Các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tăng giá nhất định tới lĩnh vực bất động sản (BĐS) nhưng sẽ không ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đang đầu tư vào thị trường, đặc biệt đối với phân khúc BĐS cao cấp.
Gặp khó với miễn thuế chuyển nhượng “căn nhà duy nhất”
- Cập nhật : 06/09/2015
(Bat dong san)
Nhiều trường hợp cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế phải làm thêm thủ tục chứng minh. Cơ quan thuế cho rằng làm thế để có căn cứ để xem xét miễn thuế.
Dù việc chuyển nhượng căn nhà duy nhất sẽ được miễn thuế theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân, nhưng nhiều trường hợp cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế phải làm thêm thủ tục chứng minh.
Cơ quan thuế cho rằng nếu người nộp thuế có giải trình rõ ràng, cơ quan thuế cũng có căn cứ để xem xét miễn thuế.
Bán nhà, phải xác nhận chữ ký?
Khi lên TP.HCM học đại học vào mười năm trước, anh T.T.A. được một người quen thân tại Q.1 (TP.HCM) cho nhập hộ khẩu. Cách đây vài năm, anh A. đứng tên mua một căn nhà tại Q.Bình Thạnh - căn nhà duy nhất - nhưng không chuyển hộ khẩu sang căn nhà này.
Do đó, khi chuyển nhượng căn nhà tại Q.Bình Thạnh, anh T.A. được cơ quan thuế yêu cầu phải chứng minh là mình không sở hữu nhà tại nơi đăng ký hộ khẩu mới đủ điều kiện để miễn thuế.
Theo đó, anh T.A. phải mượn giấy chủ quyền của căn nhà nơi anh có hộ khẩu rồi photo nộp cho cơ quan thuế. “Yêu cầu nghe tưởng như đơn giản nhưng thực hiện lại rất nan giải do gia đình cho tôi ghép hộ khẩu đã bán nhà từ lâu. Tôi cũng không quen biết chủ nhà sau này nên việc mượn giấy chủ quyền để photo là gần như không thể” - anh T.A. nói.
Dù đã trình bày hoàn cảnh và xin viết giấy cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu bị phát hiện có thêm nhà nào khác nhưng anh T.A. vẫn không được cơ quan thuế chấp nhận.
Tương tự, ông Nam (Q.Gò Vấp) cho biết khi chuyển nhượng căn nhà duy nhất, ông cũng bị cơ quan thuế yêu cầu phải xác nhận chữ ký tại UBND phường. “Luật quy định là người nộp thuế tự khai tự chịu trách nhiệm. Nếu sau này kiểm tra phát hiện người nộp thuế có nhiều hơn một căn nhà tại thời điểm chuyển nhượng thì phạt người nộp thuế chứ đâu quy trách nhiệm cho cơ quan thuế. Vậy sao cơ quan thuế lại làm khó người dân?” - ông Nam thắc mắc.
Anh T.A. cũng đặt câu hỏi: “Cơ quan thuế đã đầu tư hệ thống quản lý thuế điện tử, sao không thể kiểm tra trên hệ thống mà bắt dân đi xác nhận những chuyện không thể như vậy?”. Một cán bộ thuế thừa nhận đây là đòi hỏi rất khó với người nộp thuế nhưng bản thân ngành thuế cũng sợ trách nhiệm.
Theo vị này, nếu thấy cần thiết, lẽ ra cơ quan thuế có thể tự xác minh bằng cách gửi giấy yêu cầu UBND phường nơi người nộp thuế có hộ khẩu để hỏi xem căn nhà nơi người nộp thuế có hộ khẩu thuộc sở hữu của ai.
“Đẻ” thêm thủ tục do thiếu dữ liệu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh thừa nhận các hướng dẫn hiện tại đều không yêu cầu người nộp thuế có hộ khẩu tại địa chỉ khác với căn nhà duy nhất phải chứng minh mình không sở hữu nhiều hơn một căn nhà.
“Nhưng làm sao cơ quan thuế biết được đó là căn nhà duy nhất. Hiện hệ thống quản lý dữ liệu tập trung cho phép sưu tra nhưng còn giới hạn vì dữ liệu chưa đầy đủ” - vị này cho biết. Cũng theo vị này, có nhiều trường hợp cơ quan thuế cũng gặp khó do người nộp thuế không hợp tác.
Chẳng hạn có trường hợp một cá nhân có hộ khẩu tại Q.1 và hộ khẩu của vợ ở Q.3 nhưng kê khai bán căn nhà duy nhất tại Bình Thạnh. Tuy nhiên, ông này không đồng ý ghi vào cam kết rằng hai căn nhà kia thuộc sở hữu của người vợ, mà yêu cầu cơ quan thuế phải tự... tìm hiểu.
Cơ quan thuế phải linh động bằng cách làm sẵn biên bản trong đó ghi rằng hai giấy chứng nhận kia chỉ mang tên vợ, nếu sau này phát hiện có gian dối thì phải nộp bổ sung thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Tuy nhiên theo vị này, một khi người nộp thuế đã bán nhà thì khó mà tìm.
Về quy định xác nhận chữ ký, nhiều cơ quan thuế cho biết về nguyên tắc, người bán phải khai thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, từ trước đến nay người bán nhà thường ít đi khai thuế mà chủ yếu ủy quyền cho dịch vụ hoặc cho người mua.
“Nhiều trường hợp người ủy quyền đã ghi “tôi đồng ý nộp thuế thay người bán” nhưng khi thủ tục xong xuôi, người bán nhà khiếu nại đòi lại tiền thuế thu nhập cá nhân vì đó là căn nhà duy nhất, cơ quan thuế phải thoái trả. Do vậy cơ quan thuế yêu cầu đúng người nộp thuế ký trên tờ khai để sau này khỏi khiếu nại” - một cán bộ thuế cho biết.
Hộ khẩu không đồng nghĩa với quyền sở hữu
Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, việc cá nhân có căn nhà duy nhất không đồng nghĩa với việc cá nhân phải ở trong căn nhà đó.
Tương tự, việc cá nhân có hộ khẩu tại một căn nhà nào đó không đồng nghĩa với có quyền sở hữu căn nhà đó. Do vậy, đòi hỏi người nộp thuế phải chứng minh mình không sở hữu nhiều hơn một căn nhà là vô lý. Hơn nữa, theo quy định, người nộp thuế tự khai tự chịu trách nhiệm, nên việc bày thêm thủ tục chỉ gây khó khăn cho người nộp thuế.