Mạo danh chủ đầu tư, vẽ dự án để bán là những chiêu lừa đảo đã có từ lâu. Tuy nhiên, trên thị trường BĐS hiện nay xuất hiện thêm hàng loạt những chiêu lừa đảo mới tinh vi hơn.
Tăng trưởng nóng dễ nếm “trái đắng”
- Cập nhật : 21/07/2016
Tăng trưởng nóng rất dễ song hành với rủi ro, bởi phân khúc căn hộ trung - cao cấp được giao dịch rất sôi động nhưng không phải do nhu cầu mà đầu tư là chính.
Niềm vui khó trọn vẹn
Năm 2009, khi Brazil giành quyền đăng cai Olympic 2016, toàn bộ gần 200 triệu người dân quốc gia này vui sướng, vì đây là cơ hội lớn nâng tầm thương hiệu quốc gia, tạo thêm nhiều việc làm. Thời điểm đó Brazil là một trong số những nền kinh tế mới nổi, nhu cầu về tiêu thụ và phát triển cơ sở hạ tầng lớn.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự đoán, sau Thế vận hội, người dân của thành phố Rio de Janeiro nói riêng và Brazil nói chung có thể sẽ lại lâm vào túng quẫn với việc tổ chức Olympic 2016 hoành tráng.
Ðể chuẩn bị cho sự kiện này, Brazil chi ra 10,2 tỷ USD để xây mới và sửa chữa 31 địa điểm thi đấu và hạ tầng cơ sở. Vì tài chính khó khăn và quản lý yếu kém mà tiến độ xây dựng các công trình rất chậm. Một năm trước khi khai mạc Olympic 2016, vào ngày 5/8/2016, mới chỉ có 10% khối lượng chuẩn bị của Rio de Janeiro được hoàn thành.
Nguyên nhân chính là do kinh tế Brazil đang xuống dốc thê thảm, tốc độ tăng trưởng chậm lại, giá dầu mỏ giảm xuống, tệ tham nhũng tăng lên. Ðồng real của Brazil hiện đã tăng 70% so với đồng đô-la chỉ sau có 12 tháng, tỷ lệ lạm phát luôn ở mức trên 10%. Ðã thế, hàng loạt bê bối ở hãng dầu mỏ nhà nước Petrobras - viên ngọc của nền kinh tế Brazil - được phanh phui hồi đầu năm 2015 đang làm rúng động toàn bộ nền kinh tế - chính trị đất nước Nam Mỹ này.
Giá BĐS ở Rio sau 1 năm đã giảm 12%, chưa kể lạm phát. Giá nhà hiện chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Các công ty thi nhau giảm giá nhà, miễn phí bảo trì trong nhiều năm, tặng chuyến du lịch đến Mỹ… nhưng dân chúng cũng không mặn mà. Dự án BĐS ở khu Ilha Pura với 31 tòa nhà cao tầng gồm 3.604 căn hộ sang trọng để phục vụ Olympic 2016 này đang có nguy cơ bị bỏ hoang, vì sau 1 năm chỉ bán được 230 căn. Tương lai của xứ sở Samba khá mù mịt sau Thế vận hội 2016.
Trông người phải ngẫm đến ta
Thị trường BĐS Hà Nội đang được ghi nhận ở lượng giao dịch cao kỷ lục. Trong số trên 9.000 căn hộ được mở bán mới, thì có tới 6.880 căn được giao dịch thành công. Một số sàn giao dịch BĐS lớn ước tính trong năm 2016 sẽ có khoảng gần 20 nghìn giao dịch thành công, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn cả số lượng giao dịch thành công của năm đỉnh điểm 2009 (khoảng 16 nghìn).
Nguyên nhân bùng nổ nguồn cung ở khu vực này là bởi có nhiều dự án lớn được triển khai và tung ra thị trường. Trong đó, điển hình là Park Hill của Vingroup, Hòa Bình Green City, New Horizon City, giai đoạn 2 của khu đô thị Gamuda City (Yên Sở, Hoàng Mai), The Artemis, Green Pearl, Hateco Hoàng Mai, Helios Tower…
Ước tính trong năm qua, có khoảng hơn 10 dự án mới được khởi động quanh khu Mỹ Đình, phía Tây dọc trục vành đai 3, với tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng (chưa kể những dự án mà Vingroup đang và sắp triển khai). Một số dự án lớn như Goldmark City, HD Mon City, Imperia Garden, Ecolife Capitol… cung cấp hàng chục nghìn căn hộ ra thị trường.
Gần đây, thị trường khu vực này bắt đầu “nổi sóng” với hàng loạt dự án công bố ra thị trường. Nổi bật là 2 dự án Vinhomes Gardenia (Mỹ Đình) và GoldSeason (Nguyễn Tuân) sẽ là tâm điểm thị trường thời điểm cuối năm. Trong đó, Vinhomes Gardenia là một dự án lớn có quy mô 17,6 ha nằm trên trục đường Hàm Nghi (Mỹ Đình 1), với trên 2.000 căn hộ chung cư, 172 căn nhà phố (shophouse), 154 căn hộ liền kề và 38 biệt thự… được đánh giá là khu đô thị “xanh” với nhiều diện tích không gian công viên, cây xanh, khu thể thao, vui chơi giải trí…
Nhiều dự án khác ở khu vực này đang rầm rộ thi công như loạt chung cư Ngoại Giao Đoàn, Goldmark City, Sun Square, HD Mon City, Central Point Trung Kính, Season Avenue… Cùng với đó là những dự án mà Vingroup đang có kế hoạch triển khai như Vinhomes Mễ Trì, Vinhomes Trần Duy Hưng, Vinhomes Nguyễn Trãi hứa hẹn đem lại sự sôi động cho khu phía Tây Hà Nội.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, đó là bởi dòng vốn đã được “bơm” mạnh cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, sau khi giá nhà đất giảm sâu vào những năm khủng hoảng, hiện đang có tín hiệu tăng trở lại trong xu thế thị trường phục hồi rõ nét. Do đó, tâm lý người mua đã ổn định trở lại và “xuống tiền” nhanh hơn.
Tuy nhiên, tăng trưởng nóng rất dễ song hành với rủi ro, bởi phân khúc căn hộ trung - cao cấp được giao dịch rất sôi động nhưng không phải do nhu cầu mà đầu tư là chính. Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Tăng trưởng bền vững chính là hướng đi đúng đắn mà các nhà hoạch định cần dẫn dắt thị trường trong thời điểm này. Và dẫu rằng đây là bài toán khó nhưng vẫn phải giải…
Hằng Lê
(Thời báo Ngân hàng)