Công nghiệp Việt Nam hiện vẫn ở đẳng cấp thấp. Thái Lan có tỉ lệ sử dụng công nghệ cao là 31%, Malaysia 51% và Singapore 73%.
Lạc vào đảo hoang, cần hạt giống hay dây thừng?
- Cập nhật : 18/11/2015
(Kinh te)
Hội nhập không chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp mà còn là "cuộc chiến" cân não giữa các quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.
Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại diễn đàn “CEO 3.0 -Khởi đầu sứ mệnh: Tư duy 90 hay 600” tại trung tâm hội nghị White Palace chiều 24-9 - Ảnh: Thanh Tùng
Bất cứ sự thay đổi nào cũng tạo ra tâm lý lo lắng, hội nhập không chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp mà còn là "cuộc chiến" cân não giữa các quốc gia nhằm năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Giữa cơ hội và rủi ro, doanh nghiệp VN nhìn thấy điều nào nhiều hơn?
Câu chuyện hạt giống và chiếc dây thừng
Gần 20 diễn giả khách mời và các nhà hoạch định chính sách tham gia diễn đàn CEO Việt Nam 2015 chiều 24-9, được tổ chức tại TP.HCM đã cùng mổ xẻ câu trả lời này trong thời điểm mà cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành cuối năm nay.
Từ sân chơi khu vực, hãy nghĩ đến thị trường toàn cầu chứ không chỉ là 90 triệu của VN hay 600 triệu người tiêu dùng của ASEAN là những gì vừa được tạm đúc kết trong cuộc hội ngộ của cả ngàn CEO tại TP.HCM.
Một tình huống giả định được đặt ra với các doanh nhân: nếu lạc vào đảo hoang, bạn sẽ chọn mang theo hạt giống hay chiếc dây thừng? Nhiều cánh tay đưa lên chọn hạt giống và cũng một số kha khá chọn chiếc dây thừng.
Những người chọn hạt giống lý giải rằng sẽ ươm mầm để trổ sinh và biết đâu lại không phủ màu xanh của cánh rừng. Ngược lại, những người chọn dây thừng vì cho rằng sẽ tìm được cây cối, vật dụng và buộc chúng lại thành bè vượt biển bơi vào. Nhưng người chọn hạt giống cho rằng làm sao biết được khi bơi vào phía trước là gì nên chọn hạt giống vì ít ra sẽ còn một cơ hội mới.
Lắng nghe những chia sẻ ấy, ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu) nói ông không nghĩ rằng ai đúng, ai sai khi chọn hạt giống hay chiếc dây thừng. Theo ông, lựa chọn ấy cũng như từng doanh nghiệp phải chọn chiến lược phát triển cho mình.
“Tùy vào đặc thù, tình hình và khả năng của doanh nghiệp bạn mới biết chọn cái nào là hợp lý nhưng dù chọn cái nào thì trước mặt các bạn vẫn là biển khơi. Và sân chơi AEC hay toàn cầu cũng tương tự như vậy với các doanh nghiệp” - ông Trai phân tích.
Trong khi đó, TS Hans-Paul Burkner (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn tư vấn Boston) nói không thể có một giải pháp chung cho tất cả, vấn đề là phát huy thế mạnh của doanh nghiệp nội địa nhưng tư duy toàn cầu. Theo ông Burkner, hiểu nội lực, vị thế, cơ hội của mình để biết doanh nghiệp cần đi đâu, nhanh hay chậm mới là yếu tố quan trọng cho sự thành công trong cuộc cạnh tranh thị trường.
Hàng Việt Nam đủ sức cạnh tranh
Theo thứ trưởng Trần Tuấn Anh trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hàng VN vẫn đạt khá cao, gần 16%, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng này vẫn đạt gần 9% cho thấy hàng hóa VN có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng các nước.
“Sức cạnh tranh hàng hóa VN phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp. Dù Chính phủ có nỗ lực bao nhiêu cũng không quan trọng doanh nghiệp có muốn cạnh tranh, có tạo ra được sản phẩm tốt hơn hay không, các đối thủ không hẳn quá mạnh”, thứ trưởng nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch công ty tư vấn GIBC cũng cho rằng vào hội nhập, doanh nghiệp VN không chỉ phải làm nhiều việc khác nhau mà còn phải biết làm khác đi. Các nhà đầu tư luôn xem ASEAN là thị trường hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư, sáng tạo kinh doanh.
Các doanh nghiệp VN vì thế không thể bỏ qua một thị trường 600 triệu dân, trong đó tầng lớp người tiêu dùng trung lưu đang có tốc độ tăng trưởng nhanh của thế giới.
Tiến sĩ Hans-Paul Burkner, chủ tịch tập đoàn tư vấn Boston cho rằng trong hội nhập không có một giải pháp cho tất cả, điều quan trọng là doanh nghiệp VN phải biết thế mạnh của mình, thực tế cũng có nhiều công ty nước ngoài không thành công ở VN.
Trong quá trình đó, đi nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố năng lực của mỗi doanh nghiệp, phải hiểu được thị trường mà doanh nghiệp thâm nhập. Không nhất thiết thị trường đông dân thì doanh nghiệp mới thành công.
Từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh. Chính phủ có thể cung cấp nền tảng pháp lý vững chắc nhưng chính doanh nghiệp sẽ tự tạo dựng hoạt động kinh doanh và tận dụng nền tảng mà chính phủ hỗ trợ. Kinh doanh phải có lúc chấp nhận thất bại nhưng quan trọng là phải tạo dựng được thương hiệu của doanh nghiệp.
Ông Hans - Paul Burkner - Chủ tịch công ty tư vấn Đầu tư Boston đưa ra những nhận định về tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới - Ảnh: Thanh Tùng
Luật VN phức tạp nhất thế giới
Trước thông tin các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá pháp luật VN phức tạp nhất thế giới dẫn đến môi trường kinh doanh VN kém cạnh tranh, Nói với các doanh nhân về hành lang pháp lý mà nhà nước chuẩn bị cho cuộc chơi hội nhập sâu rộng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin chính phủ giao bộ rà soát lại tất cả quy định của pháp luật theo Hiến pháp 2013 trên tinh thần cái nào cần sửa phải sửa, cái nào không phù hợp kiên quyết loại bỏ.
Bộ trưởng Cường công bố một con số làm cả hội trường bất ngờ khi rà soát lại có đến trên một triệu văn bản quy phạm pháp luật do cấp tỉnh thành ban hành báo cáo lại. Ngay cả một cơ quan cấp xã, cấp huyện cũng có thể ban hành văn bản pháp luật.
“Khi đi đàm phán với Hoa Kỳ, một trong những nội dung đàm phán mà họ yêu cầu chúng ta là tất cả các thủ tục hành chính phải được ban hành minh bạch. Hơn một triệu văn bản thì không có luật sư nào hiểu hết được chứ đừng nói doanh nghiệp”, ông bộ trưởng Cường nói.
Hiện nay chính phủ đang rất cố gắng giảm bớt cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, các Bộ cũng không được ban hành thông tư liên tịch mà chỉ được ban hành thông tư. Có rất nhiều người nói rằng càng nhiều pháp luật càng hạn chế rủi ro nhưng luật đang được sửa theo hướng cái gì cấm thì rất cụ thể, cái gì không cấm có nghĩa được làm.
Đặt tâm thế vào cuộc chơi lớn, cơ quan quản lý hoàn toàn đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp về băn khoăn của doanh nghiệp VN là thị trường 90 triệu dân hay 600 triệu dân của ASEAN, tuy nhiên Bộ trưởng Cường cũng cho rằng từ nhiều năm nay, VN đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do và tất cả đều là do VN chủ động tham gia cho thấy VN đã có những sự chuẩn bị để hội nhập kinh tế quốc tế.
Nên tìm hiểu trước khi đầu tư
Bộ trưởng cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp VN ở thế phòng thủ hay hay tấn công thì bao giờ đi ra nước ngoài làm ăn cũng phải sử dụng dịch vụ tư vấn. Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào VN, chưa bao giờ ông chủ đi trước mà toàn thuê luật sư tìm hiểu, để trả lời các câu hỏi môi trường VN có rủi ro không? Ổn định không? Lợi nhuận thế nào?...
Hiện có 65 văn phòng chi nhánh luật sư nước ngoài tại VN để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, làm ăn tại VN, doanh nghiệp VN cũng nên có thói quen này, có như vậy mới tránh được những kiện tụng khi đi ra các nước.
Trước một số ý kiến cho rằng hành lang pháp lý cũng như các chính sách kinh tế hiện nay đang giải quyết những vấn đề nội tại hơn là mở đường cho tương lai, thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng những thay đổi của VN hiện nay là để phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế cũng như thực hiện đúng các cam kết với các nước.
Diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (Hội LHTN VN TP.HCM) phối hợp cùng CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân 2030, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức.
Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp đặt ra - Ảnh: Thanh Tùng
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng các khách mời giao lưu tại diễn đàn “CEO 3.0-Khởi đầu sứ mệnh: Tư duy 90 hay 600” - Ảnh: Thanh Tùng