Phương châm của David Tran rất đơn giản: "Làm tương ớt cho người giàu và bán với giá của người nghèo".
CEO Phát Đạt kể chuyện xử lý khủng hoảng: “Ai nên khôn cũng khốn… chục lần!”
- Cập nhật : 21/06/2016
Từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp lúc còn rất trẻ, kinh doanh từ thuốc lá, máy móc, ôtô đến bất động sản, tàu biển, xây cầu, ông Nguyễn Văn Đạt đã đưa Phát Đạt trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại TP.HCM hiện tại.
Là hoạt động nằm trong chương trìnhKhám phá năng lực các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam(Leading Business Tour)lần thứ 5 do CLB Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO Vietnam), kênh truyền hình FBNC vàBizLIVE cùng phối hợp tổ chức, cuộc trò chuyện của ông Đạt với gần 100 doanh nhân trẻ diễn ra sôi nổi và hào hứng, kéo dài suốt buổi sáng 20/6.
Dưới sự dẫn dắt của nhà báo Quốc Vĩnh, Phó chủ tịch Hội đồng Biên tập BizLIVE, ông Đạt đã không ngần ngại chia sẻ thẳng và thật những trải nghiệm về chiến lược kinh doanh, xử lý rủi ro và cách đối nhân xử thế trong văn hóa rất đặc thù của Việt Nam.
Thuộc thế hệ doanh nhân 6X, cách khởi nghiệp thời của anh có gì khác so với thế hệ 8X, 9X bây giờ?
Đời doanh nghiệp giống như binh nghiệp, ai cũng trải qua những nỗi khổ, kể cả máu và nước mắt. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những trải nghiệm, những cách ứng phó khác nhau.
Thế hệ 6X của tôi khởi nghiệp ít áp lực hơn bây giờ nhiều. Bắt đầu với động lực kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con trước đã còn bây giờ thì các bạn trẻ áp lực nhiều quá, muốn thành công nhanh, muốn có danh tiếng ngay, có người thành công nhưng phần lớn chông chênh.
Anh nắm bắt cơ hội kinh doanh như thế nào?
Hết cấp 3, tôi không học nữa, bắt đầu nghiệp kinh doanh. Thời đó nhiều cơ hội nhưng kiếm tiền ít, giờ thì cơ hội ít nhưng kiếm tiền nhiều. Thời điểm nào cũng sản sinh cơ hội, muốn thành công phải nắm được cơ hội, nhưng phải buông bỏ khi không tìm thấy lợi nhuận.
Cơ hội đến từ đâu? Từ thông tin của bạn bè, của đối tác, của những chính sách từ Nhà nước. Muốn có nhiều cơ hội kinh doanh phải có quan hệ rộng, nhưng có quan hệ rộng thì cũng coi chừng bị "nhiễu sóng", phải chắt lọc lại, nhận định chính xác chỗ nào thực sự kiếm ra tiền trên cơ sở đánh giá đúng về đối tác, dòng tiền và hiệu quả kinh doanh.
Nhiều người nói tôi có khả năng ngửi thấy "mùi tiền", cũng là do tôi thường tính toán rất kỹ, nhưng quyết định lại rất nhanh.
Tôi có được hôm nay nhờ trải qua muôn vàn khó khăn. Tôi thường nói với bạn bè để vượt qua muôn vàn khó khăn ấy, mình phải sống có tình, có nghĩa, có tâm… Nhưng có tâm mà không có tài cũng thua.
Ông Nguyễn Văn Đạt (phải) và nhà báo Quốc Vĩnh, Phó chủ tịch Hội đồng Biên tập BizLIVE tại buổi chia sẻ cùngvới gần 100 doanh nhân trẻ.
Điều gì dẫn dắt anh kinh doanh nhiều ngành, từ xe hơi đến bất động sản, vận tải biển?
Cơ hội mở ra cơ hội. Chỉ cần cho tôi 6 tháng tìm hiểu, nghiên cứu tôi sẽ bắt đầu cuộc chơi mới trong kinh doanh.
Năm 1992-1993, Nhà nước bắt đầu cấm tay lái nghịch, tôi là người đầu tiên nhập xe tải Hàn Quốc về Việt Nam. Lúc ấy xe hơi tay lái thuận chỉ có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Lúc kinh doanh xe hơi, tôi chấp nhận bán thiếu cho anh Trần Bá Dương, bây giờ là Chủ tịch Công ty Ôtô Trường Hải, chứ nhất định không bán cho người khác dù có lời hơn, vì đã hứa với anh Dương thế nào thì làm y như vậy. Tôi tôn trọng chữ tín.
Thế rồi, một hai năm sau tôi cũng mua được hai căn nhà cả ngàn lượng vàng.
Bất động sản cũng vậy, là câu chuyện rất tình cờ. Một người bạn nói sao không mua lô đất ở đường 3/2? Ban đầu tôi hơi chần chừ, nhưng sau đó tôi thấy đây là cơ hội không thể bỏ qua và quyết định mua lô đất đầu tiên để triển khai dự án chung cư cao cấp Everich 1 và thành công ngay. Từ đó tôi đầu tư tiếp tục một chuỗi dự án.
Làm thế nào để anh có được dòng vốn và con người ổn định?
Dựa trên năng lực lõi của mình. Tôi có quan hệ uy tín với ngân hàng, chỉ cần tính ra hiệu quả là quyết định tức thì.
Đối với cán bộ nhân viên cấp dưới, sự trung thành là tiêu chí hàng đầu, thứ nhì là năng lực làm việc, thứ ba là đạo đức.
Trong làm ăn buôn bán anh có rất nhiều đối tác, đâu là đối tác thực sự tin cậy?
Ngoài đời tôi mang tiếng cực đoan, nhưng đó là người ta nghe đồn thôi.
Cách đây hai tuần có cô gái muốn gặp để mua dự án của tôi. Tôi có miếng đất 3.500 m2, cô ấy muốn mua khu đất đó, tôi nói cô có bao nhiêu tiền? Nhiều tiền tôi mới gặp. Hỏi mãi cô ấy mới nói có hơn 700 tỷ. Như vậy tôi không gặp, mất thời gian. Cô ấy nói anh có 24 giờ, sao không dành 5 phút gặp tôi? Tôi nói tôi đâu có rảnh, chuyện làm ăn phải rõ ràng. Với lô đất đó, phải 1.350 tỷ mới nên gặp tôi, vì tôi muốn bán giá đó.
Cách tôi xác định một đối tác là hai bên phải cùng gặp nhau, cùng quan điểm với mình mới bắt tay hợp tác. Phải dùng tất cả các quan hệ, các nguồn thông tin để đánh giá một đối tác. Đừng sa đà vào trực giác, cái nhìn chủ quan, dễ bỏ qua nhiều đối tác tốt.
Tuy nhiên, tôi đã từng bỏ qua một đối tác vì anh ấy bội ước. Tôi nói thật với anh ấy: “Tôi không làm với anh, vì hai gia đình chơi với nhau, con cái chúng ta được dạy dỗ qua cách làm ăn của mình. Nếu anh bội ước thì làm sao tôi có thể làm cùng anh được”.
Tôi không kiếm tiền bằng mọi giá. Kiếm tiền sao mà mọi người vui vẻ, còn không thì thôi.
Kinh doanh bất động sản lợi nhuận lớn nhưng cũng đầy rủi ro, làm thế nào anh vượt qua thách thức và quản trị được rủi ro?
Ai nên khôn cũng khốn… chục lần! Tôi cũng nhiều lần gặp khó khăn.
Gần đây thôi, sau thành công đầu tiên với dự án Everich 1, tôi chìm dài trong khó khăn. Có lẽ do chưa trải nghiệm nhiều, thấy cái gì có lời là làm, nhưng khi thị trường biến động mình không lường trước là khó khăn ngay.
Có người cũng sa đà trong chiến thắng, không cảnh giác, để dòng tiền “đi lạc”, sẽ thất bại. Đền bù hộ dân nếu không có dòng tiền, dự án có lời lớn mấy mà không tính cũng chết trước bình minh.
Đó là cái bẫy mà không ít người thường mắc phải. Anh em doanh nhân trẻ phải suy nghĩ thật kỹ về dòng tiền trong quá trình phát triển của mình. Con đường của Phát Đạt hiện nay chắc chắc hơn nhiều lần nhờ dự báo được khó khăn.
Anh có thể chia sẻ với các bạn trẻ những yếu tố giúp kinh doanh bất động sản thành công?
Đầu tiên, phải coi lại tiền đâu? Đất đâu? Có quan hệ không? Phải xem lại năng lực của mình, có được uy tín đề vay vốn ngân hàng không, có khả năng thu hồi vốn không.
Thứ nhì phải có mối quan hệ với chính quyền, hiểu biết luật pháp và nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Muốn làm được điều đó phải qua những khâu hành chính cực kỳ khó khăn, phải có mối quan hệ với các cấp quản lý, biết vận động để người đó giúp mình.
Bất động sản đầu tư rất nhiều tiền và mối quan hệ rất phức tạp, huy động vốn từ ngân hàng, từ dân ngày càng khó, lôm côm là chết chắc.
Vừa qua, sự kiện Ngân hàng Đông Á bị kiểm soát đặc biệt đã khiến cho Phát Đạt khá lao đao, nhiều dư luận xôn xao Phát Đạt không có khả năng trả nợ, anh đã giải quyết khủng hoảng đó như thế nào?
Bởi vậy tôi mới nói đời doanh nhân là binh nghiệp, rất nhiều áp lực, rất nhiều kẻ thù.
Ông Trần Phương Bình, lúc ấy là Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, có nhiều con nợ, nhưng trong đại hội cổ đông, nợ khó đòi thì ông không nói, lại đề cập đến món nợ có khả năng trả nợ nhiều nhất là Phát Đạt. Thế là thành chuyện!
Một số phóng viên thấy doanh nghiệp khó khăn là xúm đến "điều tra". Sau trận đó chúng tôi bị rất nhiều áp lực khác từ đối tác, từ cơ quan Nhà nước, do Phát Đạt không được thông tin tốt trên một số phương tiện truyền thông!
Sự hiểu nhầm đó làm hại biết bao cho chúng tôi. Hiểu lầm có chủ đích, hoặc không chủ đích cũng gây khó vô cùng. Tôi phải gặp nhiều phóng viên giải thích, tạo sự đồng thuận.
Nhưng không sao! Một trong những tố chất của lãnh đạo là phải biết lôi kéo để chinh phục người khác.
Mỗi ngày doanh nghiệp đều gặp rất nhiều sự gây khó... Nếu ai hiểu biết, có quan hệ mới qua được.
Phát Đạt không sợ bị đe doạ. Có người của một tờ báo rất "tào lao", đến đòi kiểm tra công ty mà không hề có giấy tờ gì, rồi xì ra một hợp đồng quảng cáo kiểu bảo trợ truyền thông.
Tôi bèn nói: “Anh có quyền gì mà kiểm tra, anh làm sai pháp luật thì tôi cũng cậy đến pháp luật xử anh”. Phải có bản lĩnh mới giữ được bình tĩnh để ứng phó với các nhà báo không đàng hoàng này.
Sự cố nói trên đến quá bất ngờ, anh giải quyết cụ thể như thế nào?
"Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Tại thời điểm đó Phát Đạt đang tăng vốn, Đông Á cam kết tài trợ lại bị kiểm soát đặc biệt, lấy đâu ra tiền cho mình? Mua con tàu mới đã đặt cọc 4 triệu USD tới ngày giao, nếu không có tiền thì mất đứt tiền cọc!
Thêm nữa, dự án ở Khánh Hòa ở vị trí đẹp bị nhiều người nhòm ngó, nghe nói tỉnh muốn thu hồi để giao cho người khác! Tôi tan nát hết! Người cho vay, đối tác, thậm chí bạn bè cũng sợ…
Người ta nói tôi thần kinh thép không phải đâu, đứng trước việc đó rất hoang mang. Định thần lại, tôi hiểu bằng mọi giá phải bình tĩnh mới giải quyết được. Cả gia đình tôi lúc đó đang đi nghỉ ở Đà Nẵng.
Ngồi ở hồ bơi nói chuyện qua điện thoại đến tối khuya, tôi quyết định 12 giờ đêm phải đi ngủ. Sáng hôm sau bay ngay ra Hà Nội gặp một quan chức, thông tin với lãnh đạo Khánh Hoà về năng lực kinh doanh của mình và giải quyết vụ dự án Khánh Hòa. Tại thời điểm đó tâm lý của mình bị ảnh hưởng, sợ không đủ sức thuyết phục người khác, cần có người trung gian để nói dùm mình.
Về Sài Gòn, tiếp tục gặp anh em chiến hữu để giải quyết vụ mua tàu. Ngồi với mấy anh em, bàn về tính cách từng ông chủ ngân hàng, sau đó quyết định gặp anh Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank. Dù trước đó anh ấy chưa biết gì về mình, nhưng sau khi tôi trình bày, anh ấy đã quyết định cho vay…
Song song đó, tôi phải nhờ anh em chiến hữu rà soát lại hồ sơ pháp lý với Đông Á xem đã chặt chẽ chưa. Khi anh em trả lời hoàn toàn đúng pháp luật tôi mới an tâm.
Giải quyết khủng hoảng với ngân hàng Đông Á tôi rất bình tĩnh, không nói lấy được. Tôi gặp ngay ông Chủ tịch Ngân hàng Đông Á mới giải thích, rồi vận động hành lang để người ta có cảm tình với mình, sau đó giải quyết hậu quả bằng giải pháp cụ thể.
Cách cư xử đó đã giúp Phát Đạt vượt qua khó khăn. Từ sự cố này, tôi càng hiểu hơn, mình phải sống thế nào để khi gặp nạn anh em mới cùng nhau gánh đỡ cho mình, vui buồn cùng chia sẻ.
Cuộc đời kinh doanh của anh hẳn gặp nhiều may mắn?
Tất cả do duyên. Kinh doanh có rủi ro và có may mắn, nhưng trời chỉ thương kẻ chịu khó chịu khổ.
Tại sao tôi làm nghề tàu biển? Thứ nhất ngành này thu hút vốn cực lớn, mà tôi là người có thể huy động tiền nhiều. Chông chênh lắm, 4 năm đầu lỗ cả trăm tỷ đồng, nhưng khó nhất là xây dựng đội ngũ, và văn hóa công ty.
Chính anh em còn nói không thể tuyển dụng nhân sự phù hợp với văn hóa của anh đâu! Tôi nói, không, cứ xây dựng được văn hóa tốt thì những người cùng văn hóa với mình sẽ tụ về. Sau 4 năm, khi bắt được “con sâu” đưa ra khỏi đội ngũ, ngành tàu biển Phát Đạt bắt đầu phát triển, năm nay dự kiến lãi hơn trăm tỷ đồng.
Ngành nào cũng rủi ro, nhiều hay ít thôi. Phải quản trị được rủi ro để khi xảy ra thiệt hại ít nhất. Ngành tàu biển ảnh hưởng rất nhiều từ sự bất thường của biển cả, thị trường xăng dầu lên xuống, khó nhất là phải biết để chuẩn bị, khi rủi ro xảy ra có cách để đối diện với nó, quan trọng nhất là phải dám bỏ ra món tiền lớn để mua bảo hiểm.
Anh còn là người xây cầu Mỹ Lợi với hình thức BT, tạo sự đột phá lớn về giao thông cho người dân Tiền Giang và Long An, giờ còn làm thêm cầu Thủ Thiêm 4, thế anh điều hành ra sao?
Tôi vẫn nhắc lại, nếu cho tôi 6 tháng tìm hiểu sẽ làm được bất cứ ngành nghề mới nào. Đầu tư này là cùng với một người em, một người rất có uy tín. Dự án cầu Mỹ Lợi, Nhà nước yêu cầu 18 tháng, nhưng chúng tôi chỉ mất 14 tháng là hoàn thành, dù không có lời nhưng phải làm để tạo uy tín, từ đó mới có thể tiếp tục nhận các công trình khác.
Phải có tâm, có uy tín, thì mọi thứ sẽ có. Giờ chúng tôi đang làm cây cầu nữa ở miền Tây cùng dự án BT Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Bệnh viện Ung bướu.
Ngày khánh thành cầu Mỹ Lợi, dân đến rất đông, ai cũng tỏ ra vui mừng…, anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cộng đồng?
Trong cái chung có cái riêng. Phát triển doanh nghiệp phải đi đối với phát triển cộng đồng, nếu không không bền vững. Tôi không quá bị áp lực kiếm tiền, kiếm tiền là mục tiêu của doanh nghiệp, nhưng không phải mục tiêu cuối cùng.
Đối với Phát Đạt, lợi nhuận không tính bằng tiền, mà là uy tín. Làm cầu Mỹ Lợi thậm chí nhiều người nói “lộc liều”. Tôi nói nếu làm không lời thì mình vẫn học được cái nghề.
Đối với tôi chuyện làm ăn hay bất cứ gì khác phải suy nghĩ tích cực, tôi vẫn dùng từ win - win. Đối với Phát Đạt, trong quá trình phát triển bất động sản có thuận lợi, khó khăn, nhưng luôn chia sẻ với cộng đồng thì người dân, đối tác cũng giúp lại mình.
Tất nhiên thủ tục hành chính trong ngành bất động sản còn rất phiền hà, phải uyển chuyển mới làm được. Cách đây 10 năm doanh nghiệp nước ngoài lấn sân doanh nghiệp Việt, còn bây giờ, doanh nghiệp nước ngoài muốn lấn sân cũng không dễ đâu, phải mua lại dự án của doanh nghiệp trong nước.
Chương trình Khám phá năng lực các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (Leading Business tour) tặng quà lưu niệm ông Nguyễn Văn Đạt.
“Đàng hoàng lắm” là đã giảm 50% thủ tục
Làm ra tiền nhiều như thế, anh có cho đi như kiểu ông Bill Gates không?
Mục đích cuối cùng là đem niềm vui đến cho nhiều người. Có người hỏi tôi làm chi cho nhiều vậy? Đầu tiên là cho gia đình, anh em, quê hương mình, và sau đó là cộng đồng.
Tôi làm thật nhiều tiền để làm từ thiện, dĩ nhiên tôi không làm được như Bill Gates, nhưng tôi rất vui khi giúp được các em nhỏ có tiền đi học. Nhìn những em nhỏ miền núi đi đôi dép mòn chỉ còn một nửa, thấy xót lắm.
Đến thăm và hỗ trợ tài chính các em trường khuyết tật ở Quảng Ngãi, nhìn các em nạn nhân chất độc da cam múa hát, tôi không cầm được nước mắt.
Việc giúp đỡ các em là nguồn động lực, là niềm vui để thôi thúc tôi làm việc. Tôi dự định mở những quỹ cho sinh viên ra trường, cho các giáo viên nghèo. Trước tiên mình làm trong phạm vi nhỏ, sau đó mới lớn rộng ra, đó là động lực rất thật mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ.
Anh thường nói với bạn bè 5 năm nữa sẽ nghỉ điều hành trực tiếp?
Lớp trẻ bây giờ rất giỏi, nhưng trong quá trình phát triển cũng còn chông chênh lắm, ngủ đến 9-10 giờ mới dậy, hẹn thì hay đến trễ, mình phải huấn luyện dần cho người kế nghiệp.
Tôi muốn truyền lại nghề cho con trai (hiện nay đang đảm trách việc kinh doanh của công ty). Hãy mạnh dạn bàn giao và có kiểm soát. Ban cố vấn phải hỗ trợ để kiểm soát lại ban điều hành.
Tất nhiên giữa lý tưởng và thưc tế còn có khoảng cách, nhưng tôi quyết tâm 4 năm nữa sẽ có được đội ngũ lãnh đạo mới. Tuy nhiên, họ thiếu gì chúng ta sẽ bù đắp dần, mặc dù rất khó.
Với ông, để thành công, cảm xúc quyết định hay lý trí?
Đam mê chưa chắc đã thành công, phải có lý trí, có năng lực. Tôi chưa hề bước lên chiếc tàu vì rất sợ độ cao, nhưng tôi kinh doanh tàu biển thành công vì tôi biết có thể kiếm ra lợi nhuận từ ngành này.
Trong cuộc trò chuyện, anh nhắc nhiều đến “ mối quan hệ”?
Ở Mỹ luật pháp đã hoàn chỉnh, làm ăn cũng khó hơn, còn ở Việt Nam luật phát đang dần hoàn chỉnh, phải biết tận dụng chữ “dần”, đó là thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Quan hệ ở đây là quan hệ với anh em bạn bè, để chỉ dẫn mình làm ăn, quan hệ với anh em lớn để người ta giúp mình, dạy mình.
Phải có quan hệ thật sâu về tình cảm, biết đối nhân xử thế, để họ thấy mình làm ăn đàng hoàng, chứ không phải vì tiền. Doanh nhân trẻ muốn có sự thuyết phục phải xây dựng được mối quan hệ, mở rộng giao lưu để người ta thấy mình nhiều hơn.
Anh Hồ Hùng Anh đâu có dễ cho tôi vay 1.000 tỷ đồng trong vòng mấy chục phút, sau đó anh ấy đã hỏi rất nhiều nhà đầu tư cùng với tôi, và khi anh ấy nghe “thằng ấy đàng hoàng lắm” là đã giảm 50% thủ tục rồi.
Tôi rất vui khi được chia sẻ những trải nghiệm của mình với các bạn, để cùng nhau giảm bớt áp lực trong kinh doanh. Nếu anh em nào cần hãy nhắn tin cho tôi, chúng ta sẽ uống cà phê nói chuyện tiếp…
Thành công đầu tiên của Phát Đạt là xây dựng và bàn giao dự án căn hộ cao cấp Everich 1 tại giao lộ Lê Đại Hành – 3/2. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư hàng loạt dự án: Everich 2 – River City và Everich 3 (tại quận 7), Everich Infinity tại quận 5, dự án 132 Bến Vân Đồn, quận 4; dự án 239 Cách mạng tháng Tám, quận 3.
Phát Đạt cũng đang triển khai dự án BT xây dựng mới Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng và được Uỷ ban Nhân dân TP.HCM cho phép công ty nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối đường Nguyễn Văn Linh với khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng trị giá hơn 5.200 tỷ đồng. Ông Đạt là người sở hữu quỹ đất sạch lớn, lên tới 210ha với 10 dự án.
Ngoài việc đầu tư lớn cho việc kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Văn Đạt cũng mạnh dạn bỏ vốn đầu tư dưới hình thức BT xây cầu (cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Long An – Tiền Giang), đầu tư vận tải biển với một công ty mang tên Trường Phát Lộc với lợi nhuận dự kiến trong năm 2016 lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo Kim Yến - Bizlive