Ông Trần Phương Bình cùng vợ, bà Cao Thị Ngọc Dung và 3 con gái đang là một trong những nhóm cổ đông lớn nhất tại DongA Bank và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
CEO Thép Việt: 'Tôi không chịu áp lực kế thừa gia nghiệp'
- Cập nhật : 13/08/2015
(Doanh nhan)
Đỗ Duy Hiếu cho rằng việc thừa kế doanh nghiệp không quan trọng bằng đưa công ty phát triển tốt. Do đó nếu không đủ khả năng, nữ CEO này sẵn sàng tìm người khác điều hành.
Dưới đây là những chia sẻ của Đỗ Duy Hiếu - Giám đốc điều hành, Công ty Thép Việt, đơn vị sở hữu gần 62% cổ phần của Pomina (POM), đồng thời là con gái của ông trùm thép Việt - Đỗ Duy Thái trong chương trình "Những bài học thực tế từ doanh nghiệp gia đình thời hội nhập", diễn ra tại TP HCM mới đây.
- Là một người rất nữ tính, dịu dàng, tại sao chị lại quyết định đi theo nghề thép?
- Từ nhỏ tới lớn, thấy ba mẹ quá cực khổ, bươn chải, nên ngay khi còn đi học tôi đã luôn nghĩ là học cái gì để có thể về hỗ trợ và giúp đỡ gia đình. Sau đó, tôi tốt nghiệp loại ưu khoa quản trị kinh doanh tài chính, Đại học Houston (Mỹ).
Ban đầu khi mới về, tôi làm ở vị trí nhân viên và... sốc. Sốc không phải vì con gái chủ tịch lại làm nhân viên phòng tài chính mà vì thiếu kinh nghiệm sống và ứng xử. Lúc đó, tôi hơi nản nhưng rồi sau một thời gian thì mọi việc cũng ổn và thấy công việc rất thú vị. Hiện tại, tôi đang phụ trách về phần thương mại (lúc trước phần này ba mẹ làm) nên giờ họ có thể nghỉ ngơi phần nào.
- Còn khá trẻ, vậy làm thế nào để chị có thể vượt qua nhiều người thân, họ hàng khác để lên nắm vị trí Giám đốc điều hành của công ty?
- Hội đồng quản trị gồm 12 thành viên đều là anh em thế hệ thứ nhất của ba tôi. Đúng là khi vừa vào công ty, đã có 5-6 anh chị họ khác (thuộc thế hệ thứ hai như Hiếu) là những người đã có rất nhiều kinh nghiệm, trong khi tôi là người nhỏ tuổi nhất nên lúc đó chỉ nghĩ mình cố gắng làm sao để bằng họ đã là may.
Điều may mắn là gia đình lớn của chúng tôi rất xem trọng giá trị văn hoá và từ đó phản chiếu vào văn hoá công ty nên trong quá trình làm việc rất thuận tiện, mọi thành viên trên dưới đều đồng thuận, đoàn kết và yêu thương nhau.
Nhưng sau đó, nhiều anh chị có những hướng đi riêng, với lại ngành thép khá nặng nhọc và cũng không có nhiều sức hấp dẫn để giữ họ ở lại công ty nên tôi phải đảm trách công việc thôi.
- Là con sếp, chị thường gặp phải những áp lực gì?
- Với tôi, không có áp lực phải kế thừa gia nghiệp. Ai là CEO không quan trọng, quan trọng là công ty phát triển thế nào. Nếu không có khả năng thì trách nhiệm mà tôi và anh chị em phải gánh là đi tìm người có khả năng để điều hành cơ ngơi mà cả gia đình đã gây dựng.
Nhưng cũng may, khi bắt tay vào công việc, tôi được mọi người trong công ty nhìn bằng hình ảnh của chính mình chứ không phải dành cho con gái của chủ tịch nên việc học hỏi thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi cũng luôn quan niệm, làm gì cũng phải làm hết mình, nỗ lực hết sức còn kết quả thế nào không quan trọng.
- Việc học tập tại nước ngoài giúp gì cho chị trong việc đưa công ty phát triển nhanh?
- Khi đi học ở nước ngoài thì không chỉ học về kiến thức mà còn học về lối sống, suy nghĩ. Tôi nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa hai môi trường đào tạo. Chẳng hạn lúc học cấp hai ở Việt Nam, tôi cảm nhận dường như chỉ có một lối mòn suy nghĩ còn học ở nước ngoài bạn bị bắt buộc phải suy nghĩ liên tục theo nhiều hướng, nên nó giúp mình sáng tạo hơn, năng động hơn.
Nhớ lại thời điểm mới bước chân qua nước ngoài học, mình chọn môn lịch sử để làm bài kiểm tra. Lúc đó, tôi đã viết hết 4 trang giấy nhưng kết quả là điểm thấp cực kỳ. Tôi đã khóc rất nhiều và hỏi thầy giáo bị sai chỗ nào mà điểm thấp như vậy. Thầy liền trả lời không sai nhưng bài viết không có cái gì là quan điểm riêng của tác giả mà chỉ là chép lại nguyên văn những gì đã có nên điểm thấp.
Từ đó, tôi rút ra được rất nhiều bài học và thấy rằng mình cần phải có suy nghĩ và chính kiến của cá nhân đồng thời chấp nhận quan điểm khác biệt của người khác để hợp tác làm việc tốt hơn.
Nhờ vậy, đến nay khi làm việc gì ngoài chính kiến của bản thân, tôi cũng luôn biết cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác để đưa ra quyết định tốt nhất.
- Làm thế nào để chị có thể vừa đảm việc công ty, vừa lo việc nhà?
Ngoài ra, các bữa tối trong tuần, tôi rất muốn tự tay chuẩn bị những món ăn cho cha mẹ và chồng con. Khi đó, cả nhà sẽ có cơ hội ngồi nói chuyện, tâm tình bất cứ chuyện gì chứ không phải công việc.
- Là con gái một của Chủ tịch công ty lớn, có bao giờ chị bị gia đình áp đặt chuyện hôn nhân?
- Trước giờ cha mẹ chỉ khuyên tôi là nên chọn bạn tốt mà chơi chứ không hề nghĩ đến việc đưa ra tiêu chí kén rể. Vì bản thân tôi cũng đâu biết được mình là người được công ty coi trọng và có vị trí như bây giờ để mà kén chọn hôn phu.
- Chị nghĩ thế nào về việc tiếp tục cho con cái nối nghiệp?
- Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ tôi thấy cha mẹ ép buộc con vấn đề gì, ngoài việc hay tâm sự với con để có sự đồng cảm. Tôi cũng sẽ dạy con theo cách đó, tức sẽ làm người bạn luôn đồng hành với con, còn lại đều do con lựa chọn khuynh hướng và con đường riêng.