 22/8 và kéo dài tới 4h15 (2h15 giờ Hà Nội ) ngày 23/8.
Trong 10 tiếng đàm phán liên tục, hai bên đã thảo luận cách giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên cũng như việc phát triển mối quan hệ liên Triều. Sau khi xem xét lập trường của mỗi bên, hai bên nhất trí sẽ nối lại hội đàm vào chiều 23/8 nhằm thu hẹp các bất đồng.
Một binh sĩ Hàn Quốc đứng gác trên cây cầu Thống Nhất, dẫn đến khu phi quân sự, gần làng biên giới Panmunjom ngày 22/8. (Ảnh: AP)
Trước đó, giới phân tích từng dự đoán rằng hai miền Triều Tiên sẽ khó đạt được một sự thỏa hiệp vì không bên nào muốn "mất mặt".
Yang Moo-Jin, Giáo sư của trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, và Dan Pinkston - chuyên gia về Triều Tiên của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Seoul (Hàn Quốc) - đều có chung nhận định khi nói với hãng tin AFP: "Việc đạt được thỏa hiệp thực sự là một điều rất khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là họ (các quan chức cấp cao của hai miền) đã nhất trí tiếp tục gặp mặt và thương lượng. Họ không những thảo luận về cách để đưa hai miền thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, mà còn đề cập đến cách để phát triển mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Đây thực sự là một tín hiệu đáng khích lệ".
Trước khi diễn ra cuộc đàm phán vòng một, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng trước mọi cuộc tấn công. Ngày 20/8, lực lượng pháo binh Triều Tiên đã nã đạn vào các loa truyền thanh mà Seoul sử dụng để tuyên truyền chống Bình Nhưỡng.
Trên thực tế, Triều Tiên và Hàn Quốc đã ngừng cuộc tuyên truyền xuyên biên giới kể từ đầu những năm 2000 để cải thiện mối quan hệ liên Triều trong giai đoạn đảng Dân chủ nắm quyền ở Seoul. Khi phe bảo thủ trở lại Nhà Xanh năm 2008, quan hệ liên Triều đã xấu đi rõ rệt.
Thật ra mà nói, Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc Park Geun-hye đã nhiều lần nói về mong muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Vì vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, việc Seoul quyết định tiếp tục cuộc tuyên truyền chống Bình Nhưỡng có thể được coi là khó hiểu.
Ông Georgy Toloraya - người phụ trách chương trình Triều Tiên của Viện Kinh tế - đã liên kết động thái này với việc bà Park Geun-hye chuẩn bị đến thăm Trung Quốc và nói: “Hàn Quốc lại một lần nữa làm tổn thương Triều Tiên bằng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng và buộc Trung Quốc phải gây áp lực lên Triều Tiên. Phải nói rằng đây là một chiến thuật nguy hiểm bởi nó đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh".
Ông Vasily Kashin, chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga, cho rằng nếu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xảy ra một cuộc xung đột lớn thì đây sẽ là thảm họa đối với toàn bộ khu vực, đặc biệt là đối với khu vực Viễn Đông của Nga.
Triều Tiên không có lực lượng không quân, các đơn vị lục quân cũng không phải ở trong tình trạng tốt nhất, nhưng họ lại có một lượng lớn pháo binh ở phía Bắc khu phi quân sự và một số lượng lớn tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, Triều Tiên có lực lượng bộ binh lớn, được đào tạo hoạt động ở địa hình đồi núi, dựa vào mạng lưới công trình ngầm rộng lớn với các đường hầm, nơi trú ẩn và kho. Do đó, Triều Tiên có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào các mục tiêu dân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Rồi tiếp theo, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tấn công Triều Tiên. Mặc dù các nước đồng minh có thể ngay lập tức tiêu diệt được lực lượng không quân và hải quân của Triều Tiên, đồng thời gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng của Triều Tiên, song các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và cả thương vong khi phải di chuyển ở địa hình hiểm trở và vấp phải sự phản kháng của lực lượng bộ binh Triều Tiên vốn được đào tạo khá bài bản.
Vì vậy, không thể dự đoán được chiến dịch Mỹ-Hàn chống Triều Tiên sẽ kéo dài trong bao lâu nếu chiến dịch này diễn ra. Đồng thời, nguồn lương thực dự trữ của Triều Tiên bị hạn chế, điều đó có nghĩa là miền Bắc Trung Quốc và khu vực Primorye của Nga sẽ phải đối mặt với làn sóng tị nạn khổng lồ, nhiều người trong số họ có thể được trang bị vũ khí.
Kết quả là, chúng ta sẽ phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo bao trùm toàn bộ Bắc Đông Á và sẽ kéo dài trong nhiều năm. Và nếu trong quá trình diễn ra xung đột, vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học được sử dụng, thì hậu quả sẽ rất bi thảm.
Theo TTK/baotintuc.vn