tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khu đô thị Thủ Thiêm: Thà chậm chứ không để phá vỡ quy hoạch

  • Cập nhật : 24/09/2015

(Tin Kinh Te)

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được "đặc quyền" chỉ định nhà đầu tư ở một số dự án tại Thủ Thiêm nhằm thúc đẩy việc tái khởi động Khu đô thị này sau nhiều năm bị kìm hãm.

Không để phá vỡ quy hoạch Thủ Thiêm

Thời gian gần đây có những thông tin trái chiều về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có những hoài nghi về quy hoạch tổng thể, cũng như lo ngại về những dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được quy hoạch khá bài bản và gần như hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn một trung tâm đô thị hiện đại.

Nhận định về những điều kiện để phát triển Thủ Thiêm trong thời gian tới, GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, tiêu chí đầu tiên để phát triển Thủ Thiêm chính là vị trí vô cùng đắc địa, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, ngay sát trung tâm hiện hữu quận 1, quận 3.

"Ngay từ trước năm 1975, người ta đã mong muốn xây dựng Thủ Thiêm thành khu hành chính của Thủ đô chính quyền cũ. Bây giờ, với một đô thị đặc biệt 10 triệu dân, TP.HCM muốn xây dựng một trung tâm mới, khi mà quận 1, quận 3 không còn quỹ đất. Khi đó, TP.HCM sẽ là đô thị đa trung tâm, với Thủ Thiêm là trung tâm hạt nhân, các trung tâm vùng xung quanh gồm quận 1, quận 3, Phú Mỹ Hưng...", GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa cho biết.

Cũng theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa, triết lý để phát triển Thủ Thiêm là những cái gì tiện ích công cộng của một trung tâm đô thị 10 triệu dân còn thiếu ở quận 1, quận 3 sẽ được bố trí ở Thủ Thiêm.

"Tất nhiên, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm, không mắc phải sai lầm ở chỗ xây dựng khu trung tâm hành chính 'bát ngát bao la' nhưng xung quanh không có dân, tối bật điện sáng trưng nhưng vẫn là 'thành phố chết'. Vì vậy, khi lập quy hoạch Thủ Thiêm, chúng tôi đã đề xuất, đây vừa là khu chức năng mới, bổ sung những chức năng còn thiếu ở quận 1, quận 3 nhưng vẫn bố trí một lượng dân nhất định để tạo ra một khu đô thị sầm uất", ông nhấn mạnh.

"Hiện tại, quy hoạch của Thủ Thiêm được duyệt vẫn giữ đúng những ý tưởng đó", GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa khẳng định.

Lý giải về nguyên nhân Khu đô thị Thủ Thiêm chậm tiến độ đề ra, ông Hòa cho rằng, vấn đề nằm ở khâu đầu tư, người ta chỉ quan tâm đầu tư sinh lời. Do đó, đối với những dự án không sinh lời (phục vụ cộng đồng) rất khó để thu hút đầu tư. Ngoài ra, khi Thủ Thiêm bước vào giai đoạn nước rút lại đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, một số nhà đầu tư đã đăng ký nhưng dừng lại.

"Thủ Thiêm bị kìm hãm là vì thế. Nhiều người nghĩ Thủ Thiêm quy hoạch chức năng sai nhưng không phải. Chính vì quy hoạch chức năng đúng và kiên quyết giữ nguyên chức năng đó mà nó chưa phát triển. TP.HCM thà chấp nhận Thủ Thiêm bị hãm lại chứ không để phá vỡ quy hoạch", ông nói.

Phải vượt qua rào cản cơ chế

Hiện tại, phần lớn Thủ Thiêm vẫn là khu đất trống, chỉ bắt đầu kết nối với bờ Tây (trung tâm hiện hữu) thời gian gần đây. Cho đến nay mới chỉ có một đường hầm và một chiếc cầu nối Thủ Thiêm  với phần còn lại của thành phố.

Theo CBRE Việt Nam, Thủ Thiêm đang cố gắng xây dựng để trở thành một khu đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực, tuy nhiên, còn rất nhiều điều cần thực hiện nếu muốn đảm bảo thành công cho dự án này.

Khu do thi Thu Thiem: Tha cham chu khong de pha vo quy hoach
Thủ Thiêm đang là tâm điểm của những "đại dự án" tại TP.HCM

Đứng ở góc độ nhà tư vấn, CBRE đã chỉ ra, chủ đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một công ty thuộc sở hữu Nhà nước (Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm) nhưng không nắm toàn quyền quyết định về tầm nhìn, ngân sách cũng như nhân sự cho dự án này. Mọi quyết định đều phải được chính quyền TP.HCM phê duyệt và thường mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và giá đất còn cao. Trọng tâm phát triển tại Thủ Thiêm là bất động sản thương mại và văn phòng. Tuy nhiên, bên bờ Tây sông Sài Gòn (trung tâm hiện hữu) đã có sẵn nguồn cung thương mại dồi dào hiện hữu với quy mô khá tương đồng. Do đó, việc triển khai thêm các dự án tại Thủ Thiêm song song với bờ Tây sẽ càng khiến "hòn ngọc Thủ Thiêm" mất điểm trong mắt các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, để “Phố Đông của Sài Gòn” sớm bừng sáng đòi hỏi phải có những quyết sách mới triệt để hơn. Theo đó, Thủ Thiêm cần được xác định là dự án ưu tiên cấp quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ. Yếu tố sống còn cho việc phát triển dự án là cần có một quy trình đầu tư rõ ràng và đơn giản. Điều này sẽ giúp giải tỏa được nhiều quan ngại có thể cản trở quyết định đầu tư, giảm thiểu nguy cơ đầu cơ và ngăn giá đất không bị đẩy lên cao đến mức không thể chạm tới.

"Cũng nên giới hạn việc cấp phép đầu tư vào các dự án lớn tại khu vực bờ Tây của sông Sài Gòn, nếu không sẽ có nguy cơ làm loãng sức hút của Khu đô thị mới Thủ Thiêm", CBRE khuyến nghị.

Thủ Thiêm đang tái khởi động

Trong tháng 7/2015, dự án nhà ở đầu tiên đã được mở bán tại Thủ Thiêm bởi một chủ đầu tư trong nước là Đại Quang Minh, với mức giá 2.000 - 2.800USD/m2, đánh dấu một bước phát triển mới của Thủ Thiêm. Trong tương lai, Đại Quang Minh sẽ xây dựng một khu đô thị khác rộng 150ha, gồm 234 biệt thự, 395 nhà phố và 5.600 căn hộ hạng sang, một khách sạn 5 sao và một bệnh viện.

Bên cạnh dự án của Đại Quang Minh, một số dự án đầu tư quy mô khác gần đây cũng đã được nhà nước thông qua. Trong tháng 6/2015, liên doanh giữa Công ty CP Tiến Phước, Công ty TNHH Trần Thái và Công ty TNHH Denver Power (UK) - thành viên của quỹ đầu tư GAW Capital Partners - được phê duyệt giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD để phát triển Empire City Complex. Đây là một dự án phức hợp quy mô lớn gồm một tòa nhà cao 86 tầng, một khách sạn 5 sao, một trung tâm thương mại và một tòa nhà văn phòng.

Trước đó, trong năm 2014, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cùng hai đối tác Mitsubishi và Toshiba (Nhật Bản) được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 2 tỷ USD cho dự án Eco Smart City. Dự kiến, dự án bao gồm khu thương mại hạng sang, khách sạn, văn phòng và căn hộ bán trên khu đất rộng 10ha.

Theo Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục