Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP được hoàn tất là một chiến thắng lớn.
Thủ tướng Hy Lạp và 'canh bạc' mạo hiểm
- Cập nhật : 24/09/2015
(Tin Kinh Te)
Có thể nói quyết định mạo hiểm bất ngờ tuyên bố từ chức của ông Tsipras, buộc Hy Lạp phải tổ chức bầu cử sớm trong bối cảnh lực lượng cực tả trong đảng Syriza công khai thể hiện sự phản đối, đã được đền đáp. "Canh bạc của ông Alexis Tsipras" đã thành công bước đầu, đó là nhận định chung của nhiều nhà phân tích về tình hình ở Athens những ngày qua.
Trở lại “ghế nóng”
Ông Alexis Tsipras ngày 21/9 đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi đảng cánh tả Syriza, do ông lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại nước này. Trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 20/9 tại Hy Lạp, đảng cánh tả Syriza của ông Tsipras đã giành chiến thắng sít sao với 35,54% phiếu bầu so với 28,07% mà đảng đối lập Dân chủ Mới bảo thủ giành được.
Đây là cuộc bỏ phiếu thứ 5 trong 6 năm qua và là thứ 3 trong 9 tháng qua ở Hy Lạp sau khi ông Tsipras đã từ chức hồi tháng 8, vì những chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng Syriza liên quan đến gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp, đổi lại Hy Lạp phải tiếp tục các chính sách khắc khổ và tư hữu hóa nhiều tài sản nhà nước.
Việc từ chức và tiến hành bầu cử sớm được cho là cách để củng cố lại đảng cầm quyền Syriza, gạt bỏ các thành viên chống đối ra khỏi đảng, đồng thời tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở các đảng nhỏ.
Ngay sau khi kết quả được công bố, ông Tsipras đã xác nhận thông tin đảng Syriza sẽ một lần nữa liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Liên minh Syriza - ANEL sẽ chiếm khoảng 155 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp, một con số tuy mong manh nhưng vừa đủ để giúp ông Tsipras thực hiện các kế hoạch cải cách của mình. Trong phát biểu đầu tiên sau khi trở lại cương vị Thủ tướng, ông Tsipras đã đề cập tới cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Thủ tướng Tsipras cho rằng tất cả các quốc gia châu Âu đều phải có trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ Liên minh châu Âu (EU) đối với những nước đang phải tiếp nhận dòng người di cư ồ ạt.
Theo ông Tsipras, EU đã không có các biện pháp để bảo vệ những nước tiếp nhận như Hy Lạp trước làn sóng người di cư đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong năm nay, đã có hàng chục nghìn người di cư tìm cách vào EU qua đường Hy Lạp, quốc gia “tuyến đầu” cực Đông của EU với đường bờ biển dài khoảng 16.000 km.
Nhiều thách thức phía trước
Không ít người cho rằng con đường vòng mà ông Tsipras đã chọn là ký thỏa thuận "thắt lưng buộc bụng" ngặt nghèo với các chủ nợ chỉ vài ngày sau khi kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý (với kết quả phần lớn phản đối chính sách khắc khổ) có thể sẽ khiến ông phải trả giá.
Tuy nhiên, người dân Hy Lạp dường như vẫn tin tưởng nhà lãnh đạo trẻ tuổi này hơn các chính đảng truyền thống từng đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay. Rõ ràng, ngay cả khi nhà lãnh đạo này “bội ước”, nhiều cử tri vẫn tin rằng những điều ông làm là vì lợi ích của người dân, việc mà họ không tìm thấy ở những nhà lãnh đạo tiền nhiệm được cho là tham nhũng và tư lợi cá nhân.
Với thắng lợi vừa giành được, ông Tsipras sẽ trở lại ghế thủ tướng với một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận mà ông đã ký với các chủ nợ.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan khi Hy Lạp phải thực hiện những cải cách khắt khe, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Lương hưu bị cắt giảm, thuế dịch vụ, thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên, kèm theo đó là thêm nhiều người sẽ mất việc làm.
Ông Tsipras sẽ vừa tiến hành những cải cách cấp thiết vừa để cứu nguy cho nền kinh tế đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong tình cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng bất mãn thêm, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao. Hy Lạp càng bất ổn, EU càng lo ngại.
Trước đó, các nhà phân tích chính trị Hy Lạp cho rằng đảng nào của Hy Lạp thắng cử cũng sẽ phải thành lập một liên minh để lãnh đạo đất nước và phải tuân thủ các điều khoản đã ký kết với các chủ nợ liên quan đến các khoản vay và tìm cách để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng đình đốn hiện thời.
Kể từ năm 2010, các Chính phủ Hy Lạp đã không đủ khả năng trong việc "hãm phanh" con thuyền kinh tế đang điêu đứng vì khủng hoảng kéo dài, với tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, số nợ nước ngoài tăng chóng mặt và bất ổn xã hội gia tăng.
Với khoản giải ngân đầu tiên vừa có được hồi tháng trước, Hy Lạp đã kịp trả được khoản nợ đến hạn 3,5 tỷ euro cho NH Trung ương châu Âu (ECB) và tái cấp vốn cho các NH trong nước đang cạn kiệt tiền mặt. Dù thừa nhận gói cứu trợ mới không phải là "liều thuốc thần kỳ", nhưng theo nhà lãnh đạo 41 tuổi Tsipras, điều đó sẽ giúp Hy Lạp giảm được nợ công, đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa, cải thiện mối quan hệ lao động và đặc biệt giải quyết những khoản nợ đọng của các NH.
Vào tháng 10 tới, các chủ nợ sẽ có cuộc đánh giá đầu tiên về những bước đi của Hy Lạp theo thỏa thuận mới đổi cứu trợ lấy cải cách. Sau đó, chính phủ mới sẽ nhận thêm khoản giải ngân 3 tỷ euro.
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt từ hồi tháng 6 vừa qua, khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi các NH, đồng thời phải hoàn tất các thủ tục về tái cấp vốn cho các NH.
Ngoài ra, chính phủ mới cũng sẽ phải đối phó với mối lo ngại mới từ dòng người di cư đang tràn vào Hy Lạp. Ở biên giới phía Đông của EU, Hy Lạp là cửa ngõ chính cho hàng trăm nghìn người di cư tiến vào EU. Khủng hoảng kinh tế và gánh nặng của dòng người di cư đổ vào nước này chắc chắn sẽ gây ra những sức ép rất lớn đối với ông Tsipras.
Sau cuộc bầu cử ngày 20/9, người dân Hy Lạp dường như đã kiệt sức bởi đây là cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng một năm qua và là cuộc bầu cử thứ 5 kể từ năm 2010, khi “căn bệnh” nợ công bắt đầu phát tác.
Ông Tsipras từng nhấn mạnh cuộc bầu cử lần này là cơ hội để truyền tải một “thông điệp quan trọng” đến châu Âu rằng người dân Hy Lạp phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chống lại sự thao túng của những nước giàu có.
KD tổng hợp
Theo Thời báo ngân hàng