tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hàng Việt nóng lòng vào thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu

  • Cập nhật : 10/07/2015

(Thuong mai Viet Nam)

Cơ hội tiếp cận thị trường của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD...

Với quy mô hơn 10.000 m2 mặt sàn, Hội chợ Hàng Việt Nam tại Moscow năm 2015 được xem là hội chợ tầm cỡ quốc gia lớn nhất của Việt Nam tổ chức tại Nga từ trước tới nay.

 Hội trường lớn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 7/7 không có một chỗ trống, khi đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong nước tìm đến để tìm hiểu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.

 
Thuyền to thì sóng lớn
 
Các tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, có 90% số dòng thuế của hai bên và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên tính mốc từ năm 2014 sẽ được mở cửa và tự do hóa.
 
Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện chỉ đạt 4 tỷ USD/năm, nhưng nếu thực hiện theo hiệp định này thì dự kiến đến năm 2020, kim ngạch này dự kiến sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.
 
Đó là những con số khiến cho nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cảm thấy đầy hy vọng. 
 
Theo phân tích của bà Đào Thu Hương, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, nếu xét trên phương diện thuế, đây là giai đoạn Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế suất nhập khẩu sâu trong một số FTA.
 
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu giảm, có thể giúp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ…
 
Tuy nhiên, sẽ là quá lạc quan nếu chỉ nghĩ đến cơ hội... Vẫn theo bà Hương, bài toán với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là năng lực cạnh tranh chưa cao, nhiều hạn chế về tài chính và công nghệ, chịu sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả hàng nhập khẩu.
 
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty Incentra, chủ đầu tư dự án tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow, việc Việt Nam ký hiệp định FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD.
 
“Các doanh nghiệp được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, trong đó những ngành có lợi thế nhất là thủy sản, da giày, dệt may được hưởng thuế suất 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng cũng như chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường Nga”, ông Sơn nói.
 
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nói, Việt Nam hiện xuất khẩu dệt may vào thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD. Tuy nhiên, nếu có chiến lược khai thác tốt những lợi ích từ hiệp định này, Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may trên 1 tỷ USD tại đây.
 
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, trong khối Liên minh Kinh tế Á - Âu, Liên bang Nga là thị trường chính với tổng dân số trên 140 triệu người, trong đó riêng thủ đô Moscow đã là gần 12 triệu người.
 
“Hai nhà” chung tay
 
Trước cơ hội này, Bộ Công Thương đang cùng với các cơ quan chức năng và hiệp hội doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho công việc thúc đẩy đưa hàng Việt sang Nga nói riêng và khối Liên minh Kinh tế Á - Âu nói chung.
 
Mới đây, theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM về kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp thành phố tham gia “Hội chợ hàng Việt Nam tại Moscow năm 2015”, Sở Công Thương Tp.HCM đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội - Moscow (Incentra), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai kế hoạch tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam tại Moscow năm 2015.
 
Với quy mô hơn 10.000 m2 mặt sàn, đây được xem là hội chợ tầm cỡ quốc gia lớn nhất của Việt Nam tổ chức tại Nga từ trước tới nay, một cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận Nga và Liên minh Kinh tế Á - Âu, một thị trường “mới mà cũ” với Việt Nam.
 
Hiện đã có nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đăng ký tham gia hội chợ nói trên, như: Hiệp hội Gỗ Bình Dương, Hiệp hội Gỗ Bình Định, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng công ty Dệt may Phong Phú, Công ty May Đồng Nai, công ty Thiên Hương (hàng thủ công mỹ nghệ)… Nhiều tỉnh thành cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia và đang hoàn tất các thủ tục cần thiết.
 
Về phía Incentra, theo bà Hà Phương, Trưởng phòng Marketing của Incentra tại Việt Nam, với vai trò là cầu nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với Nga và các nước trong khu vực, trong thời gian tới, công ty này sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với các thủ tục pháp lý tại Nga, giấy phép lập công ty, mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc showroom, cũng như tìm kiếm các đối tác, đại lý có tiềm năng và đáng tin cậy...
 
Bên cạnh đó, Incentra cũng tiếp nhận các doanh nghiệp Nga muốn làm ăn với Việt Nam tới đặt văn phòng hoặc mở gian hàng buôn bán. Ngoài ra, công ty cũng sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại, các cuộc tọa đàm, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao...

Theo Economy

Trở về

Bài cùng chuyên mục