Đã từng được bàn bạc, đề xuất cần phải có quỹ tín thác đầu tư BĐS (REITs) để là một giải pháp “cứu cánh” cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay REITs vẫn chỉ là một khái niệm, doanh nghiệp BĐS cũng chẳng quan tâm.
Những thương vụ mua – bán dự án bất động sản nghìn tỷ tại Đà Nẵng
- Cập nhật : 24/07/2016
Bất động sản gắn với du lịch giải trí đang trở thành thế mạnh của thị trường Đà Nẵng, khi dòng khách du lịch không ngừng tăng.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, khách quốc tế đến Đà Nẵng trong quý 2 vừa qua tăng 29,7%, đạt 795.646 lượt.
Báo cáo tình hình thị trường tháng 7/2016 của Savills Việt Nam, cho thấy thị trường Đà Nẵng diễn ra sôi động ở hầu hết các phân khúc, đặc biệt là căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự biển và khách sạn. Nguồn cung khách sạn 3-4 sao đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiềm năng thị trường bất động sản du lịch Đà Nẵng ngày càng phát triển, không chỉ vậy Đà Nẵng cũng đang có tốc độ phát triển không ngừng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7,1% cao hơn mức trung bình cả nước là 5,5%. Cơ sở hạ tầng đang cải thiện mạnh mẽ với hàng loạt công trình nghìn tỷ chào đón APEC 2017. Nói như một lãnh đạo cấp cao của Savills thì Đà Nẵng còn đang đón nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi mặt bằng giá BĐS còn “dễ chịu”, trong khi ở Hà Nội và Tp.HCM đang trở nên đắt đỏ.
Đây cũng chính là những lý do khiến nhiều “ông lớn” địa ốc tìm đến Đà Nẵng để đầu tư. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm, “cơn sốt” BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng đã biến một trong những dải đất ven biển đẹp nhất hành tinh thành “thiên đường” dự án resort.
Vào "cơn sốt" mới
Vì thế, mua bán, sáp nhập các dự án BĐS diễn ra rầm rộ tại Đà Nẵng hơn một năm qua. Những quỹ đầu tư BĐS lớn trên thế giới cũng đã nhắm tới các tài sản có giá trị tại đây. Thương vụ nghìn tỷ đáng chú ý nhất phải kể tới đó là dự án Hyatt Regency với quy mô 400 biệt thự, phòng khách sạn và căn hộ được Tập đoàn Indochina Land bán cho Gaw Capital.
Khu Resort này một mặt nằm trên đường Trường Sa (Ngũ Hành Sơn) và một mặt tiếp giáp với bãi biển, là một trong 4 dự án mà Indochia Land bán cho Gaw hồi năm ngoái. Giá trị của thương vụ 4 dự án này không được Indochina Land tiết lộ, nhưng theo thông cáo báo chí từ Gaw, các danh mục đầu tư được mua với giá 106 triệu USD.
Ngoài ra, Indochina Land còn sang nhượng lại sân golf đang khai thác là Montgomerie Links cùng 66 khu biệt thự cao cấp cho tập đoàn TBC với giá 25,5 triệu USD.
Một nhà đầu tư nước ngoài khác là VinaCapital, được xem là “vua” đất ven biển Đà Nẵng cũng đang thoái vốn và chuyển nhượng hàng loạt dự án. Đáng chú ý nhất là thương vụ “sang tay” sân golf 18 lỗ Danang Golf Club cho tập đoàn BRG với giá hơn 12 triệu USD;
Một dự án khác của VinaCapital nằm ngay bờ sông Hàn là Marina Complex có quy mô 17,6ha cũng đã được “sang tay” cho Quốc Cường Gia Lai hồi cuối tháng 2/2016. Nhiều dự án BĐS khác tại Đà Nẵng của quỹ đầu tư này cũng đã được bán cho chủ khác như World Trade Centre có tổng vốn đầu tư tại thời điểm công bố lên đến 325 triệu USD, quy mô 2ha…
Một thương vụ đình đám khác được nhắc đến là vụ mua lại khách sạn 5 sao mặt phố quy mô hơn 200 phòng tiêu chuẩn One Poera Danang được một đại gia mua lại từ Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa bán cho nhà đầu tư Success Dragon với giá 31,4 triệu USD. VinaIndochina cũng bán dự án cao ốc Indochina Riverside ở 74 đường Bạch Đằng cho nhà đầu tư Kajima.
Bên cạnh sự sôi động chuyển nhượng của các “ông lớn” nước ngoài, nhiều đại gia trong nước cũng không ở ngoài “sóng” M&A này. Đơn cử như thương vụ của Tổ hợp Ánh Dương tọa lạc tại khu đất có vị trí đắc địa bên bãi biển Mỹ Khê quy mô 2ha, cũng được sang tay từ HUD sang PPC AN Thịnh;
Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh sang tay cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai dự án Trung tâm thương mại tại đường 2 Tháng 9, với giá trị chuyển nhượng 419 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng dự án này cho đối tác khác sau khoảng 4 tháng mua lại.
Tập đoàn Alphanam tiếp quản dự án Golden Square của Công ty CP Địa ốc Đông Á; dự án Đà Nẵng Center đang làm thủ tục chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Co.op Mart…
Dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, do Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư có tổng vốn 300 triệu USD, bao gồm nhiều hạng mục như các khu nghỉ mát, sân golf 18 lỗ, khách sạn, căn hộ cao cấp, chung cư 33 tầng với quy mô 8.500 căn hộ, trường học quốc tế, câu lạc bộ biển, bến du thuyền, khu nhà phố, biệt thự, khu văn phòng 60 tầng…, cũng đã đổi chủ từ Daewon Cantavil sang một doanh nghiệp trong nước tại Đà Nẵng.
Theo lãnh đạo một công ty BĐS tại Đà Nẵng, thì việc đổi chủ ở các dự án thời gian qua đã khiến thị trường sôi động hơn, có tới 70% dự án sau khi mua bán, sát nhập đã khởi động và thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Còn báo cáo của Savills dự báo từ Q3/2016 trở đi, có tới 35 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Trong khi, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thống kê cho thấy, tính đến cuối 2015, trong tổng số các dự án, bất động sản du lịch Đà Nẵng ghi nhận có tới 25 dự án mới được đầu tư với số vốn 1.8 tỷ USD và ước tính chiếm tới 51.9% trên tổng số vốn đầu tư của cả địa bàn thành phố.
Gia Bảo
Theo Trí thức trẻ/CafeF