“Dân có thực sự làm chủ, thực sự có quyền thì quan chức sẽ không còn dám đứng trên pháp luật. Khi đó mới có thể thực thi được giá trị pháp quyền”.
Miễn visa, sao khách quốc tế vẫn không tới?
- Cập nhật : 12/11/2015
(Kinh te)
Giảm phí visa hay miễn thị thực không phải là chiếc đũa thần để du lịch phát triển.
Hồi tháng 7 chính sách miễn thị thực cho khách Tây Âu trong vòng 15 ngày có hiệu lực đến 30-6-2016 được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều khách quốc tế đến Việt Nam.
Dù theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có tăng hơn nhờ chính sách này nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Bất hợp lý
Bà Ngô Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Du lịch quốc tế BenThanh Tourist, cho biết tính từ thời điểm miễn thị thực đến nay khách đến từ thị trường Tây Âu tại công ty vẫn không tăng nhiều. Nguyên nhân là do các tour do công ty thực hiện đa số trên 15 ngày nên thực tế khách vẫn phải làm visa.
Ngoài ra, thời gian miễn thị thực 15 ngày là ngắn so với khách du lịch của các nước Tây Âu, bởi thời gian nghỉ phép, lễ của họ 30-45 ngày/năm nên thường chương trình du lịch đến Việt Nam dài hơn 15 ngày.
“Với đối tượng khách lớn tuổi, nhiều thời gian, họ muốn một chương trình du lịch thong thả, không gấp gáp nên thường yêu cầu tour dài ngày. Đối tượng khách du lịch tránh đông cũng thường có kỳ nghỉ dài tại Việt Nam” - bà Ngô Thanh Nga cho biết thêm.
Cùng nhận định như trện, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Lửa Việt nói việc miễn thị thực cho khách Tây Âu hay giảm lệ phí thị thực là một trong những động thái đáng mừng.
Tuy vậy, khách đến Việt Nam không chỉ vì giảm phí visa hay miễn thị thực và đây không phải là chiếc đũa thần để phát triển du lịch”.
Sự thân thiện là một trong những điểm nhấn đối với du khách mà ngành du lịch cần hướng tới. Ảnh: VIẾT THỊNH
Một chuyên gia trong ngành du lịch thì đề xuất để thu hút khách quốc tế cần miễn visa. Bởi hiện nhiều nước như Singapore, Thái Lan… đã bỏ visa cho rất nhiều thị trường nên đã thu hút được nhiều khách.
Tránh nhàm chán
Tới đây Việt Nam giảm lệ phí visa cho khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc miễn, giảm phí visa thì cần phải có thêm nhiều chính sách khác.
“Chúng ta cần phải cải thiện nhiều yếu tố như giá dịch vụ phải thực sự cạnh tranh so với khu vực. Cơ sở hạ tầng phải được cải thiện, an ninh, giao thông cũng là yếu tố quan tâm đối với nhà tổ chức tour để đảm bảo du khách có kỳ nghỉ an toàn, thoải mái, xóa bỏ tâm lý e ngại khi đến du lịch Việt Nam” - bà Nga nhấn mạnh.
Theo ông Mỹ, để thu hút khách, có những việc chúng ta có thể làm ngay mà không tốn kém như giảm bớt các thủ tục rườm rà nhiêu khê, dẹp bỏ tình trạng "chặt chém", nói thách… Bên cạnh đó tìm ra các mô hình độc đáo, tránh gây ra sự nhàm chán.
Đặc biệt phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách, không chèo kéo, chào hàng thô thiển, giữ môi trường du lịch sạch sẽ, tinh tế và tạo ấn tượng thân thiện cho du khách…
Giảm phí visa cho du khách
Ngày 23-11 tới, Thông tư 157/2015/TT-BTC quy định về chế độ thu nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh và cư trú tại Việt Nam sẽ có hiệu lực.
Theo đó, lệ phí thị thực đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được điều chỉnh giảm. Cụ thể phí thị thực có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống 25 USD; thị thực loại có giá trị đến ba tháng giảm từ 95 USD còn 50 USD…
Giảm phí visa hay miễn thị thực không phải là chiếc đũa thần để du lịch phát triển.