Hàng loạt dự án khổng lồ đang triển khai ở Phú Quốc (Kiên Giang), đưa huyện đảo này trở thành nơi thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tổng vốn đăng ký hơn 168.000 tỉ đồng (khoảng 8 tỉ USD).
Phân lô đất “vàng” bên bờ sông Hàn
- Cập nhật : 04/11/2015
(Bat dong san)
Một góc Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) nằm trên đường 2-9 TP Đà Nẵng
Chính quyền TP Đà Nẵng vừa có công văn gửi Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích và thu hồi đất của Tổng công ty Sông Thu (khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) thuộc Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) theo hướng ủng hộ điều chỉnh từ đất “thương mại - dịch vụ” thành “đất ở đô thị”. Bù lại, ngân sách Đà Nẵng sẽ có thêm 600 tỉ đồng.
Đồng ý cho phân lô
Với chủ trương quy hoạch lại hai bên bờ sông Hàn theo hướng kéo dài bờ sông, biến các khu đất ven sông thành những quỹ đất công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của người dân, chính quyền TP Đà Nẵng đã di dời toàn bộ Nhà máy đóng tàu Sông Thu (bờ tây sông Hàn, thuộc P.Bình Hiên và P.Bình Thuận, Q.Hải Châu) ra khỏi nội thành.
Sau đó bố trí một khu đất rộng ở P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) để Tổng công ty Sông Thu lập cơ sở mới. Còn khu đất thu hồi được dự kiến làm khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên - Bình Thuận.
Tuy nhiên, theo công văn của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký gửi Bộ Quốc phòng mới đây, khu đất rộng gần 75.000m2 thu hồi từ Nhà máy đóng tàu Sông Thu được giao Tổng công ty 319 (đơn vị được Bộ Quốc phòng ủy quyền) điều chỉnh theo hướng chia nhỏ một số phân khu để khai thác.
Công văn còn thể hiện rõ quan điểm “về mục đích sử dụng đất sẽ được điều chỉnh từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị”.
Theo tài liệu mà Tuổi Trẻ có được, hiện khu đất nói trên đã được phân ra nhiều lô nhỏ, trong đó rõ nhất là vệt đất mặt tiền đường 2-9 (các phân khu B2-1 và B2-2) được phân thành 72 lô đất ở.
Xin hỗ trợ 600 tỉ đồng
Theo công văn mà ông Huỳnh Đức Thơ ký gửi Bộ Quốc phòng, phía Đà Nẵng đồng ý để Tổng công ty 319 phân lô một phần khu đất, ngược lại phía Bộ Quốc phòng hỗ trợ TP tối thiểu 600 tỉ đồng.
Bao gồm hoàn trả 100 tỉ đồng tiền mà TP chi ra tạm ứng đền bù cho Tổng công ty Sông Thu trong quá trình di dời nhà máy, hoàn trả 200 tỉ đồng ứng ra xây dựng hạ tầng và bờ kè hiện tại của khu đất (hạng mục này đang thi công dang dở).
300 tỉ đồng còn lại, theo UBND TP Đà Nẵng, là khoản tiền dự kiến thu được từ khai thác quỹ đất sau khi Nhà máy Sông Thu di dời.
Chiều 27-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết ngay sau khi nhận được công văn liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng liên quan “số phận” khu đất thu hồi từ Nhà máy đóng tàu Sông Thu, TP Đà Nẵng có lập công văn kiến nghị gửi Thủ tướng theo hướng đề nghị giao địa phương quản lý, khai thác nhưng kiến nghị này không được ghi nhận.
Cho nên Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị phía Bộ Quốc phòng hỗ trợ Đà Nẵng 600 tỉ đồng.
Ông Thơ cũng cho rằng các kiến trúc quy hoạch tại đây cơ bản được giữ nguyên. Theo đó, phía sát bờ sông Hàn sẽ là những khu nhà cao tầng.
“Phía Tổng công ty 319 chỉ phân lô vệt đất dọc đường 2-9. Chúng tôi có yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo hạ tầng đô thị, nhất là bãi đỗ xe cho các tòa nhà cao tầng. Về cơ bản không phá vỡ quy hoạch” - ông Thơ nói.
Lo vỡ quy hoạch ven sông
Theo kiến trúc sư Hoàng Quang Huy - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, việc thay đổi quy hoạch, biến vệt đất ven sông Hàn trước đây của Tổng công ty Sông Thu thành một khu đô thị gồm nhà ở và các tòa nhà cao ốc là hoàn toàn không nên.
“Dù vì lý do gì cũng không nên cho xây dựng công trình áp sát bờ sông Hàn như thế. Có thể nói đây là vệt đất cuối cùng ven sông Hàn, cần phải giữ lại để làm công trình công cộng phục vụ người dân” - kiến trúc sư Huy nói.
Ông Huy còn nhấn mạnh khi nghe việc điều chỉnh quy hoạch khu đất, giới kiến trúc sư Đà Nẵng rất tâm tư, TP hãy suy xét cẩn trọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng nói: “Nếu xây dựng chung cư cao tầng tại đây thì chắc chắn dân số ở đó sẽ tăng.
Bài toán đặt ra lúc đó là phải đảm bảo đủ hạ tầng và nhu cầu thiết yếu phục vụ dân cư như nhà trẻ, trường học... chứ không thể để các khu dân cư lân cận gánh chịu những hệ lụy này”.