(Tin kinh te)
"Nữ hoàng sữa Việt" hay "người đàn bà thép" chính là những mỹ từ mà báo chí hay dùng để ca ngợi nữ tướng Vinamilk - bà Mai Kiều Liên.
Doanh nhân quyền lực
Sinh ra tại Pháp, năm lên ba tuổi, bàMai Kiều Liên theo bố mẹ về nước đã đáp lại lời kêu gọi muốn Việt kiều về đóng góp cho đất nước lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà Liên được Nhà nước cử đi học ngành chế biến sữa tại Nga - một ngành còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
Năm 1976, sau khi tốt nghiệp, bà Mai Kiều Liên không ở lại xứ người làm việc mà trở về Việt Nam để trở thành một nữ kỹ sư trong Công ty sữa và cà phê miền Nam - tiền thân củaVinamilk, khi đó chỉ là một doanh nghiệp nhỏ.
Với tư chất thông minh, ham học hỏi, bà đã biết áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học cùng sự sáng tạo của bản thân. Từ vị trí một kỹ sư, bà dần dần được phân công làm Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Trong suốt hành trình 40 gắn bó với Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã có những đóng góp lớn, giúp biến Vinamilk từ một doanh nghiệp nhỏ với tài sản chỉ vài trăm nghìn USD trở thành trong những công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường, 7,5 tỷ USD với doanh thu, lợi nhuận tăng ổn định qua các năm. Tới nay, tới 90% ý tưởng sản phẩm mới được Vinamilk đưa ra thị trường hằng năm được phát triển dựa trên ý tưởng của bà.
Và thực tế đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của bà, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công nhất tại Việt Nam.
Kết thúc năm 2015, Vinamilk đạt hơn 40.000 tỷ đồng doanh thu và 1.770 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 14% và 28% so với kết quả đạt được năm trước.
Trong quý I/2016, tình hình kinh doanh sản xuất của Vinamilk ghi nhận những tín hiêu khả quan khi doanh thu thuần của Vinamilk đạt 10.369,87 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 3.161 tỷ đồng, trong đó, lợi ích công ty mẹ là 2.626 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2016, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.266 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 6% so với năm 2015.
Bà Liên cũng tỏ ra khá tham vọng khi đặt mục tiêu Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ đạt doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017. Để đạt được điều này, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, sẽ có những trang trại lớn để 2017 sẽ tự túc 40% nguyên liệu từ bò trong nước, giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài.
Với những kết quả đạt được, bà Liên liên tục được xướng tên trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất Châu Á do tạp chí Forbes bình chọn trong khi Vinamilk cũng lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từng nhiều lần thất bại...
Thành công là vậy, nhưng con đường kinh doanh của Mai Kiều Liên không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Mặc dù chiếm đến 75% thị phần sữa Việt cùng với những dòng sản phẩm sữa vô cùng thành công, Vinamilk cũng gặp những thất bại liên tiếp khi lấn sân vào lãnh địa mới của những dòng sản phẩm không phải là sở trường.
Năm 2005, Vinamilk cho ra đời thương hiệu cafe Moment và đã khá thành công khi giành được gần 3% thị phần không lâu sau đó. Tiếp đà, Vinamilk đã đầu tư hẳn một nhà máy sản xuất cà phê vào năm 2007. Tuy nhiên, thương hiệu này không trụ được lâu khi thị phần dần dần lọt vào tay các đối thủ. Chiến dịch sử dụng hình ảnh của Arsenal cũng thất bại.
Đến năm 2010, Vinamilk quyết định chuyển nhượng nhà máy cà phê cho Trung Nguyên với giá gần 40 triệu USD, theo đó, Cafe Moment - thương hiệu cafe đầu tiên và duy nhất của Vinamilk, đã biến mất khỏi thị trường.
Tương tự như cafe, bà Liên dường như cũng không có duyên với ngành bia. Năm 2006, Vinamilk đã liên doanh với Tập đoàn SABmiller để thành lập Công ty SABmiller Việt Nam. Nhà máy bia SABmiller đặt tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít/năm đã được khánh thành vào tháng 3/2007.
Tuy nhiên, bia Zorok còn khá mới tại thị trường Việt Nam vốn đã có nhiều nhãn hiệu khác trên thế giới như Tiger, Heineken, San Miguel. Hơn nữa, cũng khó để dựa vào hệ thống phân phối sữa để bán bia nên chỉ sau hơn 2 năm hoạt động, Vinamilk đã nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho SABmiller.
Bà Mai Kiều Liên cũng thẳng thắn chia sẻ "đầu tư hai năm không triển vọng nên tôi bán, không lỗ nhưng điều đó cũng thể hiện mình suy nghĩ chưa tới. Đó là một bài học và bây giờ thì tập trung chuyên sâu về mặt hàng sữa".
Tuy vậy, Tổng giám đốc Vinamilk cũng khẳng định, nếu sau này có một mặt hàng nào có thể sinh lời tốt thì Vinamilk vẫn có thể mua lại để kinh doanh.
Bí quyết thành công - Con người!
Chia sẻ một trong những bí quyết quan trọng nhất góp phần vào sự thành công của Vinamilk, bà Liên cho rằng, đó chính là yếu tố con người. "Tại Vinamilk, chúng tôi có một đội ngũ nhân lực mà tôi cho rằng sẽ ít cho doanh nghiệp nào có được. Họ gắn bó với Vinamilk từ hàng chục năm nay, kể từ công nhân, kỹ sư, quản lý, lãnh đạo. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ về làm với Vinamilk từ vị trí thấp, sau đó thăng tiến dần dần lên vị trí cao hơn", bà Liên nói.
Bà Liên cũng thừa nhận, bà là người rất lo xa, nghĩ tới nghĩ lui, giả định trường hợp xấu nhất thì phải làm sao, để phòng ngừa rủi ro. Và quan trọng nhất, người phụ nữ này có khả năng thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể.
Có thể nói, những thành tựu mà Vinamilk đạt được trong ngày hôm nay có một phần đóng góp rất lớn của vị "nữ thuyền trưởng". Tạp chí Nikkei nhận định: “Bà Mai Kiều Liên là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại Châu Á. Vinamilk đã đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam thấy được sự cần thiết của những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe".
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên thì đánh giá về bà như sau: “Một nữ tướng hiếm hoi của thời nay, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết chơi và biết thắng. Một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà cả những đấng mày râu phải nể phục”.
Theo Bizlive