tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

"Đại gia" nuôi bò sữa: Gia nhập TPP, không chuẩn bị kỹ dễ phá sản!

  • Cập nhật : 09/08/2015

(Kinh doanh)

Trong khi ngành chăn nuôi chấp nhận "hi sinh", thì phân ngành chăn nuôi bò sữa lại được nhiều đại gia tăng tốc đầu tư trước thềm TPP.

Mặc dù các bên đã không đạt được thoả thuận để kết thúc đàm phán tại Hawaii cuối tuần trước, nhưng Ngoại trưởng Mỹ ông John Kerry phát biểu tại buổi họp báo trong thăm Singapore cho rằng cuộc đàm phán tại Hawaii đã được một số tiến bộ, và các bên "gần như sắp hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) lịch sử".

Với tuyên bố này thì khả năng TPP được kí kết trong năm 2015 vẫn còn. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định khi gia nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị "nhấn chìm", "tối như đêm 30"... Bất chấp những nhận định trái chiều, chăn nuôi bò sữa vẫn được nhiều doanh nghiệp, người dân lựa chọn.

"Ông lớn" đổ xô nuôi bò sữa quy mô lớn

Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đã và đang đẩy mạnh số lượng đàn bò sưa để nâng cao sản lượng sữa thu hoạch. Đến nay Vinanmilk có khoảng 110.000 bò sữa, ngoài ra còn hợp tác với 7.200 hộ trang trại, thu mua 60% sữa sản xuất trong nước.

Theo dự định, đến năm 2020 Vinamilk sẽ nâng số lượng đàn bò lên 200.000 con, đáp ứng 40% sữa nguyên liệu cho các nhà máy sữa trong nước.

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk khẳng định: "Vào TPP, chúng tôi đang chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi theo hướng tăng trưởng nhanh đàn bò, đáp ứng cho nhu cầu chế biến các sản phẩm sữa của Công ty".

CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) trong bản cáo bạch đã tiết lộ kế hoạch chăn nuôi bò sữa. Cụ thể, năm 2015 HAGL Agrico sẽ thực hiện thí điểm nuôi 10.700 con bò sữa vào năm 2015.

Công ty dự định, bò sữa sẽ đóng góp khoảng 7% lợi nhuận năm 2015 và 13% trong năm 2016.

Trước đó, bầu Đức đã gây "sốc" khi tuyên bố đổ 6.300 tỷ vào dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt, với tổng đàn bò 236.000 con, trong đó có 120.000 bò sữa.

Tập đoàn TH true Milk cũng đang đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ cao nuôi bò sữa. Hiện TH có 45.000 con bò. Dự kiến đến năm 2020, TH sẽ đưa tổng lượng đàn bò lên tới 203.000 con.

Trước đó, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai đã công bố đầu tư các trang trại bò sữa quy mô lớn với 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt, với tổng mức đầu tư dự án lên đến hơn 11.000 tỷ đồng.

Theo Cục Chăn nuôi-Bộ Nông nghiệp, tính đến hết năm 2014, số lượng bò sữa cả nước năm 2014 là 227.000 con (tăng 22,1% so với năm 2013). Sản lượng sữa trong nước sản xuất ước tính là 549.533 tấn.

Quy mô thị trường sữa Việt

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết hiện naysữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30%, còn lại 70% nguyên liệu là nhập khẩu.

Năm 2015 cả nước sản xuất 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi, sản lượng này tăng lên là 2,6 tỷ lít vào năm 2020 và 3,4 tỷ lít tới năm 2025; Tiêu thụ sữa đạt trung bình 21 lít/người 1 năm vào năm 2015, 27 lít/người năm 2020 và đạt 34 lít/người tới năm 2025.

Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít đáp ứng 35% nhu cầu tới năm 2015, 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025.

“Phần lớn nguyên liệu sữa Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Đây là cơ hội to lớn cho ngành chăn nuôi Việt vượt lên. Các tập đoàn, doanh nghiệp họ nhận thấy thị trường rộng mở khả năng sinh lợi nhuận lớn thì việc đầu tư là đương nhiên. Còn việc đầu tư chăn nuôi bò sữa trong hiện tại thì theo tôi không đáng ngại khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 70% sữa”, ông Vang nói.

Theo thống kê, năm 2013, tỷ lệ uống sữa trung bình đạt 18 lít/người/năm, tỷ lệ này được dự báo tăng lên 28-29 lít/người/năm. Như vậy, quy mô của ngành sữa vẫn còn rất rộng mở, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 2 con số.

Nếu không chuẩn bị kỹ, chăn nuôi bò sữa sẽ phá sản!

Trong 12 nước tham gia TPP, 3 nước có ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và thị trường nông sản sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Úc.

Trước đó, Việt Nam đã có thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN và hai nước Úc, New Zealand (AANZFTA) và có cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định cho nông sản đến từ 2 nước này.

Sự mở cửa này là một thách thức đối với ngành chăn nuôi bò sữa bởi đây là hai nước có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm sữa. Ngoài ra Mỹ cũng là nước có thế mạnh trong các sản phẩm sữa.

Về thuế, các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Úc, New Zealand về Việt Nam có mức thuế là 7% trong năm 2015 và giảm về 0% từ năm 2018.

Mặc dù Việt Nam có thể áp dụng một vài hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sữa trong nước, tuy nhiên các sản phẩm sữa đến 3 nước trên đều đạt các tiêu chí cao nhất về an toàn và chất lượng, hơn sữa Việt Nam.

"Đến năm 2018, giá nguyên liệu và các sản phẩm sữa sẽ giảm từ 5-10% so với hiện nay. Đây là rủi ro lớn nhất cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì hàng loạt trang trại sẽ phá sản vì giá bán sản phẩm sữa tươi nguyên liệu không thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài", Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk nhận định.

Tổ chức đối chứng thông tin nông nghiệp quốc tế công bố giá sữa nguyên liệu của 46 nước có giá trung bình chỉ 8.800 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Lối đi nào cho chăn nuôi bò sữa?

Để cứu chăn nuôi bò sữa, khỏi tương lai "u ám" trong TPP, một vài doanh nghiệp đã mạnh dạn đề xuất Bộ công Thương áp dụng công cụ bảo hộ hạn ngạch thuế quan để kiểm soát số lượng nhập khẩu, nghiên cứu đưa ra hàng rào kĩ thuật và kiểm dịch động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng của người chăn nuôi thông qua việc hỗ trợ về vốn và đất đai; Gắn kết bền vững giữa người chăn nuôi và Doanh nghiệp chế biến sữa dựa trên tình thần trách nhiệm, uy tín và cùng có lợi.

Hình thành các mô hình hợp tác xã, trang trại liên kết quy mô lớn để nâng cao sản lượng sữa, hạ giá thành sản xuất.

Đại diện Vinamilk nhận định: "Vai trò phòng thủ bảo hộ ngành sản xuất sữa trong nước tùy thuộc vào phần lớn ở vai trò nhà nước nhưng bản thân người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến sữa phải có thực lực nội tại để chống lại sự cạnh tranh của các nước khác tham gia TPP.

Khi bản thân đủ mạnh mẽ thì việc đáp ứng, kêu gọi, thu hút đầu tư của các quốc gia khác mới có hiệu quả và bảo vệ được ngành sản xuất sữa trong nước. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành người làm công cho nước ngoài trên chính mảnh đất của mình."

Ông Tống Xuân Chinh, Cục Phó Cục Chăn nuôi cho biết kịch bản ngành chăn nuôi tương đối xấu trong hội nhập. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn còn "lối thoát" với một số ngành đặc trưng: nuôi bò sữa, lợn mán, gà đồi.. cùng việc hưởng lợi từ việc thuế nhập khẩu thức chăn chăn nuôi giảm dần.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục