Kinh tế Anh chững lại, đầu tư giảm. Các doanh nghiệp lớn cho biết họ buộc phải rời đi và mang theo hàng nghìn việc làm.
Mục đích của Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Trung Quốc là gì?
- Cập nhật : 11/06/2018
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một tuyên bố chung lên án Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và đơn phương triển khai các hệ thống tên lửa phòng không ở châu Âu và châu Á với lý do "mối đe dọa tên lửa".
Theo Ria Novosti, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, các nhà lãnh đạo hai nước đã đồng ý đưa hợp tác của hai nước lên một "cấp độ mới".
Lên án Hoa Kỳ
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố về tầm quan trọng của việc duy trì kế hoạch hành động chung toàn diện về Chương trình hạt nhân Iran (VCPR) sau vụ "Mỹ đơn phương rút lui đáng thất vọng".
Tuyên bố nhấn mạnh "tầm quan trọng cơ bản của việc bảo vệ lợi ích hợp tác thương mại và kinh tế của tất cả các quốc gia với Iran khỏi các biện pháp trừng phạt đơn phương".
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng chỉ ra rằng một số quốc gia đơn phương triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở châu Âu và châu Á, làm tổn hại đến an ninh của Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các bên đã tỏ thái độ ủng hộ việc bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria và cuộc chiến chống khủng bố không sử dụng “tiêu chuẩn kép”. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục phối hợp nỗ lực để giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.
Chuyến thăm Trung Quốc
Tổng thống Putin đã đến Bắc Kinh vào buổi sáng ngày 8/6. Ngoài các tuyên bố chung, hai bên đã ký thỏa thuận về vận tải đường bộ quốc tế và bản ghi nhớ về tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư. Ngoài ra, đã đạt được các thỏa thuận trong lĩnh vực thăm dò không gian, năng lượng hạt nhân và khoa học.
Ngày 8/6, phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, hợp tác song phương đang ở mức cao chưa từng có.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Hợp tác với Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga và hợp tác song phương đã lên cấp độ chưa từng có”.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, hai nước “luôn coi sự phát triển quan hệ song phương là một hướng đi ưu tiên”. Ông nêu rõ, hai nước luôn “ủng hộ hết mình lợi ích cốt lõi của nhau... và cùng tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế và quản trị toàn cầu”.
Tổng thống Putin đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã đi tàu cao tốc đến dự một trận đấu giao hữu giữa hai đội trẻ môn khúc côn cầu trên băng của Nga và Trung Quốc tại thành phố Thiên Tân. Sau đó, Tổng thống Nga sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thanh Đảo.
Quan hệ Nga - Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những đối tác chính của Nga trên trường quốc tế. Có sự trùng hợp hoặc gần gũi trong phương pháp tiếp cận của hai nước đối với những vấn đề chính, bao gồm tình hình ở Ukraine, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông và Bắc Phi. Nga ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng khối lượng thương mại song phương trong 5 tháng đầu năm đạt 40,67 tỷ USD. Nga là nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ quân sự lớn cho Trung Quốc.
Đánh giá về mối quan hệ Nga - Trung, các chuyên gia cho rằng, mối quan hệ này đã chặt chẽ hơn từ sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình. Các nhà bình luận đã đặt ra câu hỏi liệu Nga và Trung Quốc có đi đến thống nhất về thách thức thống trị của phương Tây trong tình hình chính trị quốc tế hiện nay hay không, cũng như triển vọng và khả năng hình thành liên minh Trung - Nga đầy đủ và chính thức trong tương lai không xa.
Hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như năng lượng và vũ khíđang thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc và gây nên sự mất đối xứng trong mối quan hệ giữa hai nước này. Tuy nhiên, hiện Nga và Trung Quốc vẫn có quan điểm khác nhau trong một số vấn đề cơ bản về chính trị quốc tế. Mặc dù cả hai nước đều phủ nhận ưu thế của Mỹ và phản ứng tiêu cực với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, nhưng mức độ quan hệ chính trị và kinh tế của hai nước với Washington lại không giống nhau.
Trung Quốc và Nga có ảnh hưởng ngang nhau tại khu vực Trung Á. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây (trừ Uzbekistan) và là nhà đầu tư lớn nhất khu vực, còn Nga là thế lực quân sự và có ảnh hưởng chính trị tại Trung Á.
Theo Bobo Lo, chuyên gia Australia chuyên nghiên cứu về quan hệ Nga- Trung, cho rằng mối quan hệ Nga-Trung không bền vững, bởi sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình nhằm kết nối Trung Quốc với các nước Trung Á và các nước khác thông qua các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng sẽ đem lại ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại khu vực này. Và điều đó chắc chắn sẽ không khiến Nga hài lòng chút nào.
Trí Đức (lược dịch)
Theo Infonet.vn