ICAO sửa bản đồ FIR Tam Á theo yêu cầu của Việt Nam
NHNN sẽ kiểm tra thông tin dừng triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng
TPHCM: Chỉ số nhà ở quý 4/2015 tăng mạnh nhất trong lịch sử
Reuters "hết lời khen ngợi" Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Phát hiện tàu vận chuyển trái phép hơn 13.000 m3 xăng Ron 92
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 05-04-2016
- Cập nhật : 04/04/2016
Xử lý nghiêm vụ vận chuyển trái phép gần 9.000 lít chất lỏng nghi là xăng máy bay
Theo nguồn tin tố giác tội phạm phản ánh qua đường dây nóng của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngày 4-3, tại K 165, thị trấn Bần, Hưng Yên, xe ô tô mang BKS: 29C-391.61 câu kết với xe xăng Quân đội có nghi vấn chở xăng máy bay đặc chủng pha trộn với loại xăng kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Sau khi nhận được tin báo từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 11 tổ chức đeo bám và xác nhận thông tin từ đường dây nóng thông báo.
Đến khu vực Trạm Kiểm soát vé tại phố Nối, Tổ công tác gồm: Đội Quản lý thị trường số 11 và Phòng An ninh kinh tế, Công an Hưng Yên (Phòng PA81) tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe có chở 8.815 lít chất lỏng.
Tại đây, lái xe không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ lô hàng trên xe. Ngay sau đó, Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên đã làm thủ tục trưng cầu giám định chất lượng lô hàng trên.
Theo kết quả giám định từ Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), mẫu hàng được giám định trên có các chỉ tiêu: Trị số octan và hàm lượng chì không phù hợp với yêu cầu đối với quy định kỹ thuật của xăng không chì tại QCVN 1:2015/BKHCN (không xác định được trị số octan của mẫu, không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu vào buồng đốt).
Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên đã phối hợp với Phòng PA81 hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, chuyển hồ sơ cho Đội Quản lý thị trường số 11 và xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu (theo điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng).
Ngày 21/3, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hưng Yên căn cứ vào kết quả giám định của Trung tân Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 1, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký văn bản gửi Ban Chỉ đạo 389 Hưng Yên trong đó nêu rõ, đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, đối tượng; rất có thể số hàng hóa trên là loại xăng cao cấp, chuyên dùng cho máy bay của các đơn vị Quân đội sử dụng vào mục đích quân sự, quốc phòng.
Quá trình điều tra, xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên (là nhập lậu ở đâu, bao giờ? Doanh nghiệp nào đứng tên…? Có phải là hàng hóa của các đơn vị Quân đội trên địa bàn móc nối bán ra ngoài để thu lợi bất chính hay không?).
Để đảm bảo thận trọng, khách quan, chính xác trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý vụ việc, tránh bỏ lọt, bao che tội phạm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Hưng Yên chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tuc điều tra, xác minh, kết luận chính xác, khách quan và đề xuất xử lý nghêm minh hành vi vi phạm theo quy định.
Trường hợp có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Quân đội thì báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo phối hợp điều tra, xử lý.
Nhập cả trăm tấn kháng sinh cấm để… nuôi trồng thủy sản
Chất cấm, kháng sinh vẫn rất phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, từ khâu nhập khẩu đến khâu sử dụng.
Cục Thú y cho biết, chỉ riêng trong năm 2015, có 16 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin với khối lượng 109.440kg, 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu Oxytetracyclin với khối lượng 284.900kg. Ngoài ra còn có 5 công ty nhập khẩu hơn 6.800kg nguyên liệu kháng sinh Tetracycline. Tất cả các công ty đều đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích sản xuất thuốc thú y. Đây là ba nhóm nguyên liệu kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Tình trạng nhập khẩu khối lượng lớn các loại kháng sinh, nguyên liệu kháng sinh này đã dẫn tới việc sử dụng tràn lan kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Bằng chứng là kết quả lấy mẫu, kiểm tra mẫu các hộ nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL mới đây cho thấy, có đến 82,7% số hộ nuôi cá tra thương phẩm tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang sử dụng kháng sinh, bao gồm cả kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Amoxicillin, Ampi, Enrofloxacin, Tetracyclin…
Ngoài ra, tỉ lệ các hộ ương nuôi cá tra giống, nuôi tôm thương phẩm cũng ở mức cao báo động, hậu quả là tình trạng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều nước trả về do tồn dư kháng sinh với tỉ lệ cao.
Cụ thể, trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, Cục Thú y đã tổ chức triển khai khảo sát trực tiếp tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL. Kết quả cho thấy có đến 79,4% số hộ nuôi cá tra được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Tỉ lệ này đối với các hộ nuôi tôm là khoảng 68%.
Theo nhận định của Cục Thú y, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng thủy sản những năm qua đã ở mức báo động, đặc biệt là các loại kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng. Trong khi đó, việc nhập khẩu các loại kháng sinh này thời gian qua vẫn rất phổ biến.
Do đó, Cục Thú y đề xuất tập trung thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu và lạm dụng kháng sinh đối với các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản gồm Enrofloxacin, Nitrofuran. Các chất hạn chế sử dụng trong chăn nuôi và thủy sản như Tetracycline, Oxytetracycline cũng được Cục Thú y yêu cầu kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu.
Yêu cầu Thái Lan đối xử nhân đạo với ngư dân bị bắt
Ngày 3-4, Hải quân Thái Lan đã tổ chức họp báo về vụ bắt giữ 47 ngư dân Việt Nam, bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển của Thái Lan.
Tại cuộc họp báo, Phó Đô đốc Rungsarit Sattayanukul, Tư lệnh Hải quân vùng I của Thái Lan, cho biết 5 tàu cá của Việt Nam đã bị bắt vào sáng 2-4 khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Thái Lan ở gần tỉnh Chon Buri, đồng thời đánh bắt nhiều loại hải sản bị cấm đánh bắt theo luật pháp Thái Lan.
Cuộc họp báo được tiến hành tại quân cảng Sattahip, tỉnh Chon Buri, sau khi 5 tàu cá của Việt Nam cùng 47 ngư dân được dẫn giải về đây.
Hiện những người này bị tạm giam ở Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I và sẽ được chuyển giao cho cảnh sát để truy tố theo luật pháp Thái Lan.
Có mặt tại cuộc họp báo, đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã yêu cầu phía Thái Lan đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt giữ.
Cán bộ bảo hộ công dân của Đại sứ quán cũng đề nghị phía Thái Lan bảo đảm để những ngư dân Việt Nam bị bắt giữ được đối xử phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Thái Lan.
EVN cam kết cung ứng đủ điện trong mùa khô
Ông Ngô Xuân Hải, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cho biết như vậy tại buổi làm việc với báo chí phía Nam ngày 4-4.
Theo ông Hải do ảnh hưởng tình hình khô hạn thời gian qua tần suất nước về các hồ ở mức thấp, trong đó nhiều hồ thủy điện không thể tích nước lên mực nước dâng bình thường.
Cũng theo ghi nhận ba tháng đầu năm, nguồn nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc như: Đa Nhim, sông Hinh nước khá tốt, còn lại các hồ khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn đang bị ảnh hưởng hạn nghiêm trọng.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2016, tần xuất nước về hồ khu vực miền Bắc đạt 65%, khu vực miền Trung và miền Nam đạt 75%.
Tuy vậy, ông Hải cho biết EVN đã triển khai nhiều giải pháp như huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí, cải tạo đường dây tải điện nên vẫn đảm bảo khả năng cung cấp điện, không cắt điện tiết giảm trong các tháng mùa khô trừ trường hợp có sự cố lưới điện.
Cụ thể, sản lượng điện huy động từ nhiệt điện dầu huy động trong 6 tháng mùa khô dự kiến khoảng 1,56 tỷ kWh và cả năm dự kiến 2,29 tỷ kWh; huy động từ nhiệt điện: Vĩnh Tân, Duyên Hải 1 - 3 khoảng 2.400MW.
Hơn 2.000 nhà bị thủng mái sau trận mưa đá ở Tuyên Quang
Sáng 4/4, ông Nguyễn Công Nông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, trận mưa đá kéo dài 10 phút sáng qua đã làm hơn 2.000 ngôi nhà bị thủng mái, 5 nhà bị sập hoàn toàn, 300 ha lúa, 300ha ngô đang thời kỳ phát triển bị hư hại. Các xã bị thiệt hại nặng nhất là Tân Thịnh, Phúc Thịnh, Trung Hòa, Hòa Phú và thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa).
Anh Lý Văn Phương, trú xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, trên đường đi làm đồng bị đá rơi trúng đầu, gây thương tích nhẹ.
"Chúng tôi đang đi kiểm tra, sẽ hỗ trợ tiền những hộ dân có nhà bị hỏng mái để lợp lại. Trận mưa đá rất lớn và bất ngờ. Các cụ già ở đây cho biết từ bé đến giờ chưa từng thấy trận mưa nào cục đá to bằng bát ăn cơm rơi xuống mái nhà như thế", ông Nông nói.
Sáng 3/4, trận mưa đá bất ngờ rơi xuống nhiều khu vực ở Tuyên Quang. Những viên đá đường kính 4-8 cm làm thủng mái nhà dân, vỡ gương xe máy, kính ôtô, khiến nhiều người đi đường hoảng sợ vội tìm chỗ trú.
Nhiều người dân cho biết chưa bao giờ thấy trận mưa đá lớn như vậy trong nhiều năm qua. Ảnh: San San.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cho biết, ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao suy yếu và biến tính kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao đã gây mưa trên địa bàn toàn tỉnh, riêng vùng núi phía Bắc gồm các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang có mưa rào và giông mạnh. Thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) xảy ra mưa kèm mưa đá, gió mạnh.