Số tiền này xấp xỉ lượng kiều hối gửi về Việt Nam là 12,25 tỷ đô la Mỹ trong năm 2015.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Chính phủ quyết tâm thì sẽ có những thay đổi
- Cập nhật : 06/10/2016
(Yeu nhan)
Chính phủ mới từ khi thành lập đến giờ tỏ ra quan tâm nhiều đến doanh nghiệp. Những chọn lựa của Thủ tướng để gỡ khó cho nền kinh tế đều hướng vào việc gỡ khó cho doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân, các chuyên gia để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt.
Bà kỳ vọng gì về chính phủ mới và những thay đổi của chính phủ đối với doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi thấy chính phủ mới từ khi thành lập đến giờ tỏ ra quan tâm nhiều đến doanh nghiệp. Những chọn lựa của Thủ tướng để gỡ khó cho nền kinh tế đều hướng vào việc gỡ khó cho doanh nghiệp. Vì vậy chỉ sau ba tuần nhậm chức, cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng là gặp doanh nghiệp.
Về chính trị, thường những nhà chính trị khác không làm như thế, họ sẽ gặp các giới khác. Thủ tướng lại chọn gặp doanh nghiệp, chứng tỏ ông thấy được nền kinh tế này đang rất khó khăn, muốn gỡ khó phải gỡ khó cho doanh nghiệp trước.
Sau đó, ông đã làm nhiều động thái để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, như việc ra nghị quyết 35 với nội dung đánh vào tất cả những điểm quan trọng nhất để tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp một cách dài hạn.
Chỉ tiếc một điều từ lúc đó đến nay bộ máy của Thủ tướng vẫn chưa vận hành. Các Bộ, ngành, địa phương gần như chưa thấy có những động thái hưởng ứng những điều Thủ tướng đã đưa ra. Đến mức Thủ tướng phải lập một tổ để rà soát khắp nơi, đốc thúc thực hiện.
Tất nhiên phải rà soát về nhiều mặt, nhưng để ông Bộ trưởng trong văn phòng chính phủ đích thân dẫn đầu một nhóm cứ lần lượt đến Bộ này Bộ khác để rà soát công việc của họ, thúc đẩy những điều mà chính phủ đã cam kết, như vậy rất kỳ!
Một ông Thủ tướng quyết liệt liệu có đủ?
Những quyết sách của ông Thủ tướng cứ…trôi đi tất cả. Đến đâu cũng thấy khó khăn trong việc thúc đẩy công việc của các Bộ, các ngành.
Vì nói chung những điều ông Thủ tướng nêu ra là để gỡ khó cho doanh nghiệp, giải được bài toán bế tắc cho kinh tế lại…chạm đến quyền lợi của các Bộ, các ngành, các địa phương, kể cả các nhóm lợi ích khác “bám” quanh các Bộ, ngành, địa phương để lợi dụng cách vận hành hiện nay có lợi cho một số ít doanh nghiệp thân hữu.
Người ta cứ bảo lợi dụng chính sách, thực ra là lợi dụng cá nhân người làm chính sách.
Thực ra trong cơ chế như vậy, những người có quyền, có lợi không ai muốn mất quyền, mất lợi của mình. Không ai nghĩ đến lợi ích chung của đất nước, của cả dân tộc để phát triển. Họ không mặn mà gì với những điều mà Thủ tướng đưa ra.
Rõ ràng ở đây chúng ta mới chỉ thấy vai trò của cá nhân Thủ tướng, còn vai trò của cả một chính phủ thì chưa rõ. Các vị Phó Thủ tướng cũng tỏ hào hứng với quyết sách Thủ tướng đưa ra, nhưng đến các Bộ là thấy nghẽn tới nghẽn lui rồi.
Những vấn nạn lớn như nợ công, nợ xấu, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… đang gây áp lực lớn cho chính phủ, theo bà làm sao giải quyết những vấn nạn này, để đời sống doanh nghiệp, đời sống người dân được cải thiện hơn?
Có lẽ thách thức lớn nhất của chính phủ mới là khôi phục lại niềm tin của người dân, của doanh nghiệp và của cả các bậc lão thành cách mạng…, vốn đang xuống đến mức thấp nhất.
Người dân cảm thấy rất chênh vênh đối với tương lai phát triển của đất nước. Hơn bao giờ hết, người dân trông đợi rất nhiều ở những người có trách nhiệm, có quyền trong tay để tạo ra thay đổi.
Tôi tin nếu chính phủ quyết tâm làm, thì ngay cả nợ công lớn thế nào cũng có thể giảm xuống được. Nhưng nếu dùng tiền công để chia chác nhau thì làm sao giảm được? Bài toán nợ công sẽ không có lời giải khi các nhóm lợi ích bám vào đầu tư công, chi tiêu công để mưu lợi cho riêng mình.
Bài toán khó thứ hai là nợ xấu cũng vậy. Nợ xấu tập trung vào một số nhóm lợi ích cá nhân kiếm lợi từ hệ thống đó. Nếu muốn giải bài toán này cũng phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng thương mại, cải cách đầu tư công… để không gây ra nợ xấu nữa. Trước hết là giảm bớt đà nợ xấu. Nhưng nếu nhóm lợi ích đó không chịu nhượng bộ cho cái chung thì chẳng có cách nào giải quyết nổi…
Còn an toàn thực phẩm thì phụ thuộc vào rất nhiều khâu. Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát, kiểm soát từ khâu sản xuất đến hệ thống phân phối. Nhưng để làm việc đó cần một lực lượng quá rộng lớn, xã hội lại phải nuôi một bộ máy lớn đến chừng nào.
Nên tôi nghĩ, quan trọng là tạo ra hệ thống luật pháp thật nghiêm minh. Thay vì đi vận động từng nông dân, từng nhà sản xuất phải làm thật sạch sẽ, thật cẩn thận đi, khuyến cáo khâu phân phối phải nghĩ đến người tiêu dùng đi… có lẽ Nhà nước phải mạnh tay trừng trị những kẻ làm bậy.
Trừng trị người sản xuất nhỏ đã đành, ngay cả những tội phạm lớn cũng phải dám trị nó. Không trị được tội phạm lớn thì làm sao trị được người sản xuất nhỏ? Tội phạm lớn thì hiển hiện rõ như ban ngày, mọi người đều thấy, tác hại của nó rộng lớn hơn nhiều. Nhưng nhiều khi tội phạm lớn lại có quan hệ dây mơ rễ má này khác, nên vẫn vượt qua được pháp luật.
Nói cho cùng, mọi thứ thay đổi đều đòi hỏi quyết tâm chính trị của những người cao nhất. Chính phủ quyết tâm làm thì có thể làm được.
Chống tham nhũng cũng thế thôi, nói chống mà không chống tới cùng, chống nửa chừng… thì xã hội sẽ nghi ngờ. Nếu làm tới nơi tới chốn, làm đúng đắn, cương quyết thì không có lý do gì xã hội không ủng hộ.
Vì nói cho cùng xã hội là nạn nhân, ai không muốn thoát khỏi cái đó, ai không muốn xã hội mình phát triển ổn định và thịnh vượng.