tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ông chủ Phát Đạt "nuôi" giấc mơ giàu nhất thế giới

  • Cập nhật : 22/08/2015

(Tin kinh te)

Ước mơ lớn, nghĩ lớn, làm lớn và từng trải qua những thời điểm tưởng chừng mất cơ nghiệp, những thăng trầm đã rèn cho ông bản lĩnh để có thể trụ vững trong nhóm người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dám làm những việc chưa ai làm, đầu tư vào lĩnh vực mạo hiểm ít ai dám đặt chân tới, biệt danh “Lộc liều” mà bạn bè doanh nhân thường gọi ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt - có lẽ chỉ là bề nổi của một tinh thần đã được trui rèn qua “lửa đỏ” và “nước lạnh”.
 

ong chu phat dat "nuoi" giac mo giau nhat the gioi

Ông chủ Phát Đạt "nuôi" giấc mơ giàu nhất thế giới

Thị trường ấm lên thấy rõ

* Thị trường bất động sản đang ấm lên, ông đánh giá thế nào về những chuyển động tích cực từ sự ấm lên này trong mối quan hệ với chứng khoán, ngân hàng?

- Ông Nguyễn Văn Đạt: Những dự án của Phát Đạt xưa bán chậm, giờ giao dịch tăng đáng kể. Dự án chung cư cao cấp ở đường An Dương Vương The EverRich Infinity của tôi vừa tung ra bán đầu tháng 6/2015, các nhà môi giới cam kết sẽ bán dứt điểm từ 3 đến 6 tháng.

Thị trường ấm lên thấy rõ. Mới năm trước thôi, đâu ai dám nghĩ tới điều đó.

Đây là dự án theo xu hướng xanh hóa đang rất được ưa chuộng với mô hình compound khép kín như một resort năm sao, có đầy đủ các tiện ích đẳng cấp như nhà hàng, cà phê, gym, vui chơi, giải trí, spa, siêu thị… ngay trong nội khu.

Thị trường bất động sản đang phát triển một cách bền vững hơn. Mọi thứ đến chạm đáy, giờ bắt đầu đi lên “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Niềm tin khách hàng đã quay trở lại, đồng tiền trong dân đã vận hành. Xét về mối quan hệ giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng, bất động sản muốn phát triển phải có ngân hàng.

Sau một thời gian dài ngân hàng thừa tiền, giờ chính là lúc họ phải đi tìm những doanh nghiệp tốt để cho vay. Khi thị trường chứng khoán phát triển, doanh nghiệp và người dân kiếm được lời sẽ rút tiền đầu tư sang những kênh khác, chia sẻ bớt rủi ro và thị trường đầu tiên họ nhắm tới là bất động sản.

Mới đây, tôi đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án xây dựng mới Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng, tại quận 3, TP.HCM với tổng giá trị đầu tư dự kiến trên 1.500 tỷ đồng, để đổi lấy các quyền sử dụng và khai thác kinh doanh các quỹ đất có giá trị cao tại trung tâm TP.HCM.

Ngoài ra, tôi cũng vừa quyết định hợp tác nhận 36 ha đất ở Phú Quốc để làm quần thể khách sạn cao cấp. Tôi tin, những dự án tiềm năng này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho công ty trong thời gian tới.

* Liệu có hiện tượng đầu cơ, “thổi giá” ở những vùng trọng điểm?

- Tôi nghĩ không. Tất nhiên có người “thổi” lên một chút thôi ở những vùng trọng điểm, còn “thổi” nhiều là không thể, vì hiện đang có rất nhiều dự án tốt để khách hàng so sánh, lựa chọn, nếu giá không phù hợp với thị trường thì làm sao thổi được.

Cạnh tranh bây giờ lành mạnh, bền vững hơn nhiều.

“Liều khôn” chứ không “liều khùng”

* Năm 2009, khi thị trường bất động sản lao dốc, ông bất ngờ lấn sân sang ngành vận tải biển, một ngành đầu tư “khủng” và mạo hiểm. Bốn năm “nếm mật nằm gai” thua lỗ hàng trăm tỷ đồng ấy đã cho ông những bài học nào?

- Trong lúc cùng cực ấy, giữ được tinh thần là quan trọng nhất. Rất nhiều người bạn doanh nhân của tôi suy sụp, dẫn đến làm ăn ngày càng khó khăn. Có người không dám đối diện vào sự thật, cứ trốn tránh, khiến bệnh ngày càng nặng.

Đã bệnh là phải uống thuốc, dám uống thuốc đắng mới giã tật. Tôi vẫn tin vào mục tiêu cuối cùng của mình, tin vào chiến lược mà mình đang xây, chẳng qua mình chưa tìm được cách đi hữu hiệu nhất.

Tôi bươn chải, suy nghĩ bằng mọi cách, mọi hướng để vẫn băng về phía trước. Đi qua Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, nghiên cứu trồng lúa, kể cả trồng các loại cây dầu cọ, qua Myanmar tìm cách làm gỗ…

Thậm chí, gặp anh em bạn bè, thấy ai làm ăn được sẵn sàng kêu gọi giúp đỡ, cho mình cùng hùn hạp làm ăn chung, bằng mọi cách để kiếm tiền về “nuôi quân”.

Vượt qua ranh giới địa lý không khó bằng vượt qua sĩ diện cá nhân, vượt qua ranh giới của bản thân, để mở lòng với mọi người… Những người ngày xưa mình giúp giờ quay sang giúp lại bằng cả vật chất và tinh thần. Cả ông trời cũng tham gia giúp mình bằng cách “đẻ” thêm cho mình một ngành nghề mới để thoát khỏi những ách tắc của thị trường địa ốc.

Tôi biết ngành vận tải biển “hút” tiền rất dữ, nhưng lợi nhuận lớn, mà mình lại giỏi huy động tiền. Nhiều người nói tôi là “Lộc liều”, nhưng tôi tính toán rất kỹ.

Tôi liều thật, nhưng “liều khôn” chứ không “liều khùng”! Đối với người này có thể là mạo hiểm, nhưng với người từng trải nghiệm thì đó không phải là mạo hiểm, vì mình đã tính trước được rủi ro.

Nhiều người không hiểu công việc tôi đang làm, cho rằng tôi không hiểu biết về ngành. Thực ra mình đã tính đến phương án rủi ro nhất. Khi nhà tư vấn cho biết rủi ro nhất có thể mất 100 ngàn USD, và có đơn vị thứ ba cùng san sẻ rủi ro đó với mình, tôi mới quyết định “chơi”.

Ngày xưa, Việt Nam chỉ xây được nhà 10 tầng, còn cao hơn nước ngoài làm hết. Giờ anh Nguyễn Bá Dương xây nhà 50 tầng vẫn cười, vì với anh, trải nghiệm cho thấy không hề mạo hiểm.

Năm nay, TPL Shipping JSC đã sở hữu đội tàu mang tên EverRich gồm 8 chiếc với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, kế hoạch lợi nhuận năm 2015 của vận tải biển từ 400 đến 500 tỷ đồng, năm 2016 từ 800 đến 1.000 tỷ đồng.

Tôi vừa mới mua con tàu trị giá gần 40 triệu USD, lớn nhất Việt Nam về chở khí hóa lỏng, và dự định sẽ nâng lên 15 chiếc vào năm 2017. Hiện có 18 nhà đầu tư lớn đã chọn Phát Đạt. Điều thuyết phục các nhà đầu tư trước tiên là lợi nhuận, là tương lai.

Tôi cam kết với nhà đầu tư không bao giờ dùng quyền của người điều hành để trục lợi cá nhân, ngược lại các nhà đầu tư cũng đừng dùng thế lực nào để gây khó. Làm ăn phải cùng chí hướng “có lợi cùng hưởng, có họa cùng chịu” thì mới phát triển được. Nhà đầu tư cũng rất thích cách làm ăn thẳng thắn của tôi.

Muốn nhận nhiều, hãy cho thật nhiều

* Từng phải đối diện với sự mất mát lớn về giá trị tài sản khi thị trường địa ốc đóng băng, điều gì giúp ông vượt qua cơn bĩ cực?

- Chính là nhờ quan niệm của tôi về sự “cho” và “nhận”, mà dân gian thường gọi là “gieo” và “gặt”. Muốn nhận nhiều thì hãy cho thật nhiều. Nhiều khi mình cho người này nhưng lại được nhận từ người khác.

Cuộc đời kỳ lạ lắm, hãy chơi với người ta bằng sự chân thành trước đã, có thể mình sẽ bị phản bội, bị lừa lọc, có thể mình sẽ buồn, nhưng nhờ đó bạn bè đều hiểu “Lộc là người tính cách đàng hoàng, lo làm ăn, uy tín”… đó là những tài sản vô giá giúp mình vượt khó.

Cuộc đời tôi có được hôm nay chính là nhờ vào suy nghĩ và hành động: “Khi người khác gặp khó khăn, mình giúp họ, đến lúc mình khó khăn thì người khác sẽ giúp lại”.

Tôi đã từng giúp một người bạn làm ăn với mình mà bị lỗ. Ban đầu anh ấy nói lý với tôi, tôi nói hãy mở hợp đồng ra, tôi dư sức ép anh, vì hợp đồng cam kết là bất cứ thời điểm nào cũng không tăng giá, thôi hãy nói về tình đi.

Anh mừng ra mặt và nói: “Anh mới lập công ty, nếu Lộc không giúp là anh “chết””. Nghe anh nói một câu hợp tình, thế là tôi đền bù 100% cho anh, khoảng 40 tỷ đồng. Vào thời điểm 2008 - 2009, đó là con số không nhỏ, nhất là khi thị trường đang cực kỳ khó khăn. Quan niệm của tôi là mình làm ăn có lời, không lẽ để người làm ăn với mình chịu lỗ, đó là chuyện vô lý.

Đến khi tôi khó khăn, tôi nói với anh: “Em đang khó, anh làm giúp em và cho em nợ nhé”. Anh OK: “Anh làm cho Lộc và cho Lộc nợ luôn”.

* Nhưng, ông đã bao giờ phải trả giá vì sự cho đi của mình?

- Giữa nói và làm là cả một khoảng cách. Ở đời, nhiều người chỉ muốn nhận mà không bao giờ cho.

Đừng nghĩ mình làm gì không ai biết. Không ai biết thì trời biết. Mình sống làm sao cho đàng hoàng, tử tế. Còn chuyện con người thì vô cùng.

Một người bạn thân đang khó khăn, tôi vay tiền dùm anh để mua đất, cho anh hưởng hết tiền lời, lỗ mình chịu, còn lo trả luôn lãi suất ngân hàng. Đến khi tôi khó khăn, sợ tôi không đủ tiền lấy lại giấy tờ nhà, anh ấy nói với tôi là cần bán nhà khiến tôi phải xoay sở 7 tỷ đồng trả nợ ngân hàng để lấy lại giấy tờ nhà cho anh ấy.

Đau thật! Trong lúc mình gặp khó khăn mà bạn bỏ mình …

* Những “quả đắng” ấy giúp ông điều gì?

- Giúp tôi “cứng” hơn, biết suy nghĩ tích cực hơn. Tại thời điểm tôi gặp khó khăn, rất nhiều người em mà tôi đã từng giúp trước đây, giờ phát triển vượt qua tôi, đôi lúc họ có những câu nói thiếu tế nhị làm tôi rất buồn.

Lúc ấy, tự trọng trong tôi trỗi dậy, tôi nghĩ một ngày nào đó sẽ cho họ thấy tôi phát triển mạnh như thế nào.

Xài đúng thì bao nhiêu cũng "chơi"

* Ông “nổi tiếng” là người dậy sớm và luôn đúng giờ? Đâu là bí quyết để trở thành người giàu có?

- Dĩ nhiên thành công cần nhiều yếu tố, mà cuối cùng là nhờ ông trời nữa. Buổi sáng, tôi luôn dậy trước 6 giờ, nghe nhạc, đi bộ 30 phút, nạp năng lượng và bắt đầu “chạy” nguyên ngày, có khi không cần ăn trưa… Ngay từ nhỏ, tôi đã là người sống có mong ước lớn và làm việc gì đều có kế hoạch, chưa bao giờ sai hẹn một ai.

Hồi nhỏ, má cho 10 đồng, tôi đã biết sẽ tiêu 10 đồng đó ra sao, đến khi lớn lên cũng vậy. Nhân viên thấy tôi làm việc đêm ngày, cứ nói tôi sức khỏe tốt. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, ngày xưa những người tù Côn Đảo bị tra tấn dã man, ăn uống kham khổ thế vì sao sống được? Chính là nhờ có lý tưởng, có mục tiêu cao đẹp. Tôi sống hướng thượng, có mục tiêu nên tinh thần rất mạnh, làm việc suốt ngày không bao giờ thấy mệt.

Vị thầy phong thủy mà tôi rất quý trọng là thầy Đức. Ông thường kể với bạn bè về chuyện đúng giờ của tôi. Một lần, tôi hẹn ông nhưng đã quá giờ mà ông vẫn chưa đến. Khi tôi rời đi vì có cuộc hẹn khác thì thầy đến. Dù rất quý thầy nhưng tôi vẫn phải đi…

Sau này, học trò của thầy đã kể lại với tôi, lúc đó thầy đã nói rằng: “Đó là con người trọng chữ tín, rất công tâm, luôn đúng giờ và biết tự trọng”. Sau đó, thầy đã đến tận nhà tôi và xin lỗi.

* Ông có bao giờ cảm thấy cô đơn?

- Tôi không cô đơn, vì khi đã đặt ra một mục tiêu nào đó, sẽ bám theo đó mà làm. Sống tất nhiên phải có anh em bạn bè. Tôi chơi với rất nhiều bạn nghèo. Mỗi lần về quê tôi thường chỉ rủ những người bạn cùng lớp từ thuở ấu thơ hoặc những người hàng xóm đi ăn cơm để trò chuyện, có lúc thì tụ tập nhau lại nhậu một bữa cho đã đời.

* Ông tiêu tiền như thế nào?

- Xài đúng thì bao nhiêu cũng "chơi". Tôi tin vào cái đúng. Tôi không “ngụy quân tử”, nhìn cái đúng một cách ích kỷ, hay làm PR… Đúng theo tôi là nhìn trên hiệu quả kinh doanh và góc độ nghĩa tình.

Nhiều người nói tôi là phung phí, nhưng phung phí cho cái đúng thì bao nhiêu cũng không tiếc, vì nó mang lại cho mình sự thoải mái, hạnh phúc. Tôi là người sống tình cảm, thương nhau thì khó khăn cỡ nào cũng nhào vô, không bao giờ bỏ bạn. Nhưng phải quỳ gối để đổi chác thì không bao giờ.

“Buông” là cả một nghệ thuật

* Người kinh doanh thường đầy toan tính, toan tính nó hiện lên mặt. Vì sao nhiều lúc khó thế vẫn thấy ông cười?

- Nhiều người cũng nói thế, nhất là phụ nữ! Mình buồn hoài người ta có cho tiền mình đâu. Cứ sống thoải mái và giữ được tinh thần vững mạnh. Tôi không bao giờ than, không bao giờ dùng chữ “stress”. Mệt quá thì đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Những buổi tiệc do tôi tổ chức không bao giờ buồn.

* Xuất thân trong một gia đình buôn bán hành tỏi ở ngôi chợ lớn nhất thị xã Quảng Ngãi, ông nuôi chí làm ăn từ bao giờ?

- Gia đình tôi kinh doanh từ xưa đến giờ. Ngoài quê, con gái, con trai ai gả cho gia đình tôi đều mừng cả, vì ba má tôi sống uy tín, lo làm ăn, được nhiều người thương mến.

Ba chính là người đã dạy tôi làm ăn, từ nhỏ ông đã nói với mẹ tôi: “Phải cho con đếm tiền, để lớn lên cầm tiền không run tay”.

Tôi nhớ mỗi lần trời mưa, dù đang chơi ở đâu cũng mau mau chạy về nhà gom hành tỏi để không bị ướt. Là con trai thứ sáu trong gia đình tám người con, nhưng tôi là người khác biệt nhất trong gia đình.

Cái khác ấy có khi là thuận lợi, nhưng có khi cũng là khó khăn cho riêng tôi… Cha mẹ đã cho tôi điều quý giá nhất là sự đàng hoàng, ngay thẳng trong cư xử với người khác.

Từ nhỏ, tôi đã ước mơ mình là người… giàu nhất thế giới! Dĩ nhiên ở mỗi thời điểm, con đường đi đến ước mơ khác nhau. Lúc nhỏ thì hay tưởng tượng viển vông mình sẽ gặp được một kho vàng, sẽ được một ông tỷ phú nhận làm con nuôi… Dần lớn lên, hiểu mình phải làm gì, lợi nhuận ra sao.

Giờ tôi vẫn còn nuôi giấc mơ ấy, nên vào ngành nào cũng muốn mình trở thành “ông trùm”! Một giấc mơ mãnh liệt khiến mình rất “khỏe” về tinh thần.

Vừa rồi mệt quá, đi qua Singapore kiểm tra sức khỏe. Lúc lên máy bay oải lắm, nhức đầu như búa bổ. Trong thời gian bay, tôi “tự sướng” bằng cách ngồi tính kế hoạch kinh doanh của mình, công ty này lời bao nhiêu, công ty kia làm gì, tăng vốn thế nào… tự nhiên thấy đầu mình nhẹ hẳn đi, khỏe liền.

* Ông đã chuẩn bị cho mình kế hoạch chuyển giao thế hệ chưa?

- Tôi đã chuẩn bị cho mình kế hoạch để 5 năm nữa có thể lui về. Người có thể thay thế mình là con trai tôi. Cháu 25 tuổi, đã trải qua sự huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài.

Tôi có ba đứa con, một trai, hai gái, đều đi học ở nước ngoài. Tôi sẽ chuyển giao ngành bất động sản cho con trai đầu. Con gái thứ hai học ở Anh hai năm nữa về sẽ tiếp quản ngành tàu biển, cháu là người chuẩn mực, bài bản. Còn con gái thứ ba sẽ tiếp quản ngành khách sạn 4-5 sao cùng căn hộ cho thuê…

* Ông có lo không khi nhiều cuộc chuyển giao thế hệ của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã gặp phải thất bại? Liệu “cá vàng” được đào tạo trong môi trường “nước sạch” có trụ nổi ở môi trường… “kênh Nhiêu Lộc”?

- Lớp trẻ bây giờ có kiến thức, nhưng trải nghiệm chưa nhiều. Một câu mà tôi rất thấm thía: “Đơn giản là đỉnh cao của sự trải nghiệm”. Mình phải “buông” từ từ thôi.

Nhưng “buông” cũng là cả một nghệ thuật, tôi ước mơ năm 2020, hai công ty của mình có giá trị vốn hóa 2 tỷ USD, nên không thể buông một sớm một chiều được. Nếu quá tập trung quyền lực thì 10 năm nữa không thể đi chơi được. Nhưng nếu đi chơi nhiều quá cũng “ngu” người đi.

Đội ngũ điều hành của tôi 5 năm nữa sẽ chuyển qua làm cố vấn, để vừa kiểm soát, vừa hỗ trợ, không có khái niệm về hưu. Với giám đốc điều hành cũng vậy, tôi chỉ kiểm soát mục tiêu lợi nhuận, còn kế hoạch triển khai sẽ tự họ định đoạt.

Tôi vững tin vào văn hóa mình xây là con đường chính nghĩa, chắc chắn sẽ có những người đàng hoàng tới với mình. Cũng vì bạn mà khuynh gia bại sản, cũng vì bạn mà giàu sang. Giàu vì bạn, sang vì vợ là thế!

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Trở về

Bài cùng chuyên mục