Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2015 đạt gần 3,64 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu lao động 'chui' tại Nghệ An: Nhiều rủi ro
- Cập nhật : 10/09/2015
(Tin kinh te)
Cả chục ngàn lao động tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng đang thất nghiệp; Doanh nghiệp, công ty tại địa phương kêu thiếu lao động phổ thông, trong khi con em miền núi, miền biển lại tìm đủ cách xuất khẩu lao động “chui”. Thực trạng đáng lo ngại tại Nghệ An.
Hàng ngàn lao động Việt Nam chờ đợi để được làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Việt Hương
“Thừa thầy, thiếu thợ”
Nghệ An là một tỉnh có dân số đứng thứ 4 trong cả nước, quy mô dân số cao, lao động lớn nhưng lại chiếm 3/4 là rừng núi đang tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.
Đề án “giải quyết việc làm cho người lao động Nghệ An 2015-2020” nêu rõ: Với tổng số trên 3 triệu người dân Nghệ An, con số đang trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi) chiếm gần 1,7 triệu dân. Trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%, qua đào tạo nghề chiếm 46%. Hằng năm có khoảng 40 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong tỉnh và trung ương về Nghệ An tham gia tuyển chọn được khoảng 12.000 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài theo con đường chính thống.
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Nghệ An cho biết: “Theo thống kê đến năm 2015, toàn tỉnh có gần 23.000 người chưa có việc làm và hàng vạn lao động thiếu việc làm thì con số lao động tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ từ năm 2010 đến nay chiếm hơn một nửa (12.587 người). Trong khi số lao động phổ thông chưa qua đào tạo chỉ có hơn 9.000 người, các doanh nghiệp ráo riết tuyển mà không ra. Chính vì thế nói lao động phổ thông của Nghệ An thiếu việc làm là không đúng”.
Theo ông Toàn, một thực trạng đáng ngại nhất là số con em có trình độ học vấn ra trường thất nghiệp chiếm một số lượng khổng lồ. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các trường ĐH, CĐ ồ ạt chiêu sinh, đào tạo đủ ngành nghề nhưng đầu ra đang là vấn nạn, sự bức bí.
Em Nguyễn Thị Hồng (Diễn Châu - Nghệ An) cho biết: “Em học chuyên ngành Quản trị kinh doanh ra trường được 2 năm rồi mà không tìm được việc làm. Đến công ty giày da nộp hồ sơ, họ nói chỉ cần lao động phổ thông, không có chỗ cho người học đại học. Giờ em chỉ biết đi chăn bò chứ làm gì”.
Rủi ro lớn
Xuất khẩu lao động là con đường được nhiều người lựa chọn nhưng chi phí đi xuất khẩu lao động khiến không ít người băn khoăn. Một số kẻ xấu đã tìm đủ mọi cách về tận các vùng sâu, xa, vùng ven biển, dùng lời ngon ngọt để bà con cho con em đi lao động nước ngoài bằng con đường không chính thống nhanh làm giàu. Ông Nguyễn Văn Bình (55 tuổi) ngụ tại xã Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai - Nghệ An) cho biết: “Con tui đi lao động tại Hàn Quốc, theo chương trình đi du lịch do người quen ở Vinh giới thiệu. Gần 2 năm rồi, nhưng mới chỉ gửi được 20 triệu về trả nợ, chẳng thấm vào đâu. Khi đi họ nói, mỗi tháng thu nhập 20 triệu đồng, nhưng con điện về bảo tiền làm thuê chẳng đủ, phải sống chui lủi bên đó”.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có không ít người lựa chọn hình thức đi lao động tự do, hay còn gọi là đi “chui”. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động thông qua các kênh không hợp pháp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Khoảng giữa tháng 2 hằng năm, tại cửa khẩu cầu treo có khoảng 3.000 lượt khách nối hàng làm thủ tục xuất cảnh sang Lào, Thái Lan để lao động, làm ăn buôn bán. Ghi nhận chung, lao động Việt Nam chọn các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia… để mưu sinh là vì được sống gần Việt Nam, người dân bản địa của những quốc gia này biết chia sẻ sự đồng cam cộng khổ, mến mộ người Việt.
Tay nghề của lao động nông thôn Việt Nam mang sang đất Lào, Thái Lan chủ yếu là xây dựng, thợ hồ, thợ mộc và dịch vụ giao thương nhỏ. Kinh phí đi lại quá rẻ cho lao động lựa chọn công việc phù hợp trên đất nước bạn. Điều đáng nói, trong số đó nhiều người đi theo dạng “chui”.