tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ông Trần Công Trục: 'Trung Quốc vận động thất bại trong vụ kiện đường lưỡi bò'

  • Cập nhật : 11/11/2015

(Bien dong)

Việc tòa quốc tế xem xét vụ kiện của Philippines chứng tỏ những áp lực mà Trung Quốc gây nên về ngoại giao, kinh tế cũng như vận động hành lang đã thất bại.

viec trung quoc tiep tuc hoan thanh cac dao nhan tao o truong sa trong khi toa xem xet vu kien chung to bac kinh khong che day y do cua minh. anh: csis

Việc Trung Quốc tiếp tục hoàn thành các đảo nhân tạo ở Trường Sa trong khi tòa xem xét vụ kiện chứng tỏ Bắc Kinh không che đậy ý đồ của mình. Ảnh: CSIS

 

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trao đổi vớiVnExpress về triển vọng vụ kiện Philippines đưa ra tại Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc về những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

- Việc PCA tuyên bố có thẩm quyền xem xét vụ kiện có ý nghĩa thế nào thưa ông?

- Tôi phải nói rằng trước đây tư tưởng bi quan về vụ kiện nói chung nhiều hơn là lạc quan. Sau phiên đầu tiên mọi người đều mong hội đồng trọng tài ở La Haye (Hà Lan) khẳng định thẩm quyền của mình, mong muốn đó là điều chính đáng. Vì thế khi tòa đưa ra thông báo này, không chỉ là tin vui của Philippines, đây là thắng lợi của cả cộng đồng khu vực và quốc tế trong việc bảo vệ Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), cơ chế mà cả thế giới đã dày công xây dựng nên. 

- Trung Quốc tuyên bố họ sẽ phớt lờ phán quyết của tòa, điều này gây khó khăn gì cho PCA và Philippines?

- Việc Trung Quốc quay lưng lại với tòa không phải bây giờ họ mới làm. Ngay cả chuyện gây khó khăn cho Philippines, họ đã thực hiện ngay từ khi Manila gửi đơn kiện, cả về phương diện ngoại giao và kinh tế. Thậm chí chúng ta cũng không loại trừ việc Bắc Kinh có những vận động hành lang, họ có thể có những thông tin thường xuyên với cơ quan tài phán. Thế nhưng chân lý đã không thể bị bẻ cong. Những thành viên của tòa đã thể hiện sự công tâm và làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi cho rằng việc Việt Nam hoan nghênh quyết định này chính là thể hiện sự thượng tôn pháp luật và cổ vũ cộng đồng quốc tế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 

- Những lợi thế của Philippines là gì thưa ông?

- Xét về pháp lý, những nội dung mà Philippines đề nghị tòa xem xét hoàn toàn có căn cứ. Trung Quốc đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò, chiếm gần trọn Biển Đông, điều này khi đối chiếu với các quy định của UNCLOS thì đều sai, không thể biện minh. Thêm nữa, việc Bắc Kinh biến các bãi cạn, bãi đá thành đảo nhân tạo, nhằm từ đó tạo ra các vùng biển, đó là cố tình giải thích sai Công ước.

Về phía dư luận, các nước trong khu vực và quốc tế đều đang đứng về phía Philippines, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ. Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn từ Trung Quốc nhưng các cấp của Philippines đã có những phát ngôn chính thức, từ đại diện của tổng thống, chính phủ, đến học giả đều cho thấy sự quyết tâm tiếp tục theo đuổi vụ kiện, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo. Họ đang bảo vệ quyền của mình, đồng thời bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

- Ông dự đoán Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo?

- Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc làm điều gì đó nhưng họ sẽ chỉ làm được những cái có thể. Chẳng hạn với Manila, có thể Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây những khó khăn về ngoại giao hay kinh tế. Tuy nhiên, không phải do quan hệ xấu đi với Trung Quốc mà Philippines không thể tồn tại được. Tôi tin rằng có nhiều bạn bè quốc tế, các nước có đủ sức mạnh và chân lý sẽ giúp đỡ những nước nhỏ hơn. Ngay cả dư luận trong nội bộ Trung Quốc, cũng có những học giả cho rằng việc làm của PCA là theo đúng thủ tục, kêu gọi Bắc Kinh cần tôn trọng. Nếu Trung Quốc cho rằng mình có quyền hợp pháp và tuân thủ luật biển thì xin hãy đến tòa để bảo vệ điều mình nói. Nếu họ không xuất hiện tại tòa thì chứng tỏ họ có chuyện khuất tất nào đó.

- Các kịch bản phán quyết mà PCA sẽ đưa ra là gì?

- Bây giờ còn quá sớm để nói về điều này, nó phụ thuộc vào các bên liên quan đưa ra lập luận của mình và bảo vệ nó như thế nào. Tôi tin rằng tòa quốc tế sẽ đưa ra những phán quyết có lợi cho Philippines, dựa trên những căn cứ họ nêu lên. Các điều khoản trong UNCLOS được bảo vệ sẽ có thể được dùng để xử lý các mối quan hệ phức tạp và tranh chấp trên biển.

- Khi PCA đưa ra phán quyết thì cơ quan nào sẽ thực thi?

- Việc thi hành án hiện là vấn đề khó khăn, điều mà mọi người bàn thảo nhiều vì cơ chế này thông qua Hội đồng Bảo an của LHQ. Trong khi các thành viên, trong đó có Trung Quốc, có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục "làm liều" thì chứng tỏ họ tự cô lập mình trên trường quốc tế.

- Theo ông việc PCA xét xử vụ kiện ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

- Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, Việt Nam nên theo dõi sát và có nghiên cứu thấu đáo về phương diện pháp lý. Năm ngoái Việt Nam đã có tuyên bố gửi PCA, chủ yếu là bảo vệ các lợi ích của mình. Nếu việc bảo vệ quyền thông qua biện pháp tài phán có hiệu quả, công tâm và văn minh thì chúng ta cũng không loại trừ sử dụng nó. Con đường này cũng giúp tránh xung đột vũ lực, Việt Nam nên xem xét thủ tục, đảm bảo tiến trình đó thuận lợi nhất.

- Tiến trình của tòa ảnh hưởng tới việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa như thế nào?

- Theo thủ tục, khi cơ quan tài phán đang xem xét vụ kiện thì họ có quyền đề nghị bên nguyên, bên bị cần phải dừng tất cả các hoạt động. Tuy nhiên đó là phạm vi quyền hạn của tòa, còn Trung Quốc có thực hiện không là chuyện khác. Điều đó cũng giúp dư luận thấy rõ là Trung Quốc không có thiện chí, thấy rõ sự thật của vấn đề mà từ trước lâu nay Bắc Kinh muốn che đậy bằng những lời hết sức hoa mỹ.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục