tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Báo Anh: Du lịch Việt đang “lâm nguy” do… quá nóng vội

  • Cập nhật : 17/08/2015

(Tin kinh te)

Trong suốt 20 năm qua, dường như ngành du lịch Việt Nam đang chạy theo khái niệm “To đồng nghĩa với đẹp”. Nhưng thực tế lại không phải vậy...

Tờ The Guardian dẫn lời của Fred Trịnh – một doanh nhân 39 tuổi người Canada gốc Việt đã từng đến Phú Quốc cho biết “Khi ở Phú Quốc, nhắm mắt lại tôi sẽ tưởng tượng khung cảnh của một thiên đường với hai hàng dừa trải dài quanh con đường đất đỏ dẫn ra bãi biển hoang sơ. Nhưng khi mở mắt ra, mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ, máy xúc hoạt động khắp nơi, chia cắt bãi biển xinh đẹp này thành từng mảnh nhỏ để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn theo tiêu chuẩn thế giới”.
 

du lich viet dang “lam nguy” do… qua nong voi

Du lịch Việt đang “lâm nguy” do… quá nóng vội

Sự phát triển ồ ạt đã làm mất đi nét đẹp hoang sơ, quyến rũ thanh bình từng giúp cho Phú Quốc trở thành điểm du lịch lý tưởng của Việt Nam trong mắt nhiều du khách quốc tế.

“Trong suốt 20 năm qua, dường như ngành du lịch Việt Nam đang chạy theo khái niệm “To đồng nghĩa với đẹp”. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Các tỉnh đua nhau giành giật những siêu dự án mà quên đi vẻ đẹp vốn có được thiên nhiên ban tặng” - Mark Bowyer, một chuyên gia nghiên cứu về du lịch Việt Nam nhận định.

Ở một đất nước mà tỷ lệ du khách quốc tế quay lại chỉ chiếm khoảng 33%; sự phát triển ồ ạt đang khiến ngành du lịch Việt Nam phải trả một cái giá “khá đắt”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, đến tháng 6/2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 13 tháng liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 8,2% so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam mới thu hút được 3,8 triệu du khách quốc tế; giảm mạnh 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân của sự lao dốc này, Tổng cục du lịch Việt Nam cho rằng, lượng khách đến từ Nga và Trung Quốc – 2 thị trường du lịch chính của Việt Nam đã giảm mạnh trong thời gian qua. Cụ thể là do sự kiện biển Đông xảy ra vào tháng 5/2014 và đồng Rúp Nga mất giá do trừng phạt kinh tế.

“Mặc dù lượng du khách đến từ các quốc gia khác tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp cho số lượng bị mất từ 2 thị trường chính. Trong khi đó, Việt Nam không thể thúc đẩy việc quảng bá ra nước ngoài do thiếu kinh phí” - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, chính sách thị thực phức tạp và không thân thiện cũng là một trong những “điểm trừ” của ngành du lịch Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng dự định dành 100 triệu USD để thành lập Quỹ xúc tiến quảng bá du lịch.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa ký quyết định mở rộng diện miễn trừ thị thực cho các quốc gia Châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ chính sách miễn thị thực cũng cho rằng đây không phải là giải pháp căn cơ.

Trong đợt trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp Quốc Hội đầu năm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nguyên nhân căn bệnh của ngành du lịch Việt Nam còn nằm ở giao thông không an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, trộm cướp, nạn ăn xin, lừa đảo...

“Việc xây dựng ồ ạt tại các khu du lịch vô hình chung làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của của một loạt các kỳ quan thiên nhiên dọc chiều dài đất nước, mà đó chính là thỏi nam châm thu hút khách du lịch.”, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc một công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Điển hình trong số đó chính là dự án xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, một trong những hang động tự nhiên đẹp nhất thế giới nằm khu vực gần biên giới Việt Nam – Lào, chỉ được chính quyền Quảng Bình dừng lại sau khi vấp phải làn sóng phản đối từ các du khách và các nhóm bảo tồn thiên nhiên.

Các nhà bảo tồn cho rằng công tác quy hoạch yếu kém trong xây dựng các nhà máy thủy điện và khu nghỉ dưỡng ven biển chính là nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở ở Hội An, nơi được UNESCO công nhận Di sản và là một trong những điểm đến ưa thích của du khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam đang vừa phải cố gắng bảo tồn các di sản thiên nhiên, vừa phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút du khách quốc tế nhằm cạnh tranh với các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Malaysia.

Theo thống kê, năm 2014, lượng du khách đến các quốc gia này cao gấp 3 lần Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam chỉ đón tiếp khoảng 7,87 triệu lượt du khách quốc tế; thấp hơn mục tiêu đặt ra là 8,2 triệu lượt khách.

Trong tháng 7 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chính sách miễn thị thực lên tới 15 ngày cho khách du lịch đến từ các nước như Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha, đồng thời tiếp tục xem xét mở rộng các trường hợp miễn thị thực khác.

“Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực cho các nước Châu Âu sẽ không có tác động ngay tức thời cho đến giữa năm sau vì hiện tại mọi người hầu như đã có kế hoạch du lịch cho mình trong năm 2015” – một chuyên gia quốc tế nghiên cứu về du lịch Việt Nam nhận định.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục