Thành công kinh tế là điều không cần bàn cãi ở Singapore, nhưng đảo quốc này vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa, học hỏi để xứng tầm văn hóa văn minh.
Tân Thủ tướng Australia: Trước những thách thức mới
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Chính trường Australia biến chuyển bất ngờ với việc ông Tony Abbott rời khỏi vị trí lãnh đạo chính phủ “xứ sở Chuột túi”, điều đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận những ngày qua.
Trong cuộc bỏ phiếu kín bất ngờ vào tối 14/9, các nghị sỹ đảng Tự do trong liên minh cầm quyền đã bầu ông Malcolm Turnbull đảm nhận vị trí lãnh đạo mới của đảng này, thay thế ông Tony Abbott và qua đó trở thành Thủ tướng thứ 29 của Australia.
Kỳ vọng và thách thức
Theo kết quả cuộc bỏ phiếu, tỷ phú Malcolm Turnbull giành được 54 phiếu trong khi ông Abbott chỉ được 44 phiếu bầu. Trước đó, ông Turnbull đã thông báo từ chức Bộ trưởng Truyền thông và yêu cầu nhà lãnh đạo Abbott xúc tiến một cuộc họp đảng để bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo mới. Ông Turnbull cho rằng vai trò lãnh đạo của ông Abbott trong đảng Tự do đã suy yếu do những quan ngại về năng lực điều hành của chính phủ liên minh.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức trở thành Thủ tướng mới thứ tư trong 5 năm qua ở nước này, tân Thủ tướng Turnbull cho biết ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là tập trung thúc đẩy kinh tế với cam kết "thổi luồng gió mới" vào nền kinh tế Australia đang có dấu hiệu giảm sút, giữ vững quan điểm của Australia trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không kêu gọi bầu cử trước thời hạn nhằm tận dụng lợi thế hay để củng cố quyền lực, khi tuyên bố Quốc hội hiện hành sẽ hoạt động hết nhiệm kỳ (tức là tới cuộc tổng tuyển cử theo dự kiến vào tháng 9/2016).
Theo Todd Winther, nghiên cứu sinh Khoa học chính trị, Đại học Griffith, chỉ với cuộc bỏ phiếu đưa ông Turnbull trở thành lãnh đạo, đảng Tự do chưa thực sự giải quyết các vấn đề quan trọng nhất mà đảng này đang phải đối mặt.
Ngoài ra, ông Turnbull cũng phải xử lý những thách thức mà các nhà lãnh đạo lớn trong thập kỷ này đều gặp phải. Vai trò lãnh đạo của ông có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng giữ được sự đồng thuận trong đảng Tự do và Liên đảng cầm quyền, đồng thời kiềm chế được những đối thủ ngay trong nội bộ của phe mình, và chưa rõ ông Turnbull có thể vững vàng trước những người đã đánh bại mình trong năm 2009 hay không. Trong thời gian tới, vị trí lãnh đạo của cả Liên đảng cầm quyền và Công đảng đối lập đều tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Giáo sư Khoa Chính trị học trường Đại học Adelaide, Carol Johnson nhận định, ông Malcolm Turnbull là một doanh nhân và luật sư rất thành công trong sự nghiệp. Ông Turnbull có cách tiếp cận cử tri hoàn toàn khác so với ông Tony Abbott.
Trong lúc ông Abbott, giống như cựu Thủ tướng John Howard, cố gắng thu hút sự ủng hộ của các thành phần theo chủ nghĩa bảo thủ xã hội thuộc Công đảng, thì ông Turnbull sẽ cố gắng để thu hút cử tri Công đảng là những người có quan điểm xã hội tương đối tiến bộ và đánh giá ông là nhà quản lý kinh tế tốt hơn.
Hướng nhiều tới châu Á
Ông Turnbull khá thành công trên cương vị Bộ trưởng Truyền thông. Tuy nhiên, tốc độ đường truyền Internet của Australia vẫn còn chậm so với tiêu chuẩn quốc tế. Tân Thủ tướng Turnbull không chỉ thành công về công nghệ và biến đổi khí hậu, mà còn thể hiện là người nhạy bén với “thế kỷ châu Á” hơn ông Abbott.
Ông Turnbull đã có một số báo cáo quan trọng về những thách thức mà các nền kinh tế nổi bật ở châu Á đang gặp phải. Vị tân Thủ tướng Australia cũng nhận thức được rằng kỷ nguyên phương Tây đã hết thời.
Mặc dù có tầm nhìn xa hơn ông Abbott về tác động của sự thay đổi địa chính trị và địa kinh tế, ông Turnbull vẫn có xu hướng là người theo chủ nghĩa tự do: Ủng hộ mạnh tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, vì thế ông phê phán những nghi ngờ của Công đảng về Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức của Cục Thống kê Australia (ABS), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 8/2015 giảm từ 6,3% xuống 6,2%, nhờ số việc làm mới tăng nhiều hơn dự kiến. Trong bối cảnh “xứ sở Chuột túi” chuyển đổi mô hình phát triển, nền kinh tế Australia đã tăng trưởng thấp nhất trong hai năm qua.
Trong bài viết đăng trên chuyên mục ý kiến bình luận của hãng tin ABC ngày 16/9, nhà báo Hamish McDonald, cộng tác viên của Khoa châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng chính sách đối ngoại của ông Turnbull sẽ có nhiều sắc thái hơn người tiền nhiệm Tony Abbott. Theo đó, ông MalcolmTurnbull sẽ ít tập trung vào Trung Đông mà sẽ chú ý nhiều hơn tới châu Á.
Ông Malcolm Turnbull là người có tầm nhìn về kinh tế, luôn hối thúc người dân Australia thích ứng với những thách thức toàn cầu chứ không né tránh chúng. Trong cuộc họp của Hội đồng Doanh nghiệp Australia - Trung Quốc hồi tháng Tám vừa qua, ông nói: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn thú vị nhất, sáng tạo, đột phá nhất của lịch sử nhân loại. Trung Quốc là một phần đáng kể, nếu không muốn nói là lớn nhất trong giai đoạn này... Việc giới lãnh đạo Trung Quốc tập trung vào chất lượng của nền kinh tế là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Australia”.
Bên cạnh đó, khác với ông Tony Abbott, ông Malcolm Turnbull nhấn mạnh tới các khía cạnh phi quân sự trong chính sách xoay trục hay tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đang được Mỹ, Nhật Bản, Australia và chín quốc gia khác đàm phán.
Những người ủng hộ hy vọng ông Turnbull sẽ vượt qua những hạn chế của mình và trông đợi những cam kết của Thủ tướng Turnbull về "những thách thức và cơ hội" sẽ thành công hơn những khẩu hiệu của người tiền nhiệm Abbott.
Theo QC
Thời báo Ngân hàng