Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại Quảng Ninh thì dự án Green Diamond Hạ Long vừa thực hiện chống dịch vừa đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo khách hàng nhận nhà vào năm 2022.
Bứt phá ngoạn mục về quy hoạch đô thị
- Cập nhật : 03/09/2015
(Tin kinh te)
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trong lần làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng vào tháng 7-2015 đã khẳng định Đà Nẵng là đô thị thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch phát triển
Thành phố ven biển miền Trung này thực hiện có chất lượng và có tầm nhìn ở đồ án quy hoạch chung, triển khai có ý tưởng rành mạch về các phân khu chức năng quy hoạch chi tiết.
Thế hệ trẻ thành phố tìm hiểu về các đồ án quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Quy hoạch đi trước
Dấu ấn cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng trong những thập kỷ qua là quy hoạch đi trước một bước để đầu tư phát triển hạ tầng. Chủ trương xuyên suốt của chính quyền thành phố là xây dựng Đà Nẵng thành thành phố văn minh, hiện đại ở tầm khu vực và châu Á.
Theo đó, đô thị Đà Nẵng đã đạt hàng loạt các danh hiệu do các tổ chức quốc tế công nhận như thành phố phong cảnh, thành phố môi trường, thành phố thông minh…
Nhiều đồ án quy hoạch, công trình kiến trúc được các hội ngành nghề quốc tế công nhận và trao thưởng như quy hoạch bán đảo Sơn Trà, thiết kế kiến trúc cầu Rồng… Làm nên thành quả này là sự lao động bền bỉ của chính quyền và nhân thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, ngày 17-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Dựa trên những cơ sở mang tính định hướng của đồ án này, trong hơn 10 năm qua, đô thị Đà Nẵng liên tục phát triển với tốc độ cao.
Diện tích đất đô thị tăng hơn 2 lần, hạ tầng đô thị không ngừng được đầu tư, nâng cấp, diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện quy hoạch chung này có những vấn đề mới đặt ra. Một số dự án chưa được tiên liệu trong đồ án quy hoạch chung ở năm 2002 nhưng là nhu cầu thiết thực của xã hội.
Bên cạnh đó là sự phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các điểm dân cư nông thôn mới, khu du lịch, nghỉ dưỡng, thiết chế văn hóa, khu thể thao, vui chơi giải trí mới, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, một số đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng…
Việc quy hoạch chi tiết những dự án công trình giao thông đầu mối trở nên hiện hữu, đã và đang tổ chức triển khai và đầu tư xây dựng như nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hay di dời nhà ga đường sắt.
Đà Nẵng 10 năm sau
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Như vậy, việc triển khai đồ án quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng về trước tiến độ hơn 5 năm khẳng định những bước tiến mới cả về tính chất, tầm nhìn, quy mô và hướng phát triển không gian.
Theo đó, ngoài các tính chất là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, đầu mối giao thông và có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, Đà Nẵng còn được xác định là đô thị du lịch.
Theo Quyết định 2357/QĐ-TTg về quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng miền Trung - Tây Nguyên; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.
Đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh về phía tây, tập trung vào các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, các khu vực đô thị hóa, các điểm dân cư nông thôn, các trọng điểm du lịch vùng đồi núi với phương châm phát huy tối đa các lợi thế về tài nguyên, phong cảnh kết hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ quy hoạch chung mà Đà Nẵng đề xuất với Trung ương về các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển đô thị.
Mỗi năm, thành phố Đà Nẵng có những công trình xây dựng mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Mười năm sau, Đà Nẵng sẽ có gì để khẳng định là đô thị cấp quốc gia theo nội dung điều chỉnh quy hoạch chung. Đó là sân bay quốc tế Đà Nẵng có công suất đón 20 triệu lượt du khách mỗi năm; Đà Nẵng cũng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt quốc gia.
Về đường biển, Cảng Tiên Sa được nâng cấp mở rộng giai đoạn 2 và đầu tư phát triển Cảng Liên Chiểu. Về hạ tầng đô thị, sau khi hoàn thiện tuyến đường vành đai là các dự án giao thông xe buýt nhanh, tàu điện ngầm.
Hạ tầng đầu tư phát triển kinh tế là hình thành các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng theo hướng phát triển các trục công trình hạ tầng phục vụ du lịch đường sông, đường biển. Các phân khu chức năng trong đô thị được hoàn thiện với khu vực trung tâm hành chính, tài chính-ngân hàng, bưu chính-viễn thông, công nghệ thông tin…
Quy hoạch đô thị Đà Nẵng được triển khai đầu tư đồng bộ theo hướng phát triển một số khu chức năng về hướng tây bắc và đông nam (khu vực Liên Chiểu, Hòa Vang, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn) tránh tình trạng phân tán, lệch pha đầu tư phát triển. Đặc biệt, quy hoạch và triển khai quy hoạch ở Đà Nẵng xác định chọn giải pháp khai thác tốt nhất thế mạnh về giá trị thiên nhiên.