"Với tư cách là con của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra", bà Aung San Suu Kyi nói về quyết định tham gia vào chính trị, sự nghiệp đã khiến bà phải xa cách gia đình trong rất nhiều năm.
Những nhân vật đáng chú ý trong bầu cử ở Myanmar
- Cập nhật : 09/11/2015
(The gioi)
Cuộc bầu cử dân chủ ở Myanmar vẫn còn không ít ẩn số. Xin điểm qua vài gương mặt và đảng phái có ý nghĩa quyết định đến kết quả bầu cử.
Thein Sein – tổng thống Cộng hòa liên bang Myanmar
Ở tuổi 70, ông Thein Sein từng lên đến hàm đại tướng sau 40 năm phục vụ trong quân ngũ. Ông được chỉ định làm tổng thống sau kỳ bầu cử năm 2010.
Trước đó ông từng giữ chức bí thư thứ nhất của Hội đồng quốc gia vì hòa bình và phát triển - cơ quan chính trị của chính quyền quân sự.
Ở vị trí tướng lĩnh cao cấp thứ tư tại Myanmar, ông Thein Sein từng cử giữ chức thủ tướng tạm quyền từ tháng 4-2007 thay ông Soe Win đi chữa bệnh và chính thức thay ông Soe Win làm thủ tướng từ ngày 24-10-2007 sau khi ông Soe Win qua đời.
Ông được xem là nhà chính trị xuất thân từ quân đội có tư tưởng ôn hòa và cải cách. Ông cũng đã tuyên bố sẽ không ra ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo nhưng vẫn có những đồn đoán về việc thay đổi ý định vào phút chót.
Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) của ông Thein Sein vẫn được cho là chiếm ưu thế trong kỳ bầu cử này do chỉ cần 26% số phiếu bầu (cùng với số 25% sẵn có đương nhiên) là đạt đủ quá bán để thắng cử.
Cũng có những nhận định khác có vẻ khả dĩ hơn là ông Thein Sein sẽ đảm đương trọng trách lãnh đạo thêm 1-2 năm nữa trước khi trao ghế lại cho tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing.
Min Aung Hlaing - người kế vị
Vị lãnh đạo quân đội 59 tuổi này được xem là nhân vật chính danh quan trọng nhất và cũng quyền lực nhất tại Myanmar hiện nay.
Theo quyền hạn, ông Hlaing được quyền bổ nhiệm các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và vấn đề biên giới - những bộ có quyền lực. Ông cũng là người quyết định việc chọn số 25% nghị sĩ không cần qua bầu cử.
Là người kế nhiệm của thống tướng Than Shwe, tướng Hlaing được xem là dần củng cố địa vị, tránh khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông cũng là người được ghi công qua vai trò chỉ huy các cuộc tấn công tiêu diệt các nhóm thiểu số vũ trang nổi loạn trong nước.
Ông được xem là người đại diện cánh hiện đại trong quân đội, biết cách giao tiếp với giới truyền thông và biết cách tôn vinh hình ảnh bản thân trên mạng xã hội.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài BBC, tướng Hlaing tuyên bố: “Dù ai giành chiến thắng tôi cũng sẽ tôn trọng kết quả bầu cử, miễn là bầu cử trong sạch”.
Nhưng ông cũng cho biết quân đội sẽ chưa rút khỏi chính trường chừng nào chưa ký được các thỏa thuận hòa bình với các nhóm thiểu số vũ trang. Ông đưa ra con số đánh giá mơ hồ: “Tiến trình đó có thể mất 5-10 năm, tôi cũng chẳng rõ được”.
Sư thầy Ashin Wirathu gây nhiều tranh luận vì là người tu hành nhưng lại có những phát ngôn kích động hận thù - Ảnh: AFP
Ashin Wirathu - “Bin Laden của Myanmar”
Sư thầy Wirathu 47 tuổi được mệnh danh là “Bin Laden của Myanmar” do vị trí thủ lĩnh tinh thần của Đảng Ma Ba Tha (tên gọi tắt của Linh minh ái quốc Myanmar) - một lực lượng cực đoan mới nổi lên đầy ảnh hưởng khoảng ba năm gần đây.
Sư thầy là người đấu tranh mạnh mẽ đến mức cực đoan cho việc bảo tồn “dòng giống Burma và Phật giáo” với những phát biểu được cho là kích động lòng thù hằn tôn giáo và dân tộc, đặc biệt chống lại người Hồi giáo thiểu số.
Theo luật tục, các sư thầy không tham gia tranh cử nhưng tiếng nói của họ có thể làm thay đổi kết quả bầu cử.
Ở đất nước có hơn 80% dân số theo Phật giáo, các đảng phái chính trị cũng ngán ngại ảnh hưởng của Ma Ba Tha nên phần lớn đảng không dám giới thiệu những người có đạo Hồi ra ứng cử.
Aung San Suu Kyi - ngọn lửa đấu tranh vì dân chủ
Là nhân vật biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ, bà Aung San Suu Kyi, năm nay 70 tuổi, từng có 15 năm bị chính quyền quân nhân quản thúc tại gia vì những hoạt động chính trị của mình.
Được mệnh danh là “bà đầm của Yangon”, bà Aung San Suu Kyi được ví như tia hi vọng cho những người dân mong muốn dân chủ thật sự cho đất nước.
Dù nổi tiếng lâu nay nhưng kỳ này nếu Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (LND) của bà lấy được đa số ghế trong quốc hội thì bà cũng không được phép trở thành tổng thống.
Hiến pháp Myanmar quy định cá nhân kết hôn với người nước ngoài hoặc có con cái không mang quốc tịch Myanmar thì sẽ không được phép ứng cử tổng thống. Bà Aung San Suu Kyi kết hôn với chồng quốc tịch Anh và hai con trai của bà mang quốc tịch Anh.
Một số người từng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi nay cũng cho rằng bà đang xa rời những mục đích đấu tranh vì hạnh phúc của người dân như trước kia và đang rơi vào trò chơi chính trị với những đấu đá quyền lực.
Đảng LND của bà cũng không còn “độc tôn” ở các địa phương nghèo vùng biên giới vì cũng phải cạnh tranh với các đảng phái nhỏ của người dân địa phương đó vốn đang có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây.
Theo đánh giá của giới quan sát, Đảng LND phải liên minh với các đảng nhỏ hơn và phải giành được hơn 2/3 số ghế được bầu lần này thì mới mong có thể giành chiến thắng, từ đó tìm cách sửa đổi hiến pháp để đưa bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền.
Hoặc một giải pháp khác trong trường hợp chiến thắng là bà Aung San Suu Kyi đưa người thân cận của mình lên nắm quyền và bà sẽ “buông rèm nhiếp chính”.
Các đảng phái nhỏ
Trong số 92 đảng phái chính thức tham gia tranh cử lần này ở Myanmar, có đến 60 đảng đại diện cho các nhóm dân thiểu số. Chính phủ Myanmar công nhận 135 nhóm dân thiểu số nhưng con số thật có thể lớn hơn.
Tuy vậy chỉ có tám nhóm dân mang tầm quốc gia là người Bamar (chiếm 60% dân số), người Chin, Karen, Karenni, Kachin, Môn, Shan và Arakanais.
Các nhóm thiểu số sẽ là “quân cờ di động” đóng vai trò trong kết quả bầu cử bởi có thể được mời tham gia liên minh tạo đa số.
Hiểu được thế mạnh của mình nên một số đảng phái nhỏ đã bắt tay với nhau lập liên minh để tạo sức mạnh ở tầm quốc gia như Liên đoàn hữu nghị các dân tộc quy tụ 23 đảng nhỏ hoặc Liên minh dân chủ liên bang quy tụ 10 đảng.