tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 23-07-2016

  • Cập nhật : 23/07/2016

Cay đắng bị Campuchia, Myanmar vượt mặt, giật khách

Nhiều DN dệt may tỏ ra đau xót khi đơn hàng rầm rộ chuyển sang Campuchia, Myanmar vì chi phí của sản phẩm dệt may Việt Nam đang đắt đỏ hơn. Nhiều công ty còn tính đến việc thu hẹp sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu tình hình không cải thiện.

Nỗi buồn một doanh nhân

“Chúng tôi cũng mang tư tưởng lớn lắm chứ, vác đá vá trời lắm chứ” - ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng, dốc bầu tâm sự khi nhìn vào thực trạng không tươi sáng của ngành dệt may.

Ông Thịnh xúc động: “Nhiều khi tôi cay đắng lắm chứ. Khi lãnh đạo một tập đoàn lớn đến làm việc, họ ngang hàng với tôi cả về tuổi đời kinh doanh lẫn tuổi tác. Trong khi tôi chỉ xuất khẩu được 300 triệu USD thì họ đã đạt 1,6-1,7 tỷ USD. Nếu trừ đi nguyên vật liệu nhập khẩu, thực sự con số xuất khẩu của chúng tôi chỉ là 130 triệu USD.

"Cùng sinh thời như nhau, nhưng chính sách khác nhau đã tạo ra DN sự phát triển khác nhau”, ông Thịnh buồn bã khi thấy DN Việt nói chung cứ ngày càng còi cọc.

Vị giám đốc của DN hơn 10.000 lao động này thừa nhận, so với các tập đoàn lớn, DN của ông vẫn “không là cái đinh gì”. Bản thân ông cũng chưa biết khi nào ở tầm của các DN lớn cỡ hàng trăm nghìn lao động.

“Thời gian còn lại của tôi có lẽ không làm được điều ấy. Tôi chỉ có thể hy vọng con cái của chúng tôi sau này có những người bằng hoặc vượt ông chủ tập đoàn kia”, ông Thịnh gửi gắm hy vọng.

Nhưng, để chờ được đến ngày đó, ông Thịnh sẽ phải sống sót qua giai đoạn này, một giai đoạn mà ông Thịnh tóm tắt bằng những từ ngữ không mấy lạc quan “doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, đơn hàng không đủ”.

“Các DN đang phải nhận lung tung, có gì làm đó để qua cơn bĩ cực này”, ông Thịnh lo âu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP may Hưng Yên, nói thêm: "Chúng tôi hiện có 13 DN với 14.000 lao động. Thời điểm này những năm trước, chúng tôi đã có đơn hàng ký đến hết năm. Thế mà giờ nhiều đơn vị đến tháng 8 còn chưa đủ việc. Chúng tôi đang phải ăn đong.

“Hầu như tất cả các đơn hàng đều yêu cầu giảm giá để cạnh tranh với thị trường khác. Giá đơn hàng đã giảm từ 10-15%, thậm chí có đơn hàng yêu cầu giảm 20%”, ông Dương nói và cho biết phải cắn răng chấp nhận vì “ăn cháo còn hơn nhịn đói”.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, bộc bạch: “Lắm lúc nghĩ không biết là đi về đâu bây giờ. Thị trường xuất khẩu đang rất khó, trong nước lại càng khó. Người ta nói tham gia TPP, DN dệt may hưởng lợi, chưa thấy lợi đâu đã thấy hại. Khách hàng liên tục đòi giảm giá, không giảm giá không lấy được đơn hàng. Trong khi nếu hạ giá thì nguy cơ lỗ, giải thể”.

“Các nước xung quanh có chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN giảm giá thành. Nhưng chính sách hỗ trợ của ta lại chưa tới, chỉ thấy góp phần làm tăng giá thành của DN lên”, ông Thời than thở.

Đơn hàng về tay Campuchia, Myanmar

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, lo ngại: TPP chưa thấy đâu nhưng chúng ta đang phải cạnh tranh với các nước ngoài TPP. Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc,... lập tức điều chỉnh giảm lương tối thiểu, bảo hiểm hay hỗ trợ thuế VAT cho DN,... Họ có biết bao chính sách cứu DN ngành may mặc.

“Trong khi ta chưa được hưởng ưu đãi, các quốc gia đã 'chiến đấu' với chúng ta, cho nên hàng loạt đơn hàng chuyển khỏi Việt Nam rất nhanh”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.

nhieu dn lo thieu don hang. anh minh hoa: bhq

Nhiều DN lo thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa: BHQ

Nhắc đến việc chi phí tăng chóng mặt thời gian qua, ông Bùi Đức Thịnh kêu “không còn đủ sức nữa”.

“Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... đang là gánh nặng. Mỗi năm trung bình chúng tôi mất 50-60 tỷ. Lãi của 1 DN nhiều lắm lên được 4-6%/năm, thế nhưng chi phí lại tăng mấy chục phần trăm thì DN sống làm sao được”, ông Thịnh mệt mỏi.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng: Lợi thế cạnh tranh của DN nước ta so với các nước đang kém hơn. Campuchia hay Bangladesh được hưởng những dòng thuế xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu thấp hơn ta. Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, đồng lương tối thiểu của họ cũng thấp hơn Việt Nam. Ngay cả Trung Quốc cũng giảm ngay chi phí bảo hiểm xã hội từ 22% xuống còn 18%, đó là điều kiện họ thu hút đơn hàng...

Chi phí ở Việt Nam tăng cao, hệ quả là, khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar... Trước tình hình đó, lãnh đạo các DN cho biết đã tìm mọi cách tiết giảm chi phí, từ việc “hứng nước mưa” cho đến “dùng ánh sáng mặt trời”.

“Chúng ta phải tự cứu trước khi trông chờ sự hỗ trợ từ nền kinh tế thế giới. Trước làm 1, giờ phải làm 3-4, thậm chí phải làm 10. Chúng ta cứ như thế này thì chỉ có con đường đóng cửa nhà máy”, bà Huyền cảnh báo. “Nếu không có chính sách hỗ trợ DN thì chắc chắn kịch bản rất xấu sẽ xảy ra”.

Ông Bùi Đức Thịnh cũng không giấu lo lắng: Giả dụ đến năm 2018, TPP có hiệu lực, thị trường mở cửa rồi mà chính sách vẫn eo hẹp thế này, DN chỉ đứng đó mà ngáp dài, không thể làm được, sẽ chỉ nuối tiếc mãi mà thôi.(Vietnamnet)

Vì sao DN phản ứng Bộ Công thương cho nhập 200.000 tấn đường?

Các doanh nghiệp mía đường đã có lời “khẩn cầu” đối với Bộ Công thương khi được biết Bộ này đã đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu bổ sung 200.000 tấn đường.

Theo đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 09/2016/TT-BCT ngày 1/7/2016 quy định việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường năm 2016 với lượng 100.000 tấn không kể 85.000 tấn theo cam kết WTO, đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào đưa về.

Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết tại TP.HCM, vụ sản xuất năm 2015 – 2016 cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động tổng công suất thiết kế là 150.500TMN, tương đương với vụ trước với sản lượng đường dự báo sản xuất được là 1.237.300 tấn. Trong đó đường luyện là 700.000 tấn. So với vụ trước, sản lượng đường giảm 180.500 tấn (12,73%), đây là năm thứ hai liên tiếp giảm sản lượng đường.

Đến ngày 15/6/2016, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 416.009 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 26.569 tấn.

Tổng lượng đường các nhà máy bán ra trong 6 tháng đầu năm 2016 là 821.291 tấn. Chủ yếu là tiêu thụ trong nước. So với 6 tháng đầu năm 2015 tổng lượng đường bán ra giảm 204.479 tấn

Trước thông tin về lượng đường đang tồn kho trong nước và thông tin sẽ nhập đường bổ sung trong thời gian tới, bà Bùi Thị Quy TGĐ một công ty mía đường tại tỉnh Phú Yên nói thẳng: “Không nên nhập khẩu 200.000 tấn đường. Bởi đang tồn kho trên 400.000 tấn đường. Tại sao không tạo điều kiện cho ngành đường phát triển mà phải nhập đường?”

Một đại diện Tổng công ty mía đường 1 cũng nói: “Nhập khẩu WTO là 85.000 tấn đến giờ chưa thực hiện được, mà tại sao phải nhập thêm 200.000 tấn nữa?”

Trong khi đó ông Lê Văn Phương, TGĐ công ty mía đường Lam Sơn thì cho biết: “Trong các báo cáo chưa tính đến vấn đề nhập lậu, hiện từ 250.000 – 3000.0000 tấn theo đánh giá của Hiệp hội họp. Theo đó lượng đường tồn kho của nước ta là hơn 300.000 tấn, vụ sau dự báo tồn sẽ hơn 500.000 tấn đường. Tại sao không nhập theo WTO là 85.000 tấn đường trước để ổn định cung cầu mà phải nhập 100.000 tấn trước. Ta cần xem xét lại”.

Trước phản ứng của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Lộc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: “Sản lượng đường ước tính giảm 200.000 tấn so với niên vụ trước, nên đây là năm đầu tiên kể từ năm 2012, phải xin Chính phủ nhập khẩu một lượng đường là 200.000 tấn ngoài lượng đường nhập khẩu tối thiểu theo cam kết WTO là 83.000 tấn”.

Thời gian qua, Hiệp hội mía đường phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện, phá nhiều vụ nhập lậu lớn.

Cụ thể, tiếp theo vụ trùm buôn lậu Tỷ “đường” bị bắt vào tháng 2/2015, hai đường dây buôn lậu đường khác ở An Giang cũng bị triệt hạ là của Nguyễn Thị Giếng (9/2015) và của Vi Thị Kim Mai (1/2016). Ngoài ra các đường dây khác cũng bị ngăn chặn và bị bắt tịch thu nhiều lô đường lớn.

Tại hội nghị, ông Phạm Quang Vinh – Phó Tổng GĐ điều hành công ty CP mía đường Cần Thơ nhận xét 6 tháng hoạt động và chống buôn lậu: “Trong đánh giá cung cầu của các báo cáo, chưa thấy đánh giá về đường nhập lậu! Hiện tại vùng ĐBSCL, biên giới An Giang nhập lậu rất… dữ. Hàng năm nhập lậu theo chúng tôi đánh giá không dưới 200.000 tấn đường”.

Ông Lê Văn Phương, TGĐ công ty mía đường Lam Sơn cũng đồng nhận định: “Trong các báo cáo chưa tính đến vấn đề nhập lậu, hiện từ 250.000 – 3000.0000 tấn theo đánh giá của Hiệp hội họp hôm trước”.

Trong khi đó GĐ công ty TNHH thương mại Toàn Phát cho rằng: “Giá đường thời gian qua “lên cao” thì đường lậu về nhiều. Đường lậu tại TP.HCM và ĐBSCL rất nhiều, phải trên 300.000 tấn. Cuối tháng 3 là giá đường bán rất cao và chúng tôi không kinh doanh được”.

Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam thì cho rằng: “ Cho đến nay, đường lậu không ồ ạt nhưng vẫn thâm nhập, mở rộng địa bàn nhưng như nhiều năm trước”.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng đánh giá rằng dù còn tình trạng nhập lậu nhưng nhờ các cơ quan chức năng chống buôn lậu ngăn chặn có hiệu quả nên hoạt động đường lậu tuy có mở rộng địa bàn nhưng số lượng được hạn chế hơn các năm trước.

“Hiệp hội đã trích quỹ chống buôn lậu, khen thưởng kịp thời cho công an tỉnh An Giang. Kết quả của việc chống buôn lậu đã góp phần làm cho việc tiêu thụ đường sản xuất trong nước tốt hơn” – vi này cho biết.

Tuy vậy cũng cho ý kiến cho rằng việc chống buôn lậu đã đem lại lợi ích lớn cho các nhà máy đường và việc góp quỹ chống buôn lậu đường với mức đóng góp chỉ 2 đồng/kg là cần thiết, nhưng hiện vẫn có doanh nghiệp trong và ngoài hiệp hội thiếu tự nguyện, từ chối và cho rằng đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. (Infonet)

Cảnh sát Mỹ truy tìm băng đảng gốc Việt sau 4 án mạng

Cảnh sát San Jose, bang California, nghi ngờ một nhóm tội phạm gốc Việt đứng sau 4 vụ nã súng gây chết người ở khu vực. 

hai nghi pham gay an trong vu ban chet mot nguoi hoi thang 12/2014. anh:mercurynews

Hai nghi phạm gây án trong vụ bắn chết một người hồi tháng 12/2014. Ảnh:Mercurynews

Các sĩ quan an ninh của San Jose hôm 19/7 công bố một đoạn video với mục đích lần ra manh mối của 4 vụ nổ súng gây chết người có thể có liên quan với nhau, Abc7news đưa tin.

"Hiện chưa rõ các vụ này có phải do một nhóm tội phạm thực hiện hay không, nhưng chúng tôi đang điều tra theo hướng này", Paul Spagnoli, chỉ huy Đơn vị phụ trách các vụ án mạng, Sở cảnh sát San Jose, nói.

Vụ gần nhất xảy ra vào tối ngày 27/6, nạn nhân bị bắn chết ở khu Cape Aston Court là Justin Tran, 26 tuổi. Các nhân viên cứu thương cho hay người này thiệt mạng ngay ở hiện trường. Các nghi phạm cùng đi trên chiếc xe Lexus màu đen, một trong số họ bước về phía xe của Tran và bắn anh ta nhiều phát trên ghế ngồi. 

Vụ thứ hai vào đêm 11/3 ở quán cafe Bon Mua ở trên phố Tully. Brian Le, 43 tuổi, thiệt mạng sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, người thứ hai may mắn sống sót. Camera an ninh cho thấy một người có súng đội mũ len, mặc áo khoác kéo khóa, chạy khỏi hành lang.

Trong vụ việc thứ ba hồi tháng 12/2014, bên ngoài quán cafe Golden King ở đại lộ Alum Rock, Thach Thiet Dien Duong, 41 tuổi, bị bắn chết, sau khihai người đàn ông gốc Á bước đến gần nạn nhân và nổ súng liên tiếp. Vụ thứ 4 xảy ra hồi tháng 4/2013, Viet Tran, 37 tuổi, trúng đạn và chết ngay tại hiện trường trên phố Senter. 

Cảnh sát cho hay cả 4 nạn nhân này đều thường đến các quán cafe, nơi xảy ra nổ súng. Các địa điểm này qua nhiều năm bị cáo buộc liên quan đến bạo lực, đánh bạc trái phép hoặc có hoạt động mại dâm.

Lực lượng an ninh kêu gọi mọi người có manh mối về các vụ nổ súng trên gọi đến số của Đơn vị phụ trách án mạng thuộc sở Cảnh sát San Jose là(408) 277-5283. Những ai muốn giấu danh tính có thể gọi đến Cơ quan Ngăn chặn tội phạm thung lũng Silicon tại số (408) 947-7867.

Người mua nhà phải gánh thêm phí làm hệ thống điện, nước

“Người mua nhà có cơ hội mua nhà giá thấp hơn nếu doanh nghiệp bất động sản (BĐS) không phải gánh thêm chi phí thực hiện hệ thống các công trình điện, nước”.

Đây là một trong những nội dung tại công văn của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa gửi các bộ, ngành nêu rõ về những bất hợp lý trong đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước đến đồng hồ căn hộ dự án.

Theo HoREA, các công ty BĐS đã phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ căn hộ. Sau đó bàn giao toàn bộ tài sản này (làm tăng thêm nguồn tài sản bổ sung rất lớn) cho công ty điện lực, công ty cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn.

“Toàn bộ chi phí thực hiện các công trình này chiếm khoảng 2%-3% chi phí đầu tư của dự án BĐS. Khoản chi phí này được phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà” - HoREA cho biết.

Để giải quyết điều bất hợp lý này, HoREA kiến nghị: Các công ty điện lực và cấp nước phải đầu tư hệ thống lưới điện và đường ống nước đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán điện cho người tiêu dùng, tương tự cách làm của các doanh nghiệp điện thoại, truyền hình, Internet…, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục