tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tổng thống Nga Putin: Không nên đùa với lửa!

  • Cập nhật : 01/10/2015

(The gioi)

Đã có nhiều bài học trong lịch sử mà chúng ta từng chứng kiến, nhưng dường như một số người vẫn không học được từ đó và tiếp tục xuất khẩu các cuộc cách mạng gọi là “dân chủ” nhưng lại chỉ mang đến đói nghèo và bạo lực thay vì dân chủ thực sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài phát biểu hùng hồn trước Đại hội đồng LHQ (UNGA) hôm 28/9.

tong thong nga vladimir putin de cap thang than den hang loat van de thach thuc cua the gioi trong bai phat bieu truoc dai hoi dong lhq. (nguon: washingtonpost)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập thẳng thắn đến hàng loạt vấn đề thách thức của thế giới trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. (Nguồn: WashingtonPost)

“Các vị đã nhận ra mình gây nên điều gì chưa”?

“Những toan tính nhằm thúc đẩy sự thay đổi ở các quốc gia khác dựa trên địa chính trị đã dẫn đến những hậu quả thảm khốc và sự thụt lùi hơn là tiến bộ” – ông Putin nói trong bài phát biểu trước các lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của thế giới tại kỳ họp thứ 70 của UNGA.

“Tất cả chúng ta nên nhớ lại những gì mà lịch sử đã dạy. Chúng ta nên nhớ lại những ví dụ về Liên bang Xô viết trong lịch sử. Nhưng dường như một số người vẫn không học được gì từ những sai lầm của người khác, trong khi lại lặp lại sai lầm đó. Tôi không còn cách nào khác là phải hỏi những người đã gây nên tình trạng hiện nay rằng: Giờ thì các vị đã nhận ra rằng các vị đã gây ra điều gì chưa? Nhưng tôi e là sẽ không có câu trả lời, bởi các chính sách dựa trên sự kiêu ngạo và đức tin của một nhân vật đặc biệt và không bị trừng phạt thì chưa bao giờ bị ngăn chặn cả”  - ông Putin nói.

Ông Putin đã chỉ ra ví dụ về các cuộc cách mạng màu ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi người dân mong muốn cuộc sống của họ được thay đổi một cách tự nhiên chứ không phải thúc ép từ bên ngoài. “Tuy nhiên, thay vì mang đến cải cách và sự chiến thắng của nền dân chủ, chúng ta lại chỉ thấy bạo lực, nghèo đói và thảm họa xã hội, và trong khi đó nhân quyền, quyền được sống lại chả có chút trọng lượng nào cả” - ông Putin nói.

“Thay vì mang đến những cuộc cải cách, sự can thiệp hung hăng từ bên ngoài đã gây ra sự hủy diệt một cách trơ tráo Hiến pháp và đời sống của một quốc gia” – ông Putin nói và thêm rằng cái thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh mà trong đó một trung tâm quyền lực trỗi dậy trên toàn thế giới đã qua đi. Những kẻ từng đứng trên “đỉnh của kim tự tháp này” đã bị cám dỗ bởi ý nghĩ rằng “nếu họ quá kiệt xuất và mạnh mẽ như vậy, thì họ biết phải làm gì tốt hơn là những người khác”.

“Chính bởi ý nghĩ đó mà họ không thèm đoái hoài gì đến LHQ, thay vào đó tự động cho phép, tự hợp pháp hóa những quyết định của chính mình và điều đó thường gây nên nhiều trở ngại, hay nói cách khác là gây cản trở” – ông Putin nói.

Nước Nga tin rằng những hành động cố tình làm xói mòn quyền lực và tính hợp pháp của LHQ đều “cực kỳ nguy hiểm” và có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống mối quan hệ quốc tế - ông Putin nhấn mạnh. Phát biểu trước các lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của thế giới, Tổng thống Nga kêu gọi sự đoàn kết để hướng tới sự phát triển bền vững của LHQ.

“Hãy ngừng chơi đùa với những kẻ khủng bố”

Theo Tổng thống Putin, khoảng trống quyền lực ở Trung Đông và nhiều khu vực khác ở Bắc Phi đã dẫn tới sự trỗi dậy của vô số các khu vực hỗn loạn, và sau đó những vùng này tràn ngập những kẻ cực đoan và khủng bố. Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), hiện đang hoành hành ở Iraq và Syria, giờ đang tìm cách thống trị toàn thế giới Hồi giáo.

“Những kẻ có vai vế trong IS gồm nhiều cựu quan chức từng phục vụ cho chính quyền Iraq đã bị lật đổ trong cuộc tấn công nước này hồi năm 2003. Rất nhiều tân binh của chúng cũng đến từ Libya – một quốc gia mà tư cách nhà nước của họ đã bị hủy diệt chỉ vì sự vi phạm Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ. Một số kẻ cực đoan cũng tìm đến IS sau khi đào tẩu khỏi phe đối lập “ôn hòa” – vốn nhận được sự hậu thuẫn từ một số chính phủ phương Tây – ở Syria” – ông Putin nói.

“Đầu tiên, những kẻ này được vũ trang và huấn luyện, và rồi chúng đào tẩu để gia nhập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, Nhà nước Hồi giáo không phải tự nhiên mà xuất hiện. Ban đầu, chúng được tạo nên như một thứ công cụ để chống lại các chế độ lâu đời có thể gây phiền phức” – ông Putin lý giải và cho rằng vẫn còn tồn tại sự “vô trách nhiệm và đạo đức giả” khi một số người cố tình nhắm mắt cho qua, không đả động đến vô số kênh tài chính mà những kẻ khủng bố được rót tiền qua đó, trong khi hàng ngày vẫn ra rả tuyên truyền về mối đe dọa của chúng đối với cả thế giới.

“Chúng tôi tin rằng bất kỳ hành động chơi đùa với khủng bố, huống chi là vũ trang cho chúng, không chỉ thể hiện sự thiển cận mà còn là hành động “đùa với lửa”. Điều này chỉ khiến mối đe dọa khủng bố toàn cầu tăng lên khủng khiếp và bao trùm nhiều khu vực mới của thế giới” – ông Putin nói.

Ai cũng biết rằng IS đào tạo các tay súng của chúng ở nhiều quốc gia, trong đó có châu Âu, và Nga cũng không phải một ngoại lệ - ông nói. Tổng thống Putin cũng thúc giục các nước phối hợp với lực lượng chính phủ Syria trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố ngay trên mặt đất.

“Chúng tôi cho rằng sẽ là một sai lầm to lớn nếu như từ chối hợp tác với Chính phủ Syria và lực lượng vũ trang cua họ, những người gan dạ đang hàng ngày phải chiến đấu mặt đối mặt với chủ nghĩa khủng bố” – ông Putin nói – “Cuối cùng, chúng ta nên nhận thức rõ rằng không ai ngoài lực lượng người Kurd và lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad mới là những người đang thực sự chống lại Nhà nước Hồi giáo và nhiều tổ chức khủng bố khác ở Syria”.

Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng đất nước ông vẫn đang tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật-quân sự cho Iraq, Syria và một số quốc gia khác đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Ông Putin cũng đề xuất các nước tham gia vào các nỗ lực này và thành lập một liên minh quốc tế rộng lớn để chống lại chủ nghĩa khủng bố; đồng thời yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận về một nghị quyết trong đó kêu gọi phối hợp các lực lượng chống phiến quân IS và các tổ chức khủng bố khác, dựa trên nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

Giải pháp cuối cùng cho khủng hoảng di cư là phục hồi Trung Đông

Để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang khiến nhiều lãnh đạo châu Âu phải đau đầu tháo gỡ, không có biện pháp nào khác ngoài việc phải vạch ra một chiến lược bình ổn kinh tế-chính trị toàn diện ở các nước đang chịu ảnh hưởng từ nó -Tổng thống Putin tuyên bố.

“Dòng người di cư bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của họ đang tràn ngập các quốc gia lân cận và sau đó là châu Âu, theo đúng nghĩa đen” – ông Putin nói, mô tả tình trạng này là “cuộc di cư đau đớn của người dân”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng giải pháp căn bản cho cuộc khủng hoảng di cư này là phải phục hồi cương vị một nhà nước ở chính nơi nó từng bị hủy hoại, củng cố các thể chế của chính phủ ở những vị trí mà nó yếu kém và hỗ trợ cho các quốc gia sở tại nơi mà những người di cư từng cố gắng chạy khỏi.

Toàn vẹn lãnh thổ Ukraine không thể được đảm bảo bằng vũ trang

Những suy nghĩ mang đậm chất Chiến tranh Lạnh và tham vọng khám phá những khu vực địa chính trị mới vẫn hiện hữu đâu đó trong cộng đồng quốc tế - ông Putin nói.

“Đầu tiên, họ tiếp tục các chính sách của mình trong việc mở rộng NATO” – ông Putin nói – “Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, họ mời chào các quốc gia hậu Xô viết một sự lựa chọn sai lầm – hoặc là theo phương Tây hoặc là theo phương Đông. Sớm hay muộn thì lối suy nghĩ đối đầu kiêu này cũng sẽ làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng. Đây chính xác là điều đã xảy ra với Ukraine, khi mà sự bất đồng giữa cộng đồng với chính quyền hiện tại bị lợi dụng, và một cuộc đảo chính được sắp đắt sẵn từ bên ngoài cuối cùng đã làm bùng nổ một cuộc nội chiến”.

Tổng thống Putin một lần nữa kêu gọi thực thi đầy đủ Thỏa thuận hòa bình Minsk mà nhóm Bộ tứ Normandy khởi xướng hồi tháng Hai năm nay. Ông nói rằng thỏa thuận này sẽ đảm bảo sự phát triển của Ukraine “như một đất nước văn minh”.

“Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không thể được đảm bảo bằng những lời đe dọa hay sức mạnh vũ trang. Điều mà chúng ta cần là phải đưa ra những quyết định dựa trên lợi ích và quyền lợi của người dân ở khu vực Donbass và tôn trọng lựa chọn của họ”.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục