Trao đổi với chúng tôi khi công bố nội dung TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, TPP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước có tổng GDP chiếm 85% khối phê chuẩn.
TP.HCM: Năm năm nữa hết kẹt xe, ngập nước?
- Cập nhật : 10/11/2015
(Thoi su)
Để phát triển đô thị theo đúng quy hoạch thì TP.HCM cần hơn 1 triệu 300 ngàn tỉ đồng.
Theo ông Hòa, ngoài Phú Mỹ Hưng, quy hoạch các khu vực dọc theo trục Nguyễn Văn Linh đã bị phá sản. Trong ảnh: Một khu đô thị dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện chỉ là bãi đất trống. Ảnh: VIỆT HOA
“Nếu làm đúng lộ trình, đúng phương pháp thì tôi tin là trong vòng năm năm tới TP.HCM sẽ cơ bản giải quyết được hai vấn đề ngập nước, kẹt xe” - PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thông tin bên lề hội thảo khoa học Quản lý quy hoạch - kiến trúc TP.HCM ngày 6-11.
. Phóng viên: Dựa trên những cơ sở nào để ông khẳng định như thế?
+ PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa : Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP.HCM mới đạt 10 triệu người và TP sẽ phải đầu tư rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đáp ứng cho số dân này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay dân số TP đã đạt đến 10 triệu người rồi.
Thực trạng TP.HCM những năm qua cho thấy đi cùng với sự gia tăng dân số là kẹt xe, ngập nước. Nguyên nhân chủ yếu do quản lý quy hoạch đô thị chưa tốt dẫn đến việc lấp rạch, xây dựng tràn lan, ảnh hưởng đến dòng chảy. Hiện TP tập trung giải quyết bài toán ngập nước bằng các giải pháp truyền thống như đắp bờ kè, khơi thông cống rãnh, đồng thời hướng đến các giải pháp hiện đại như xây dựng hồ, hầm ngầm chứa nước.
Còn để giải quyết kẹt xe, TP vẫn đang phát triển hệ thống giao thông công cộng để từng bước hạn chế xe máy. Năm 2018 sẽ đưa vào khai thác tuyến metro số 1 và tiếp tục đầu tư các tuyến metro còn lại để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thêm vào đó, Đảng bộ, chính quyền TP cũng đang tập trung đẩy mạnh chương trình chỉnh trang, nâng cấp đô thị, giải tỏa hàng chục ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch. Nhờ đó kênh rạch được khơi thông dòng chảy, giúp thoát nước tốt hơn.
Nếu chúng ta làm đúng lộ trình, đúng phương pháp nêu trên thì tôi tin là người dân sẽ ủng hộ. Và trong vòng năm năm tới TP.HCM sẽ cơ bản giải quyết được hai vấn đề này.
. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, việc phát triển về phía nam càng khiến TP.HCM ngập lụt nhiều hơn?
+ Phải nhìn nhận là chúng ta phát triển đô thị chưa đúng cách. Thực tế TP cũng từng mắc phải sai lầm khi phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang. Tức là người dân làm nhà phố, phân lô tràn lan khiến cho tình trạng bê tông hóa ngày càng nhiều, cộng với việc san lấp kênh rạch dẫn tới nhiều nơi ngập nặng.
Một ví dụ cụ thể là do không quản lý được việc thực hiện quy hoạch nên đến bây giờ, ngoài khu Phú Mỹ Hưng ra thì các khu đô thị khác dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh gần như phá sản theo quy hoạch được duyệt vào năm 1994. Hậu quả là TP đang phải nỗ lực tìm giải pháp kéo lại hình hài một đô thị phía nam vừa chống được kẹt xe, vừa giảm được ngập nước.
Một TP phát triển bền vững thì phải phát triển về mọi hướng. Phát triển TP về hướng nam sẽ tốn kém rất nhiều nhưng nếu chúng ta làm tốt và tôn trọng quy hoạch thì sẽ không bị ngập. Một vùng ngập nước phải có các giải pháp phù hợp như xây nhà cao tầng, trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ, kênh rạch (điều này Phú Mỹ Hưng đã làm được). Do đó, nếu khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp hợp lý chắc chắn TP sẽ thực hiện được.
. Thưa ông, vấn đề lớn nhất của TP.HCM gặp phải trong quá trình đầu tư phát triển đô thị là gì?
+ Đó là vốn và con người. Theo tính toán của chúng tôi, để phát triển đô thị theo đúng quy hoạch TP.HCM cần hơn 1 triệu 300 ngàn tỉ đồng. Một con số rất khủng khiếp. Một vấn đề quan trọng không kém là chúng ta phải có con người vừa có trình độ vừa có tâm để sử dụng được nguồn vốn này vào thực tiễn. Thời gian qua, khi đầu tư vào một số công trình lớn, TP đã thấy mệt mỏi vì thiếu cán bộ quản lý đạt yêu cầu này.
. Xin cám ơn ông.