Nhà Trắng công bố lịch trình chi tiết của Tổng thống Obama tại Việt Nam
"Để tranh thủ TPP, Việt Nam cần lực lượng kế toán chuyên nghiệp"
Xe sang có thể mất thêm phí bảo vệ môi trường
Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp: Đừng chỉ nói 10, mà làm được 1, được 2!
Đề nghị TP.HCM rà soát đất đai các cơ quan, tập đoàn nhà nước chưa chịu hoàn trả
Kỷ niệm về chặng đầu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của cựu Đại sứ Lê Văn Bàng
- Cập nhật : 20/05/2016
(tin kinh te)
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tại New York Lê Văn Bàng chia sẻ về chặng đường đầu tiên đầy khó khăn cũng như triển vọng của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thưa ông, những năm 1993 – 1994, ông đang đảm nhiệm vai trò Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc. Đó cũng là giai đoạn cuối Việt Nam - Hoa Kỳ xúc tiến đi đến bình thường hóa quan hệ (1995). Khi đó, bạn bè quốc tế đánh giá thế nào về sự kiện này? Giai đoạn này có ý nghĩa như thế nào trong sư phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau này?
Tháng 12/1992, tôi sang Hoa Kỳ nhậm chức Đại sứ Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc tại New York. Nhiệm vụ của tôi ngoài tham gia hoạt động tại Liên Hợp quốc còn phải tập trung tham gia tiến hành thương lượng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ dặn tôi: “Anh sang đó chuẩn bị và sẽ sớm đi Washington mở cơ quan đại diện”.
Trong những năm 1988-1992, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo, nhất là vấn đề người Mỹ mất tích (MIA). Cácdoanh nhân Mỹ khi đó đã đọc thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam nên rất muốn vào thị trường Việt Nam làm ăn, nếu không sẽ chậm chân so với các nước khác. Thực tế là trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Bush (cha) đã cho phép cácdoanh nghiệp Mỹ lập văn phòng đại diện ở Việt Nam để sẵn sàng cho thời điểm phù hợp.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tại New York Lê Văn Bàng
Khi Tổng thống Bill Clinton vào Nhà trắng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ngầm hiểu với nhau là sẽ đẩy nhanh tiến trình thương lượng đi đến bình thường hóa quan hệ. Khoảng tháng 4/1993, phía Hoa Kỳ cử một phái đoàn cao cấp do cựu Ngoại trưởng E. Muskie dẫn đầu sang thăm Việt Nam và Campuchia, nhằm đánh giá 2 điều kiện phía Mỹ nêu là đạt tiến bộ về MIA và Việt Nam rút hết quân ở Campuchia.
Tuy nhiên, khi phái đoàn Muskie còn ở Việt Nam, thì tại Washington, một học giả Mỹ có tên là S. Morris tung ra một tài liệu nói là lấy được trong kho lưu trữ của Nga. Tài liệu đó nói đại ý rằng có thông tin báo cáo với Bộ chính trị có tù binh Mỹ được chuyển sang Liên Xô trước đây. Tài liệu giả mạo này như một gáo nước lạnh dội vào quan hệ Việt - Mỹ khi đó. Chính quyền Clinton buộc phải điều tra sự thật về tài liệu này. Vậy là kế hoạch đi Washington lập cơ quan đại diện phải gác lại.
Tháng 10/1993, Phó thủ tướng Phan Văn Khải sang New York họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc và tiến hành thăm không chính thức Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm này, Phó thủ tướng đã giải thích cặn kẽ với phía Mỹ về thiện chí của Việt Nam và được giới doanh nghiệp, báo chí, dư luận Mỹ đánh giá rất cao. Mặc dù hai bên chưa lập cơ quan đại diện, nhưng Tổng thống Clinton đã đi được một bước nhỏ bằng cách đồng ý để Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam vay để xây dựng hạ tầng cơ sở.
Sau đó, tài liệu mà S. Morris đưa ra đã bị vạch trần là giả, nhưng Chính quyền Clinton cũng nhận thấy trong nội bộ Mỹ chưa thực sự đồng thuận cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Clinton đi thêm được một bước nữa và là bước đi quan trọng. Ông tuyên bố bỏ cấm vận đối với Việt Nam.
Hôm đó, khi xem truyền hình, nghe Tổng thống Clinton phát biểu với dân chúng Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, mắt tôi ứa nhòa. Tôi nhớ lại suốt 20 năm, từ 1975 đến 1994, chúng ta đã đấu tranh và trải qua bao nhiêu khó khăn mới có kết quả Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận. Từ đây, công cuộc đổi mới, mở cửa của Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mặc dù ở Việt Nam đang là đêm khuya, tôi vẫn gọi điện báo tin cho lãnh đạo biết. Tại New York, có một vị giáo sư khi trò chuyện với tôi vẫn quả quyết là Tổng thống Clinton chưa thể bỏ cấm vận. Khi nghe tin này, ông đã đến gặp tôi chúc mừng và nói “các ông đã thắng”.
Cuối năm 1994, hai bên đã thỏa thuận lập Văn phòng liên lạc ở Thủ đô hai nước vào tháng 1/1995. Có lẽ trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt -Mỹ, thì giai đoạn 1993-1994 là kịch tính nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất. Nó mở ra một trang sử mới trong quan hệ Việt-Mỹ, giai đoạn quan hệ hòa bình, hữu nghị.
Xin ông cho biết những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi đảm nhiệm vai trò Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ ?
Việc đầu tiên của Cơ quan đại diện là tìm thuê trụ sở. Phía Hoa Kỳ trao trả tòa nhà dùng làm Đại sứ quán của chính quyền Sài Gòn trước đây, nhưng chúng ta không thể dùng được do nhà để đã 20 năm, bị hư hỏng xuống cấp. Chúng tôi đã tìm thuê được văn phòng trong một building, lúc đó chỉ có 13 cán bộ làm việc. Giờ đây, số cán bộ đã tăng gần gấp 3 lần mà Sứ quán vẫn ở đó…
Anh em trong cơ quan rất phấn khởi nên làm việc rất miệt mài không kể ngày, đêm và ngày nghỉ. Khi cơ quan quá bận thì chị em phu nhân cũng tham gia hỗ trợ. Có lẽ do mong mỏi có một cơ quan đại diện tại Mỹ để giải quyết các công việc song phương của hai nước, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại nên không ai nỡ để việc đến “ngày mai”…
Các công ty Mỹ, các tổ chức nhân đạo, báo chí, phóng viên, học giả, Việt Kiều, các quan chức Chính phủ Mỹ, nghị sỹ…tất cả đều được đón tiếp chu đáo, chân tình. Sau này, có nhà báo đã viết về Sứ quán ta: “… đó là bộ mặt nhân đạo của Việt Nam”. Ở trong nước, chúng tôi cũng nhận được nhiều yêu cầu thông tin về các doanh nghiệp Mỹ, yêu cầu đón và hướng dẫn thăm của các đoàn Việt Nam.
Tuy vậy, không phải mọi chuyện đều dễ dàng. Những tàn dư của chiến tranh vẫn hàng ngày hiện hữu gây cản trở các hoạt động của Cơ quan đại diện. Vẫn có những kẻ không đặt lợi ích của hai đất nước lên trên, cố níu kéo quá khứ đau thương vì những mục đích xấu để chống bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Nhưng bây giờ, những tiếng nói lạc lõng, đi ngược lại xu thế hợp tác, phát triển đã giảm đi nhiều.
Qua hơn 2 thập kỷ, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ? Đâu là những dấu mốc lớn nhất, có ý nghĩa nhất trong mối quan hệ này?
Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đưa mối quan hệ này lên tầm quan hệ đối tác toàn diện, mà đỉnh cao là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015.
Có thể điểm những mốc quan hệ phát triển quan trọng trong 20 năm qua, điển hình là việc Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam ngày 3/2/1994; việc hai nước trao đổi Đại sứ năm 1997 và ký Hiệp định thương mại năm 2000; cuối năm đó, Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng quan hệ lên mức đối tác toàn diện. Mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ có thể có tầm quan trọng hơn mối quan hệ chiến lược. Đơn cử, về quan hệ thương mại, Mỹ là bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ được dự báo sẽ còn lớn hơn nữa.
Ngày nay, quan hệ Việt – Mỹ không chỉ quan trọng đối với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, mà còn quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, khoa học - kỹ thuật, thậm chí cả an ninh và tự do hàng hải, chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Nói về triển vọng của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cựu Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, ông P. Peterson từng nhận định rằng, có ngày Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thiết lập quan hệ chiến lược. Ông nói, trong quan hệ Việt- Mỹ, “không có gì là không thể”. Đến nay, quan hệ giữa hai nước đã tiến những bước đúng như nhận xét đó.
Theo ông, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam sẽ tác động thế nào tới sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?
Hiện nay, tình hình thế giới cũng như tình hình ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á và Biển Đông đang có những biến động và thách thức lớn, đe dọa an ninh và lợi ích chiến lược của Mỹ cũng như của Việt Nam.
Vì vậy, cũng như chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất định sẽ tăng cường quan hệ nhằm hóa giải những thách thức đối với quyền lợi của mỗi bên.
Trước mắt là việc đưa Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đi vào cuộc sống. Phía Hoa Kỳ đánh giá rất cao việc Việt Nam là nước chậm phát triển nhất tham gia TPP và họ có quyết tâm giúp Việt Nam hưởng lợi từ Hiệp định này nhằm khuyến khích các nước khác tiếp tục tham gia Hiệp định.
Những bước đi cụ thể trong hợp tác Việt - Mỹ để đảm bảo hòa bình, ổn định và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông cũng được đề cập. Ngoài ra, với tầm nhìn và tư duy chiến lược của Tổng thống Obama, phía Hoa Kỳ cũng muốn đặt nền tảng cho một mối quan hệ bền vững, lâu dài để các chính quyền kế tiếp của họ tiếp tục thực hiện như Hoa Kỳ đang làm với Cuba ở Tây Bán Cầu. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới, đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai nước.
(Bài viết được đăng trên Đặc san song ngữ Việt - Anh “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội kinh doanh rộng mở" (Vietnam-US relations: Flourishing business opportunities) do Báo Đầu tư sản xuất, phát hành tháng 5/2016.
(Theo Báo Đầu Tư)